Bấp bênh sống bám rừng ngập mặn

Ông Lệnh đi săn bạch buộc trong rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: Ngô Bình.
Ông Lệnh đi săn bạch buộc trong rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: Ngô Bình.
TP - Bất chấp rắn độc cắn, côn trùng đốt…, bất chấp lực lượng kiểm ngư kiểm tra, họ đêm hôm lặn lội trong bùn lầy, con nước để săn bạch tuộc, cá thòi lòi, sâm đất…

Những con sông, cánh rừng ngập mặn bạt ngàn ở huyện Cần Giờ, TPHCM đang là sinh kế của nhiều người dân ở đây. Cuộc sống của họ là những ngày xuyên rừng săn bạch tuộc, bắt sâm đất, thòi lòi… Họ từ xứ khác đến lập nghiệp theo con nước, có người mãi tận Tiền Giang, người ở Long An… Sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên nên vẫn bấp bênh, lắm hiểm nguy.

Bẫy bạch tuộc

Nếu ngày trước giăng bẫy bạch tuộc bằng những lồng sắt như bẫy chuột, hay đi săn bằng tay mỗi buổi tối thì nay, dân Cần Giờ trang bị một loại lưới hiện đại hơn nhưng kết quả thì “hên xui”. 

Trong số những người từ miền Tây lên vùng đất ngập mặn này kiếm kế sinh nhai có ông Châu Văn Lệnh (48 tuổi, quê Long An). Ông lên Cần Giờ cách nay hơn 30 năm, từ thời trai tráng chưa có gia đình. Đồ nghề của ông thuộc dạng khá trong giới, với một chiếc ghe to gần một tấn, dùng làm nơi ngủ nghỉ, di chuyển trong những chuyến đi xa. Một chiếc xuồng nhỏ là phương tiện chủ lực để ông đi săn bạch tuộc, kiếm cơm bao năm nay.

Ông không trang bị xuồng máy như nhiều người mà dùng mái chèo. Ông bảo xuồng máy tốn kém, hơn nữa chèo cho khỏe. Cuối giờ chiều, nước sông bắt đầu lên dần, ông bảo giờ thả lưới là vừa. Khi con nước lên, bạch tuộc sẽ theo vào kiếm ăn và dính bẫy.

Bộ lưới (nò) đánh bắt bạch tuộc không hề rẻ. Nò nhìn đơn giản nhưng một bộ không dưới 30 triệu đồng, dài hay ngắn tùy tầm tiền. Bộ nò của ông Lệnh có hơn 50 cái nò, mỗi cái dài gần 15m. Tính ra chiều dài ông giăng bẫy cũng tròm trèm 1km. Nò được làm bằng loại lưới có mắt nhỏ hơn 2 phân. Mỗi đoạn nò được đan thành khối chữ nhật, có khung sắt bao quanh với hai lỗ để bạch tuộc chui vào ở hai mặt.

Bấp bênh sống bám rừng ngập mặn ảnh 1

Những con bạch tuộc bé tí bị dính bẫy. Ảnh: Ngô Bình.

Ngụp lặn dưới lòng sông, ông cho xuồng vào con rạch, rồi thoăn thoắt trên bãi bùn, ôm từng cái nò đi đặt. Ông nói người săn bạch tuộc sợ nhất cá mặt quỷ. Chúng thường nằm dưới đám bùn, giương hàng vây lên, nếu không may đạp phải thì về đau phát sốt mấy ngày trời không hết. “Lần trước tôi đạp phải con bằng cổ tay, về chân sưng to như cột nhà, mưng mủ đau đến nỗi chỉ nằm khóc chứ không làm được gì. Mất gần bốn ngày nó mới hết”, ông Lệnh kể.

“Đã có người bị rắn cắn phải cắt cả ngón tay trong rừng để loại bỏ chất độc khẩn cấp”.

Anh Võ Phương Thành

Mỗi ngày đi đặt bẫy hai lần, lúc chiều và rạng sáng tùy theo con nước. Khi con nước lên dần cũng là lúc bạch tuộc dưới dòng kênh, rạch bò lên rừng kiếm ăn. “Nhưng cũng hên xui lắm, nếu bẫy mình giăng hỏng chân thì bạch tuộc sẽ không chui vào, hoặc bị cua hay rễ cây làm rách lưới, nó cũng chui ra mất. Nên mỗi khi đưa cái nò xuống giăng, mình phải chú ý kỹ lỗ rách, phát hiện là phải vá liền”, ông Lệnh nói.

