Bất lực trước tài sản nhà nước bị chiếm dụng?

Công văn của Sở Xây dựng Hà Nội như “đá ném ao bèo”
Công văn của Sở Xây dựng Hà Nội như “đá ném ao bèo”
TP - Tình trạng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước bị thất thoát, lãng phí từ cho thuê không còn là chuyện hiếm gặp trên địa bàn Hà Nội. Gần 600 m2 tầng 2 tòa nhà 4F Trung Yên (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) bị chiếm dụng trong nhiều năm nay là một ví dụ điển hình khiến ngân sách thất thu hàng tỷ đồng.

Tùy tiện cho thuê không ký hợp đồng

Toàn bộ phần diện tích 568m2 tại tầng 2 nhà 4F Trung Yên thuộc sở hữu nhà nước, do Cty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) được UBND thành phố giao quản lý. Từ ngày 1/11/2008, phần diện tích này được Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho Cty cổ phần phát triển năng lượng Sơn Vũ (Công ty Sơn Vũ) thuê sử dụng làm trụ sở văn phòng. Tuy nhiên khi cho thuê, đơn vị quản lý lại không thực hiện ký kết hợp đồng theo quy định. 

Tôi làm nghề này 30 năm nay tôi biết, chính quyền chưa vào cuộc thì rất khó giải quyết. Phải làm theo đúng trình tự, quy định pháp luật, mà những thứ đó người có quyền mới làm được, còn công văn và trách nhiệm chúng tôi đã làm đầy đủ”.  

Ông Minh nói

Về nguyên tắc, số tiền cho thuê tầng 2 nhà 4F Trung Yên sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước. Song trên thực tế, Cty Sơn Vũ lại không nộp tiền thuê trong nhiều năm. Đến hết năm 2014, Cty Sơn Vũ đã nợ tiền thuê nhà hơn 35 tháng với tổng số tiền lên tới 2,5 tỷ đồng. Điều đáng bàn là Cty Sơn Vũ còn chây ì, không di dời phương tiện và tài sản để trả lại phần diện tích này khi được yêu cầu.

Trước sự việc này, Sở Xây dựng Hà Nội đã nhiều lần ra văn bản “thúc” đơn vị quản lý sớm thu hồi số tiền nợ đọng nộp ngân sách, đồng thời thu hồi lại diện tích cho thuê. Tại nhiều công văn, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ rõ, trách nhiệm gây thất thu tài sản nhà nước trước hết thuộc các đơn vị được giao quản lý quỹ nhà “thiếu trách nhiệm trong việc đôn đốc, không báo cáo kịp thời, không có biện pháp giải quyết dứt điểm”.

Ngoài yêu cầu thu hồi lại toàn bộ tài sản đang bị chiếm dụng, Sở Xây dựng cũng yêu cầu Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội phải kiểm điểm đối với tổ chức, cá nhân về việc tự ý cho công ty Sơn Vũ vào sử dụng tầng 2, nhà 4F Trung Yên mà không ký hợp đồng theo quy định…

Đùn đẩy trách nhiệm

Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nội cũng chỉ dừng lại ở những công văn qua lại mà không có động thái nào quyết liệt hơn. Dẫn đến, phát đi hàng chục văn bản, song sự việc cũng chỉ như “đá ném ao bèo”. “Bất lực” sau nhiều lần ra văn bản, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội phải đề nghị UBND quận Cầu Giấy cùng vào cuộc, cưỡng chế thu hồi phần diện tích đang bị chiếm dụng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, đơn vị đã nhiều lần yêu cầu mà Cty Sơn Vũ không trao trả theo quy định. “Chúng tôi chỉ biết báo cáo Sở và chính quyền can thiệp, vào cuộc cưỡng chế giúp, chứ doanh nghiệp không thể làm được. Tôi làm nghề này 30 năm nay tôi biết, chính quyền chưa vào cuộc thì rất khó giải quyết. Phải làm theo đúng trình tự, quy định pháp luật, mà những thứ đó người có quyền mới làm được, còn công văn và trách nhiệm chúng tôi đã làm đầy đủ”, ông Minh nói và cho biết, phía công ty “còn rất nhiều trường hợp như thế”, chứ không chỉ riêng trường hợp này.

Tuy nhiên trao đổi với Tiền Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà lại khẳng định, với các vụ việc thế này, chính quyền quận và phường chỉ có trách nhiệm “phối hợp”. Vì đây là quan hệ dân sự, việc của một tổ chức cho đơn vị khác thuê, nên việc giải quyết phải theo dân sự... “Giống như chúng ta có một cái nhà cho thuê, không đuổi được người ta ra, hoặc người ta không trả tiền thì sao bắt chính quyền giải quyết”, ông Hà phân tích.

Một sự việc cụ thể, kéo dài trong nhiều năm vẫn không thể giải quyết, các bên liên quan thì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau trong khi tài sản nhà nước bị chiếm dụng, ngân sách thất thu, chẳng lẽ công cụ hành pháp bất lực?    

MỚI - NÓNG