Bấp bênh buôn cổ Ako Dhong

Một căn nhà dài Ê-đê vừa được dựng mới trong buôn.
Một căn nhà dài Ê-đê vừa được dựng mới trong buôn.
TP - Thế là Ako Dhong, buôn cổ cuối cùng còn giữ được vạt rừng già giữa nội thành Buôn Ma Thuột cũng đã bị cơn lốc đô thị hóa cuốn vào trào lưu mua bán đất đai, kinh doanh dịch vụ, kiến trúc lai căng.

Vạt rừng yên tĩnh sau buôn ngày nào nay trở thành một tụ điểm ăn nhậu ồn ào với hàng loạt nhà hàng, quán xá!

Nhốn nháo “zô, zô” !

Xen lẫn giữa những ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào Ê-đê ở buôn Ako Dhong, là các khu nhà hàng nghỉ dưỡng, quán cà phê, hồ câu, sân đá bóng nhân tạo,…  mọc lên nhan nhản phục vụ nhu cầu giải trí cho thượng khách với đủ các loại hình dịch vụ hiện đại. Vào dịp lễ hội,  ngày cuối tuần, buôn càng nhộn nhịp. Ô tô, xe máy đủ loại nối đuôi đậu san sát ngoài tường rào nhà hàng, quán cà phê. Tiếng còi xe inh ỏi trộn lẫn tiếng nhạc xập xình, tiếng hô “zô, zô” kèm tiếng ly cụng chan chát, phá vỡ không gian tĩnh lặng vốn có của buôn làng.

Bến nước Ako Dhong, nơi bắt nguồn của nhiều con suối như: Ea Giang, Ea Dung, Ea Ding ... đặc biệt là suối Ea Nuôl lớn nhất Buôn Ma Thuột trước kia vốn rất đẹp. Nhưng nay bến nước đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, người dân không còn sử dụng. Rừng già nay trở thành điểm ăn chơi sầm uất. Các căn nhà chòi có dịch vụ câu cá thư giãn, ăn uống mọc lên ngay cạnh bến nước, làm cho ý nghĩa của chốn linh thiêng này ngày càng phai nhạt dần trong tâm thức cư dân bản địa.

Kiểu kinh doanh nhà hàng thập cẩm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân. Nhiều hộ dân bất bình về dịch vụ karaoke gây ồn ào, vượt quá giờ giấc quy định, đi ngược lại văn hóa của người Ê - đê. Chị H’Linh Đa sống gần đó phản ánh: Đây là khu dân cư phần lớn là người Ê - đê sinh sống, nếu muốn hát karaoke phải làm phòng cách âm chứ ! Mỗi lần họ hát với các loa kích âm khiến người dân xung quanh đinh tai nhức óc. Lắm hôm bị tra tấn vào lúc trưa nắng, hay đêm khuya. Người già mất ngủ, trẻ nhỏ không học hành được. Nếu là tiếng cồng chiêng đồng bào còn chấp nhận bởi nó phù hợp với văn hóa của người Ê - đê. Kinh khủng nhất là mớ âm thanh hỗn độn tân, cổ, trẻ, già liên tục tra tấn người dân.

Phụ nữ buôn Ako Dhong vốn xinh đẹp, đảm đang, nấu ăn ngon, pha chế khéo nên khi họ bắt tay vào làm dịch vụ, giới thiệu các món ăn đặc sản truyền thống, lập tức nhà hàng, quán cà phê cuốn hút khách đến nườm nượp. Cầu quá cung nên nhiều tụ điểm xây dựng không kịp có bãi đậu xe ô tô. Vào các dịp lễ, ngày cuối tuần, lượng người đổ về đông nghịt, xe đậu kín 2 bên con đường chỉ rộng chừng 3 mét. Lề đường hết chỗ, chủ xe đỗ thẳng vào sân nhà dân. Lắm khi đường nội buôn mà kẹt xe, dân làng cũng chỉ còn cách lùi lại rẽ tìm đường về nhà vừa xa, vừa khó.

Bấp bênh buôn cổ Ako Dhong ảnh 1

Phụ nữ buôn Ako Dhong khéo tay nội trợ.

Mấy năm gần đây, buôn Ako Dhong còn có thêm dịch vụ xây phòng trọ cho thuê ảnh hưởng nhiều đến tình hình an ninh trật tự. Trong buôn có khoảng 18 hộ kinh doanh dịch vụ này. Nhà ít 4-5 phòng, nhà nhiều lên tới vài chục phòng. Chủ nhà chỉ quan tâm đến lợi nhuận, buông lỏng khâu rà soát, quản lý. Có trường hợp cho cả đối tượng bất hảo nghiện ma túy, mại dâm… thuê trọ. Thời gian trước buôn Ako Dhong từng một phen khiếp vía trước cảnh hỗn chiến thanh toán lẫn nhau giữa các băng nhóm ngoài buôn vào thuê phòng trọ. Năm 2015, án mạng cũng xảy ra trong phòng trọ buôn này, gây hoang mang cho cư dân trong vùng.

Trẻ buồn, già đau!

