Bấp bênh mùa lũ cạn - Bài cuối: Đâu là cứu cánh?

Ông Hai Lợi bên chuồng dê của mình. Ảnh: Việt Văn
Ông Hai Lợi bên chuồng dê của mình. Ảnh: Việt Văn
TP - Kiệt khô mùa nước nổi khiến người dân vạn chài miền Tây “mắc cạn”, trong muôn vàn khó khăn, phải từ bỏ ruộng vườn để đi làm thuê làm mướn. Lối thoát nào cho người dân vẫn là câu hỏi không dễ trả lời.

Thiếu hiệu quả

Mấy năm qua, mùa lũ cạn kiệt cộng với đê bao ngăn nước khiến đồng ruộng nhiều tỉnh miền Tây mất dần phù sa. Trồng lúa, hoa màu không còn trúng mùa như trước trong khi sâu bệnh lại càng nhiều, người dân phải gánh thêm chi phí thuốc men và vật tư phân bón.

Trở về trụ sở xã sau khi thăm lúa vụ 3 chuẩn bị thu hoạch, ông Phan Văn Giáp, chủ tịch hội nông dân xã Phú Lộc thông tin: “Vụ này cũng không có lời lãi là bao”. Nghe người dân trồng lúa than thở ông thấy buồn. Toàn xã hiện nay chỉ có 134 hộ có ruộng đất canh tác. Đây là những hộ tương đối khá giả của xã nhưng cũng than trời khi lúa chẳng có ăn như trước.

Ở xã giáp biên giới Campuchia này, nông dân chẳng mặn mà với cây lúa dù địa phương hỗ trợ hết mình. Số cho thuê ruộng đất, kéo cả nhà đi làm công nhân ở thành phố không giảm. Ông Lê Văn Dũng, Phó chủ tịch xã cho biết, địa phương đã có nhiều chính sách để giúp người dân bám ruộng vườn như, hỗ trợ mỗi năm 50 nghìn đồng/công đất, hỗ trợ 200 nghìn đồng/công đất đối với người dân chuyển sang trồng các cây hoa màu khác nhưng cũng không giữ họ lại được. Dù địa phương có chuyển đổi cây trồng từ lúa sang hoa màu như bắp, đậu phộng,…nhưng cũng không mang lại hiệu quả kinh tế là bao. “Nói thật bây giờ, người dân có 10 công ruộng cũng không đủ sống”, ông Dũng trăn trở.

Nhiều người không có ruộng cậy nhờ vào mùa nước để đánh bắt thủy hải sản nhưng gần như đã cạn hy vọng khi đến giờ chưa thấy nước lên. Trở lại nhà lão nông Hai Lợi vào giữa trưa, gặp vợ chồng ông đang đập ốc bươu vàng cho mấy con lươn trong bể ăn, ông chia sẻ cách đây hơn 2 tháng, thằng Tí con trai ông biết năm nay không có mùa nước nên vợ chồng nó dắt díu nhau lên Bình Dương làm công nhân. Ở nhà chỉ còn hai ông bà già. Nhắc tới thằng con trai một của mình, ông Hai Lợi thở dài: “Tao kêu nó ở nhà, phụ nuôi lươn, nuôi dê nhưng vợ chồng nó chẳng ham”.

“Nếu biết khai thác tồn trữ nguồn nước ngọt một cách khoa học, hợp lý, sử dụng phân bón và chế phẩm sinh học thế hệ mới, chuyển đổi và qui hoạch lại cơ cấu cây trồng, cơ cấu nuôi trồng thủy sản dựa trên qui luật và điều kiện tự nhiên của ĐBSCL thì chúng ta vẫn có thể canh tác cây trồng trong điều kiện khô hạn hay bị nhiễm mặn như đã diễn ra trong năm 2016 và những năm tiếp theo”.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa

Hai vợ chồng ông cũng thuộc dạng phú nông ở cái xã Vĩnh Xương này khi có được hai bể nuôi lươn, một chuồng dê với gần 5 con. Thế nhưng định khen ông tài giỏi thì lão Hai Lợi cự lại liền. “Ngon đâu mà ngon, tao cũng lên bờ xuống ruộng với mấy con lươn này. Bao nhiêu vốn liếng đổ vào đó, lỡ mà nó bệnh là cụt vốn. Tiền đổ vào đó không ít, lỡ phóng lao thì phải theo lao thôi”.

