“Bão” tiếp tục hoành hành trên bờ

“Bão” tiếp tục hoành hành trên bờ
TP - Buổi trưa, cửa biển xóm nghèo Nam Ô 2 (phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) nắng chảy dài trên triền cát trắng. Từ đầu ngõ đã nghe  tiếng khóc ai oán.

Ngôi nhà gỗ xác xơ ngay sát mép biển của chị Nguyễn Thị Giang (1970) mấy ngày hôm nay đã che bạt để sẵn sàng làm lễ rước vong (cầu hồn cho người chết giữa biển khơi, không tìm thấy xác) cho anh Phạm Bình (1967), thuyền viên mất tích đi trên tàu DNA 0093 (chủ tàu là ông Ngô Văn Chiếu, tổ 4 phường Xuân Hà).

Chị Giang mấy ngày hôm nay ngất lên ngất xuống khi biết tin anh Bình đã mất tích giữa biển khơi. 4 đứa con thơ dại, nheo nhóc mở to những cặp mắt tội nghiệp nhìn khách lạ.

Chết chóc, tang thương và đói nghèo dường như đã ngấm vào máu của các em, những số phận bé bỏng, bọt bèo. Trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài một chiếc gường gỗ vẹo vọ dành cho cả 5 mẹ con chị Giang và một bà mẹ già... Tấm bạt màu xanh lung lay trước gió, căn nhà cũng xiêu vẹo trong nắng, như tình cảnh mấy mẹ con chị Giang khi anh Bình không bao giờ trở về nữa.

Quây quần trong một ngôi nhà lợp tôn ẩm thấp, bé nhỏ, nằm lọt thỏm giữa cát trắng và xương rồng xanh, cả 11 người thân của 2 anh em Nguyễn Văn Sang (1974), Nguyễn Văn Phúc (1981) chẳng còn tâm trí để ý đến chung quanh. Hai anh em ruột, Sang, Phúc đều là thuyền viên trên tàu DNA 90321 bị chìm vào tối 18/5.

Những người quanh năm bám biển hiểu rằng, mất tích giữa trùng trùng biển khơi, đồng nghĩa với việc chẳng bao giờ trở về nữa. Cả 6 người anh em của Sang, Phúc đều ở trong ngôi nhà này, nương tựa vào nhau vì bố mẹ mất sớm. Anh cả là Nguyễn Văn Lâm bị tâm thần, bị vợ bỏ, để lại một đứa con thơ.

Còn những người em khác Tâm, Thành, Hạnh... và 5 đứa cháu côi cút đang trông chờ đồng tiền mặn mùi biển của 2 anh trở về cứu đói. Nỗi đau chừng đó vẫn chưa dứt, chồng chị Nguyễn Thị Thạnh (em gái thứ 3 trong gia đình) là anh Nguyễn Tiến Thành cũng là nạn nhân xấu số trên con tàu DNA 90321.

Cả 11 số phận hiu hắt trong gia đình này đang lắt lay trước biển, lắt lay trước thực trạng tàn khốc. Cô em út Nguyễn Thị Thành mới 16 tuổi mà già như 30, nước mắt ngắn dài: “Các anh không về nữa, cả nhà đói, chú ơi”. Sát ngay bên vách nhà này cũng là một “ổ chuột” xập xệ khác - Đó là ngôi nhà của ông Lê Em (1954).

Giống như 2 anh em Phúc, Sang, ông Em cùng con trai Lê Văn Dũng (1982) là thuyền viên của tàu DNA 90321 bị mất tích. Vợ ông Em, bà Nguyễn Thị Ê ngước đôi mắt thẫn thờ, nhìn tôi, thốt không nên lời: “Đau quá chú ơi, ông Em và thằng Dũng không bao giờ về nữa rồi”...

Rời cửa biển Nam Ô đầy nước mắt, chúng tôi lại trở về quận Thanh Khê, nơi khói hương không dứt sau thảm họa Chanchu. Chị Đào Ngọc Dung, vợ nạn nhân xấu số Huỳnh Ngọc Sơn (tổ 13 phường Thanh Khê Đông) vừa mới đưa thi hài về cảng Đà Nẵng lúc 8h sáng 25/5, khóc ngằn ngặt trên bãi biển: “Em bệnh tật thế này, sao không chết, anh khỏe mạnh thế lại nỡ bỏ mẹ con em mà đi”.

Chị Dung đang bị những căn bệnh dạ dày, sỏi mật, phù thận... hoành hành trong cơ thể. Nay không còn người chồng nữa, chị và 2 đứa con nhỏ biết tính sao đây?

Tại nhà thuyền viên Trần Văn Quang (mất tích trên tàu DNA 90074), người vợ cùng 4 đứa con thơ đang làm lễ rước vong và khai kinh (cầu cho linh hồn người chết được siêu thoát) cho anh. Đây là lễ rước vong đầu tiên trong số các nạn nhân mất tích ở Đà Nẵng.

Làm gì để sống ?

Chúng tôi lại đến với “cơn bão” trầm lắng, dữ dội trong nhà ông Nguyễn Văn Ánh (tổ 27 phường Thanh Khê Đông). Tàu DNA 90247 của ông Ánh đã mất liên lạc từ ngày 19/5 tới nay. Ông Ánh cùng người thân ngồi bệt giữa nhà, ánh mắt lạc đi, thất thần: “Những 19 anh em trên tàu chứ có phải cái chi mô".

10 giờ ngày 19/5, thằng Đức (thuyền trưởng Nguyễn Văn Đức, cháu ông ánh), điện thoại về, nói đứt quãng: “Tàu gặp bão rồi chú ơi”, rồi mất hẳn. Từ đó đến nay, coi như bọn hắn đã đi rồi”.

Bà Huỳnh Thị Xí vợ ông ngồi nhìn những người khách ra vào, ánh mắt ngây dại: “Mất người, mất tàu rồi. Những ngày tới biết lấy gì sinh sống đây? Chiếc “cần câu cơm” đã chìm nghỉm giữa biển khơi nên những vật dụng có vẻ khang trang trong ngôi nhà 2 tầng của ông ánh thật bé nhỏ, đơn sơ.

Cô sinh viên trường ĐHDL Duy Tân Nguyễn Thị Ái Nguyệt – con ông ánh, buồn buồn: “Tiền học của em một tháng gần 4 triệu cũng nhờ cả vào chiếc tàu. Bây giờ thì chẳng còn gì nữa”.

Năm 2000, ông Ánh mượn thêm Ngân hàng NN & PTNT 200 triệu để nâng cấp tàu, tổng số nợ NH của cả gia đình bây giờ đã trên 500 triệu, mỗi tháng lãi phải trả gần 5 triệu đồng. Tất cả đều cho “canh bạc biển khơi”. Ông ánh nói: Chắc chắn tui chẳng thể nào quay lại nghề biển, cũng không còn tiền đóng tàu. Bây giờ ai dám cho vay tiền nữa”.

Anh Phạm Thuận (Thanh Khê Tây) - chủ 2 chiếc tàu DNA 90261, DNA 90342 đang kéo 430 thuyền viên vào bờ than thở: “Tàu bây giờ cũng đang ở tình trạng hỏng hoàn toàn. Chỉ đi lại được, còn muốn đánh bắt, phải cần thêm nửa tỷ đồng tu bổ. Biết lấy đâu ra bây giờ?”...

Những tiếng nấc của người thân trước nỗi đau xé lòng, những ánh mắt ngây dại vẫn đăm đăm nhìn ra biển khơi, thất vọng và hy vọng...

MỚI - NÓNG