Gần 8 giờ tối, nước rút, ông bắt đầu thăm bẫy. Buổi tối trong rừng ngập mặn càng tối hơn. Chỉ có ánh đèn pin lờ mờ trong đêm. Ông nhanh tay dỡ từng cái nò lên xuồng. Tối đó bị bù mắt (một loại côn trùng) cắn sưng cả chân nhưng cũng chỉ được gần 1kg bạch tuộc. Con nào con nấy bé xíu.  Chỗ bạch tuộc này bán chưa được 200 ngàn.

Bấp bênh sống bám rừng ngập mặn ảnh 2

Hằng ngày, những chiếc xuồng vỏ lãi chạy bạt mạng trên sông để trốn sự giám sát của quản lý rừng. Ảnh: Ngô Bình.

Tìm sâm đất, thòi lòi

Chạy chiếc xe máy cà tàng từ nhà ở xã Lý Nhơn ra đến chân cầu Rạch Lá nằm trên đường Rừng Sác, gửi ở quán nước ven đường rồi đón xe buýt di chuyển hơn 10 km, sau đó lội dưới sình lầy lút đầu gối hơn 5km nữa đến gần đảo Khỉ, nhóm của anh Nguyễn Văn Vinh (35 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ) mới tìm được bãi đào sâm.

Anh Vinh bảo, sâm đất thường sống ở những vùng đất bùn nhão nằm sâu trong rừng, đặc biệt là những chỗ có rễ cây. Chúng sống ở độ sâu khoảng 30cm, mỗi khi thủy triều rút, sâm đất ngoi lên tạo thành những lỗ li ti rồi thò chiếc vòi lên. Con sâm đất có hình dạng giống như con trùn (giun) dài và to cỡ như ngón tay trỏ của người lớn. Người ta nói sâm đất làm thuốc chữa bệnh cho nam giới, chẳng biết thực hư ra sao.

Trước đây, những cánh rừng hai bên đường Rừng Sác có rất nhiều sâm đất nhưng sau nhiều năm người ta săn lùng, sâm đất đã cạn kiệt, muốn tìm được nơi có nhiều sâm đất, người săn phải tiến sâu vào rừng.

Chập choạng tối, khi nước lên ngập rừng, những người đi săn cá thòi lòi chuẩn bị ra tay. Thòi lòi là loài cá có khả năng đi trên cạn, đặc biệt là đất bùn nhão, thịt rất ngon. Ngồi trên chiếc thuyền mới đóng còn thơm mùi gỗ, anh Võ Phương Thành (35 tuổi, quê Tiền Giang) buộc những con cua biển đánh được hồi sáng và chuẩn bị đồ nghề để đi soi thòi lòi.

Mang đôi tất để chống rễ cây cứa vào chân, xách can nhựa, đeo chiếc đèn pin lên đầu, anh tiến thẳng vào rừng sâu. Anh Thành đưa bàn chân chi chít các vết sẹo do đạp phải rễ cây, mảnh chai... cho chúng tôi xem. Anh bảo như thế chưa là gì. Nhiều lúc phải đối mặt nguy hiểm chết người khi vào ban đêm, các loại rắn độc rời hang tìm mồi và thòi lòi cũng là món khoái khẩu của chúng. “Đã có người bị rắn cắn phải cắt cả ngón tay trong rừng để loại bỏ chất độc khẩn cấp”, anh Thành nói.

Ai làm nghề săn thòi lòi cũng phải nắm chắc thời điểm nước lên, xuống. Ngày 15 và 30 âm lịch hằng tháng là ngày con nước ròng hai lần nên bắt được rất nhiều, có khi một đêm trúng tới 50kg. Đó cũng là hai ngày “hội thòi lòi” tức là ngày thòi lòi tập trung để sinh sản. Lúc này thòi lòi ngon nhất bởi tích trữ được nhiều dinh dưỡng.

Bấp bênh sống bám rừng ngập mặn ảnh 3

Mỗi ngày một người có thể đào được 10kg sâm đất nếu tìm được bãi tốt. Ảnh: Ngô Bình.

