Bến xe quá tải, khách bị bắt chẹt

Bến xe quá tải, khách bị bắt chẹt
TP - Sau những ngày nghỉ lễ, hôm qua, 2/5, lượng khách đổ về các bến xe tại Hà Nội và TPHCM tăng đột biến. Các bến xe đều quá tải, còn hành khách bị nhồi nhét, tăng giá vé và bán dọc đường…

Tại các bến xe: Gia Lâm, phía Nam, Mỹ Đình, Lương Yên… ngay từ sáng sớm lượng khách từ các tỉnh đã đổ về rất đông. 

Tại bến phía Nam, đã xảy ra hiện tượng quá tải. Ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Xí nghiệp bến xe phía Nam - cho biết: Trong ngày 2/5, lượng khách ước tính lên tới hơn 3 vạn người mà chủ yếu là học sinh, sinh viên. Khách đổ dồn nhiều nhất là trong buổi chiều qua (từ 13 - 17 giờ 30).

Theo quan sát của PV Tiền Phong, trên nhiều chuyến xe buýt hành khách phải rất vất vả khi bị chen lấn và nhồi nhét. Những người không đủ sức chen được lên xe buýt đành tập trung la liệt trước vườn hoa của bến xe.

Bên cạnh các chuyến xe buýt đón khách là xe máy của người nhà đứng tràn cả đoạn đường Giải Phóng trước cửa bến. Nhiều hành khách kể  lợi dụng dịp đông người và giá xăng tăng, các nhà xe đã thu thêm tiền và nhồi nhét quá số ghế quy định. Hiện tượng thu thêm tiền diễn ra phổ biến ở các tuyến xe địa phương.

Tại các bến xe khác như: Mỹ Đình, Lương Yên… và nhiều bến xe phụ khác cũng đều trong tình trạng quá tải. Ông Lê Đình Thiện - Giám đốc bến xe Lương Yên cho biết: Riêng trong ngày hôm qua lượng khách từ các tỉnh đổ về bến đã tăng hơn 25% so ngày thường (với trên 250 lượt xe).

Các tuyến xe buýt cũng đều trong tình trạng quá tải do lượng khách tăng hơn gấp đôi so với ngày thường và dù đã có xe dự phòng để giải tỏa khách từ các bến xe vào nội đô nhưng cũng không thể đáp ứng được.

Theo lãnh đạo ga Hà Nội,  do mật độ tàu chạy trong ngày cao nên các chuyến tàu về ga thường chậm hơn so với quy định từ 30-40 phút.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Thoải mái “chém”, “chặt”, bán khách

Bến xe quá tải, khách bị bắt chẹt ảnh 1
Các nạn nhân bị xe khách 53L 0133 "bán" phải đứng suốt quãng đường 30 km                            . Ảnh: Hồng Hạnh

Khoảng 17 giờ 15 ngày 2/5 từ xã Mỹ Xuân (Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu), chúng tôi đón xe khách mang biển số 53L 0133 chạy tuyến Vũng Tàu – Bến xe Miền Đông để về lại TPHCM.

Mang danh là “chất lượng cao” nhưng trên xe máy lạnh không mở, không có khăn lạnh, nước suối cũng không có nốt. Chiếc xe không còn ghế trống nhưng tài xế vẫn  cố vét bằng hết những hành khách đón dọc đường.

Những ngày bình thường, giá vé suốt tuyến là 30 nghìn đồng/vé, nếu đón từ Mỹ Xuân (cách TP Vũng Tàu 46 km), hành khách chỉ trả cho nhà xe 25 nghìn đồng/người.

Trong dịp lễ năm nay, theo thông báo của Bến xe Miền Đông, từ ngày 29/4 đến 1/5, hành khách phải chi thêm 40% phụ thu để bù đắp chi phí chiều rỗng cho nhà xe khi đưa phương tiện về TPHCM giải tỏa hành khách.

Tuy nhiên, chủ xe 53L 0133 đã thu của chúng tôi 40 nghìn đồng/người, tức đắt hơn ngày thường 15 nghìn đồng (60%). Nhiều sinh viên, học sinh và công nhân đón xe từ huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) về TPHCM phải trả thấp nhất 30 nghìn đồng/người, dù lộ trình ngắn hơn một nửa tuyến.

Tuy giá cao nhưng do lượng khách về TPHCM quá đông nên không ai dám “cò kè” thêm bớt bởi sợ bị vứt xuống đường sẽ không đón được xe.

Khi đến Ngã ba Vũng Tàu, chủ xe 53L 0133 đã bán toàn bộ lượng khách về TPHCM cho một chiếc xe “chất lượng thấp” chạy tuyến Sông Ray – Bến xe Miền Đông. Khổ nỗi, chiếc xe này đã chở quá tải nên hơn 10 khách bị sang bán phải chen chúc và đứng lắc lư suốt chặng đường gần 30 km còn lại.

Thiếu xe, chấp nhận giá cao

Bến xe quá tải, khách bị bắt chẹt ảnh 2

Hành khách chen lấn giành chỗ lên xe buýt (ảnh chụp tại Bến xe phía Nam). Ảnh: Phạm Yên

Ở các tỉnh miền Tây, hành khách đi từ Bến Tre về TPHCM đã phải chờ đợi trong nhiều giờ . Nhiều người phải bỏ bến xe Bến Tre để tìm cách đi sang tỉnh Tiền Giang kế bên bắt xe về TPHCM với giá tăng thêm 40 – 50.000 đồng/người.  

Nhiều người đi tuyến Rạch Giá (Kiên Giang) về TPHCM tuy không khó khăn về xe nhưng giá xe tốc hành từ 70.000 đồng/vé đã bị “đội” lên 100.000 đồng.

Do không đủ xe phục vụ, nhiều tư nhân ở thành phố Rạch Giá đã linh hoạt sử dụng cả xe 4 chỗ, 7 chỗ của gia đình vào kinh doanh với giá cao hơn chút ít và được người đi chấp nhận.

Tương tự, người dân đi xe tốc hành tuyến Cà Mau - TPHCM cũng phải trả cao hơn ngày thường từ 30 – 50.000 đồng/người.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.