Bắt bác sĩ, vì sao?

TP - “Mấy hôm nay hình ảnh bác sĩ Lương bị áp tải giữa hai chiến sĩ công an cứ nhói mãi trong tim tôi. Khuôn mặt khôi ngô, phúc hậu có chút gì đó ngơ ngác của em làm dấy lên câu hỏi  của rất rất nhiều cán bộ ngành y: Tại sao em bị bắt?”.

Đó là lời chia sẻ của Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư với PV báo Tiền Phong sau sự kiện bác sĩ Hoàng Công Lương bị bắt giam trong sự cố chạy thận nhân tạo tại BV Đa khoa Hòa Bình làm 8 người chết.

ĐBQH, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói, “tôi không ngừng nghĩ đến đôi mắt của Lương”. Tôi đoán anh đã bị ám ảnh bởi ánh mắt ngơ ngác, thất thần của người bác sĩ trẻ, vốn chỉ biết trị bệnh cứu người, nay bất ngờ bị tống giam chờ ngày xét xử. Vị chuyên gia đầu ngành thứ ba mà PV Tiền Phong phỏng vấn trong bài “Bắt giam bác sĩ Hoàng Công Lương: Các chuyên gia đầu ngành lên tiếng” trong số báo ra ngày 29/6 là ĐBQH, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, GS.TS Nguyễn Anh Trí. Ông Trí thẳng thắn: “Bắt tạm giam bác sĩ Hoàng Công Lương, tôi không đồng ý! Tôi cho rằng chưa thực sự tâm phục khẩu phục!”. Bởi theo ông Trí, “Bác sĩ Lương làm công việc chữa bệnh, còn thực hiện là cái máy chạy thận nhân tạo”.

Xin trích ra đây ý kiến rất có lý của một bạn đọc trên báo mạng rằng: “Cần điều tra xem, căn cứ để một BS quyết định cho chạy thận là gì? Các chỉ tiêu nào của máy cần được kiểm tra trước mỗi ca chạy thận? Ai làm việc đó? Làm như thế nào? Trả lời được, tức là biết được BS Lương có tội hay không có tội”.

Vẫn biết, cái sai của BS Lương là khi chưa có sự bàn giao thiết bị bằng văn bản, mới chỉ có bàn giao bằng mồm, đã ký y lệnh cho máy chạy. Tuy nhiên, trên thực tế giả sử có mảnh giấy bàn giao đi chăng nữa, sự cố chết người nói trên vẫn cứ xảy ra, bởi bất kỳ bác sĩ nào cũng không thể nhận biết được nguồn nước chạy thận hôm đó là sạch hay bẩn. Nói như PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: “Chẳng lẽ sau khi được đơn vị bảo hành thông báo mọi thứ đã tốt, bệnh nhân đang xếp hàng để đợi được điều trị chúng tôi lại cúi xuống... nếm thử xem nước RO đã sạch hay chưa?”. Đến đây, vẫn theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, đã lộ diện một lỗ hổng trong pháp luật đối với việc quản lý và vận hành các trang thiết bị y tế. Thiết nghĩ, nếu không nhanh chóng có ngay những quy định mang tính pháp lý chặt chẽ về vấn đề này, nguy cơ tái diễn những sự cố nghiêm trọng tương tự, không chỉ riêng với máy chạy thận, vẫn có thể xảy ra.

Quay trở lại câu hỏi đau đáu trong giới bác sĩ và công luận mấy ngày qua, có nhất thiết phải bắt tạm giam bác sĩ Lương hay không? Nếu một người có lý lịch tư pháp tốt, không có biểu hiện nguy hiểm cho xã hội hay ý định bỏ trốn, việc bắt tạm giam để điều tra liệu có cần thiết? Huống hồ trong trường hợp này lại là một bác sĩ đang trị bệnh cứu người.

Chưa rõ việc phải bắt giam vị BS trẻ này cấp thiết đến đâu, chỉ biết sự hoang mang, thậm chí “co mình” chọn giải pháp an toàn trong giới bác sĩ những ngày qua là có thật. Và một khi các bác sĩ có tâm lý tự bảo vệ họ trước, trước khi lao vào cứu bạn, điều thiệt thòi lớn nhất sẽ thuộc về những người bệnh!

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.