Bấp bênh, hiểm nguy

Thả xong hơn 50 cái nò, trời đã bắt đầu tối. Thủy triều cũng lên cao. Những gốc cây mắm, cây đước ngập sâu trong nước. Ông Lệnh cẩn thận canh chừng những cái nò vì sợ trộm lấy mất. Cách đây hơn hai năm, ông bị trộm cuỗm hết lưới. “Bạch tuộc theo con nước lớn lên rừng nhiều nhất là mùa khô. Mùa mưa thì khan hiếm. Hơn nữa, bắt loài này không phải dễ bởi nó không sống theo bầy đàn như cá, nên mỗi đêm bắt nhiều lắm cũng chỉ vài ký là cùng. Cuộc sống tuy không thiếu ăn nhưng bấp bênh lắm”, ông Lệnh nói.

“Có hôm tôi bị sa vào bãi lầy, lún sâu ngang tầm ngực. May mà có người đi cùng kéo lên chứ đi một mình càng quẫy thì càng lún, chết lúc nào không hay”.

Anh Nguyễn Văn Vinh

Những người đi đánh bắt cá hay săn bạch tuộc thỉnh thoảng cũng bị tàu kiểm ngư kiểm tra. Đôi khi vì muốn đánh bắt cá nhiều, người dân lại dùng lưới cỡ nhỏ, dưới mức cho phép. Lưới săn bạch tuộc cũng thế, ông Lệnh cho biết. Theo quy định, mắt lưới phải trên hai phân nhưng vì bạch tuộc dạo này nhỏ nên phải dùng lưới dưới hai phân mới bắt được. Không may bị kiểm ngư kiểm tra thì chỉ cố gắng xin tha, hoặc nộp phạt.

Chiếc xuồng của anh Võ Văn Tý (35 tuổi, nhà ở xã Lý Nhơn) chở gần hai chục người rẽ sóng, lao vun vút trên mặt nước hàng giờ mới đến địa điểm đào sâm đất, có những lúc lắc lư như muốn lật xuống sông. Theo quy định, xuồng chở tối đa khoảng chục người là hết. Nhưng cả hội đi gần hai chục người, dù biết là chất hết lên đi cùng lúc rất nguy hiểm.

Khi những cánh rừng bên đường không còn sâm đất, họ tiến vào rừng sâu hơn bất chấp mọi nguy hiểm. Để tìm đến bãi đào sâm đất, phải đi bộ lội bùn cao ngang đầu gối hơn 5km, có khi đi 3 tiếng đồng hồ chưa tới. Do rừng ngập nước nên nhiều chỗ bùn lầy lút người, nếu không may lội xuống thì không làm cách nào bước tiếp được. Càng cử động càng lún xuống.

“Có hôm tôi bị sa vào bãi lầy, lún sâu ngang tầm ngực. May mà có người đi cùng kéo lên chứ đi một mình càng quẫy thì càng lún, chết lúc nào không hay”, anh Nguyễn Văn Vinh nói.

Đào sâm đất ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng nguyên sinh, nhiều cánh rừng bị xới tung, tan nát nên chính quyền đã ra lệnh cấm. Tuy nhiên, người dân vẫn ngày ngày tìm mọi cách vào rừng. “Ở cái đất rừng ngập mặn này mà mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn là dư sống rồi. Không làm nghề này thì làm nghề gì khi xung quanh bốn bề là rừng cây, nước mặn”, anh Vinh nói.

Một cán bộ quản lý rừng tại xã Long Hòa cho biết, sâm đất có tác dụng làm tơi xốp đất, thoáng khí cho cây. Khi bị săn cạn kiệt, những cánh rừng mất đi sự cân bằng, nhiều cây bị chết do người dân đào rễ bắt sâm... Tuy nhiên, có những lúc phát hiện chiếc xuồng chở người đi đào sâm về nhưng lực lượng chức năng vẫn không dám tiếp cận hay truy bắt vì chiếc xuồng vỏ lãi nhỏ chở hàng chục người mỗi khi thấy lực lượng chức năng là họ rồ ga phóng bạt mạng để bỏ trốn. Nếu truy đuổi, không may xảy ra sự cố thì khó mà lường được hậu quả.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.