Tôi bảo dọc tuyến dân cư này, số hộ có chuồng chăn nuôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Hai Lợi thở dài: “Mấy cha nội kia lỗ sặc máu họng nên chẳng còn nuôi nữa. Đi mần ăn ở Bình Dương, TPHCM cả rồi”. Chỉ tay qua phía bên kia, ông bảo mấy cái bể xi măng to đùng đó là của cha Tư Tèo. Mùa rồi nó nuôi lươn mà bị bệnh chết quá trời, lỗ sặc máu, giờ cả nhà nó lên tứ tán mưu sinh cả. “Tao có hai bể, mới nuôi có tháng mà cũng thấy nó chết quá. Giờ chỉ hy vọng huề vốn là may”, ông nói.

Bà Sáu nhà bên cạnh nói sang: “Ổng cất chuồng trên đất cấm coi chừng bị phạt chứ ở đó mà khoe”. Nghe vậy, tôi thắc mắc, lão Hai Lợi cười hề hề: “Mày nhìn xem, ở đây mỗi hộ chỉ có miếng đất cất nhà, còn bước ra phía sau là ruộng người ta. Đằng trước là con lộ. Đất đâu mà chăn với nuôi”.  

Những người như lão Hai Lợi không có đất ruộng vườn nên phải cất trái phép cái chuồng ở khu đất hành lang bảo vệ đê. “Quy định là vậy nhưng mấy ông ở xã thấy dân nghèo quá, không có đất nên làm ngơ để tụi tao cất tạm cái chuồng, cái bể nuôi con này con kia”. Mà nói thật ra, chăn nuôi như kiểu này thì cũng không có lời là bao. Ông bảo nuôi có vài ba con dê, bán cái là hết giống. Tiền mua lại dê giống cũng cả triệu, mà bán ra thì có 2 - 3 triệu/con. Lươn thì mua lại mấy ông đi chích điện, nuôi lâu lớn mà dễ bị bệnh chết nữa. Tính ra, đi giăng câu, giăng lưới sướng hơn nhiều, vốn bỏ ra ít mà chẳng sợ bị lỗ.

Thủy lợi hết thời?

Trước kia người dân vùng ĐBSCL quen sống chung với lũ, dựa vào lũ để kiếm sống. Năm nào “lũ đẹp” thì người dân thu được nhiều lợi nhuận. Như vợ chồng anh Trần Văn Đạt (ấp 1, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) có hơn 20 năm làm nghề đặt lọp bắt tép trên đồng năm nào cũng trúng mánh khi mùa nước nổi về. 

Từ khi xây dựng các công trình ngăn lũ đồng thời chặn luôn nguồn kiếm sống của gia đình anh. Năm nay, trên đồng khô khan nước, hai vợ chồng chuyển nghề đặt tép xuống kênh xáng thu nhập bữa có bữa không. “Trên đồng khô khan nước, tôm tép đâu mà đặt. Biết xuống kênh là bấp bênh nhưng không làm thì chết đói sao”, anh Đạt thở than.

Bấp bênh mùa lũ cạn - Bài cuối: Đâu là cứu cánh? ảnh 1

Vợ chồng anh Trần Văn Đạt chuyển nghề đặt tép xuống kênh xáng. Ảnh: Việt Văn

Không phủ nhận những lợi ích từ các công trình thủy lợi nước ngọt này mang lại nhưng TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho rằng hiện nay, những công trình đã bộc lộ nhiều hạn chế. Tuy tăng được một chút sản lượng lúa ở vụ 3, nhưng thiệt hại về nguồn thủy sản, không có lượng phù sa được bồi hằng năm, đất trồng không được nghỉ ngơi làm cho “sức khỏe” của đất suy kiệt ảnh hưởng tới năng suất lúa vụ 1 và vụ 2. Khi làm liên tục 3 vụ lúa sẽ làm cho tần suất và áp lực sâu bệnh hại nhiều hơn, tiêu tốn thuốc trừ sâu và phân bón nhiều hơn nên người dân làm không có lời.