 Buôn Ako Dhong từng nhiều lần được ca ngợi trên các phương tiện thông tin đại chúng là “buôn giàu nhất Tây Nguyên”, “buôn đẹp nhất thành phố Buôn Ma Thuột”, “buôn có nhiều nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng, cán bộ lãnh đạo của người Ê - đê”. Tuy nhiên không gian kiến trúc cũ, đẹp đẽ của buôn đang dần bị phá vỡ. Anh Y Wôn Knul - Phó trưởng buôn cho hay, có quá nhiều vấn đề bất cập nảy sinh trong buôn, mà người đứng đầu như anh không tài nào giải quyết được vì không có công cụ pháp luật hỗ trợ.

Bấp bênh buôn cổ Ako Dhong ảnh 2

 Gian tiếp khách của nhà sàn Yang Sing trong buôn Ako Dhong.

Người Ê - đê xưa nay sống rất chan hòa, không ai dám trái ý bỏ chủ trương xây dựng nhà dài theo đúng phong tục tập quán do cố già làng Ama Rin - người sáng lập buôn đề ra. Đám tang Ama Rin có lẽ cũng là đám tang già làng lớn nhất, nhiều vòng hoa nhất Tây Nguyên. Số vòng hoa cờ phướn xếp trùng trùng lớp lớp lên đến hàng nghìn lời tiễn biệt thành kính của các cơ quan ban ngành trung ương, địa phương, cho thấy uy tín của vị thủ lĩnh này sâu rộng, đáng nể. Nhiều hộ dân cố gắng vượt mọi khó khăn để giữ cho bằng được ngôi nhà dài như lời Ama Rin căn dặn, cho dù nó mục nát không thể ở được nữa, hoặc trở nên chật chội bất tiện với số nhân khẩu ngày càng tăng lên.

Căn nhà dài thường được trùng tu, giữ lại để tiếp khách và “giữ hồn” cho làng, còn gia chủ con cái tập trung sống, sinh hoạt chủ yếu trong căn nhà xây khang trang, tiện nghi, rộng rãi ở phía sau. Nhưng khi người ngoài vào buôn mua đất xây nhà lầu, mở dịch vụ du lịch, nhà hàng không tuân thủ theo luật tục của buôn làng, đồng bào khó chịu cũng đành nín thinh chịu đựng chứ không biết kêu ai.

Một số dịch vụ do đồng bào trong buôn tự mở vẫn ý thức phải gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, chính là điểm thu hút nhiều du khách trí thức tìm đến. Một bữa cơm thuần túy Ê - đê với những món ngon truyền thống như canh cà đắng, lá bép xào, cơm lam, rượu cần, thịt nướng muối ớt v.v... trên nhà sàn Yang Sing yên tĩnh thơm mùi gỗ mới, phục vụ bởi những thiếu nữ Ê - đê xinh đẹp dịu dàng. Vài góc quán cà phê thanh thoát, tươi xanh hoa lá, thoáng đãng gió trời đủ cho những nhóm bạn nhỏ nhẹ trò chuyện, hay ôm đàn ghi ta hát cho nhau nghe... Sẽ không đến nỗi phá vỡ nếp xưa buôn làng, nếu không có quá nhiều nhân tố ngoại lai thô bạo xâm nhập, lấn lướt.

Bấp bênh buôn cổ Ako Dhong ảnh 3

Dịch vụ câu cá ăn nhậu mọc lên ngay bến nước rừng Ako Dhong.

“Thấy người ngoài xây nhà lầu trong buôn, tôi sang phổ biến luật lệ nhưng họ phớt lờ. Dân phản ánh việc kinh doanh nhà hàng gây ồn ào, cho thuê trọ gây mất trật tự, xe tải trọng lớn vào ra phục vụ nhà hàng, khu nghỉ dưỡng băm nát đường tự quản mà không hỗ trợ tiền bảo trì, tôi cũng chỉ đến nhắc nhở bằng miệng chứ chẳng làm được gì. Mọi việc tôi đều trình bày với các cấp lãnh đạo tỉnh thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng vẫn không được giải quyết. Nếu lãnh đạo thành phố không quan tâm, e rằng 5 - 10 năm nữa buôn Ako Dhong bị xóa sổ mất!” - Phó trưởng buôn Y Wôn trăn trở.

Khi nói về vạt rừng đại ngàn phía sau buôn đang dần bị xé vụn ra bởi hàng loạt nhà hàng ăn nhậu ồn ào, bác sĩ Y Bliu Arul và ca sĩ Y Jắk Arul, con trai cố già làng Ama Rin đầy tâm trạng, bày tỏ: Trước khi qua đời, cha tôi rất đau lòng về hiện tượng này, nhưng ông không ngăn họ nổi. Khi lãnh đạo địa phương không biết quý, không cương quyết bảo vệ vạt rừng nguyên sinh quý giá cuối cùng còn sót lại giữa lòng thành phố thì biết kêu ai? Mất rừng, còn đâu không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên- báu vật phi vật thể từng được UNESCO công nhận, tôn vinh, để người Ê - đê nơi này còn được tự hào mà lưu truyền cho các thế hệ con cháu?

MỚI - NÓNG