Là người gắn bó gần cả đời nghiên cứu vùng đất ĐBSCL, GS.TS, Nhà giáo dân nhân Võ Tòng Xuân trăn trở, khi những năm gần đây thời tiết, khí hậu miền Tây có quá nhiều biến đổi khiến đời sống người dân vốn dựa vào thiên nhiên càng trở nên khó lường. Hơn 60 năm qua, ĐBSCL vốn được trời phú mỗi khi mùa nước nổi về với bao cá tôm… 

Khi mùa nước rặc họ lại trúng mánh trên những cánh đồng lúa nặng trĩu bông. Người dân không có ruộng đất trồng lúa cũng có thể sống khỏe với những mùa vụ cá tôm. Thì nay, người dân kiệt quệ khi nguy cơ không còn nước nổi. Số người có ruộng đất trồng lúa cũng lao đao khi chẳng có lời lãi bao nhiêu mỗi vụ nhưng vẫn phải cố trồng lúa.

Trước biến đổi khí hậu, thiếu nước ngọt như hiện nay, ĐBSCL không nhất thiết phải tập trung trồng lúa như trước, GS Xuân cho biết. “Chúng ta đã tốn hàng chục nghìn tỷ đồng suốt những năm qua để đầu tư thủy lợi cho người dân trồng lúa nhưng họ vẫn nghèo”- ông nói thêm. 

Còn PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (trường ĐH Cần Thơ) đề xuất, trước thực trạng khô hạn, thiếu nước như hiện nay, ĐBSCL cần dừng các ý định mở rộng đê bao 3 vụ, phải tháo dỡ từ từ những công trình đê bao ngăn lũ không mang lại hiệu quả để hạn chế những nhược điểm mà nó đang gây ra. Tất nhiên, việc tháo dỡ cũng không nên triển khai thực hiện đồng loạt, mà phải thực hiện có lộ trình.

Phải thay đổi tư duy

GS.TS Võ Tòng Xuân đã gắn bó nghiên cứu cây lúa ở vùng đất ĐBSCL này nên ông nặng tình với cây lúa. Nhưng theo ông, thực tế đòi hỏi ĐBSCL không nên độc canh  cây lúa nữa, mà thay vào đó cần xen canh, đa canh, nghiên cứu canh tác những giống cây trồng khác để thay thế cho phù hợp, ít tiêu thụ nước, mang lại hiệu quả kinh tế hơn như thay thế lúa vụ 3 bằng cây ăn trái có múi. Chỉ cần tập trung trồng lúa tại các vùng phù sa ven sông hoặc ven kênh lớn, tránh trồng lúa ở những vùng ven biển có nước ngọt bấp bênh như hiện nay.

Bấp bênh mùa lũ cạn - Bài cuối: Đâu là cứu cánh? ảnh 2

GS Võ Tòng Xuân luôn trăn trở khi vùng đất ĐBSCL đứng trước nguy cơ không còn mùa nước nổi. Ảnh Ngô Tùng

Bây giờ là lúc phải thay đổi tư duy tiểu nông, bỏ tư duy an ninh lương thực, GS Võ Tòng Xuân cảnh báo. Và theo ông, chúng ta không vì chú trọng phát triển cây lúa mà cứ làm đê bao khoanh hết để ngăn nước nổi, dẫn đến vùng trũng tích nước ngọt ngày càng thu hẹp. Điều này dẫn đến gia tăng khô hạn, xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu khi các vùng trũng tích nước ngọt đầu nguồn không còn.

“Trồng lúa nhiều nhưng lợi tức mang lại cho nông dân rất thấp trong khi phải tiêu tốn nhiều nước ngọt. Do đó, cấp quản lý cần xem xét, điều tiết lại việc trồng lúa để nghĩ đến việc canh tác, nuôi trồng những loại cây khác có giá trị, phù hợp với quy luật tự nhiên hiện nay ở vùng đất này”, GS Võ Tòng Xuân nói.

MỚI - NÓNG