Bếp gas phựt lửa, ba nạn nhân suýt mất mạng

Bà Vình bị bỏng 32%.
Bà Vình bị bỏng 32%.
TPO - Ngày 13/9, Bác sĩ Tần Ngọc Sơn - Trưởng khoa Bỏng–Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 3 bệnh nhân bị bỏng vì lửa bếp gas trong khi nấu ăn.

Nạn nhân là vợ chồng ông Nguyễn Đình Kháng (48 tuổi) và bà Trương Thị Vình (42 tuổi, cùng ngụ huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng). Lúc nhập viện, ông Kháng bị bỏng vùng mặt ngực, bụng, tay chân, diện tích 18%, độ 2 – 3. Bà Vình bỏng sâu vùng mặt, cổ, gáy, bụng, tứ chi, diện tích bỏng 32%, độ 2 – 3, sưng phù nề vùng cổ và khó thở. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực, truyền dịch giảm đau, truyền đạm, máu. Trong vòng 5 giờ cấp cứu, bệnh nhân đã qua cơ nguy kịch.

Nạn nhân còn lại là bà Ong Thị Châm (49 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) được chuyển đến từ bệnh viện Sóc Trăng sau 4 ngày điều trị. Bà Châm bị bỏng nặng vùng mặt, cổ, gáy và tứ chi, diện tích bỏng đến 40%, độ 2 – 3. Cấp cứu chăm sóc vết bỏng, truyền kháng sinh giảm đau, trong vòng 4 giờ thì bệnh nhân ổn.

Bác sĩ Sơn cho biết, hiện tại các bệnh nhân đều tỉnh, da niêm hồng, sinh hiệu ổn, vùng bỏng khô đều, giảm sưng.

Ông Kháng cho biết, hai vợ chồng ông bà làm nghề mua bán lúa trên ghe. “Sáng nào tôi cũng bật bếp gas (bếp đơn nhưng sử dụng bình gas 12kg) để nấu nước trong khoang ghe. Riêng hôm nay bật hoài bếp không lên lửa. Một hồi sau, tự nhiên bếp phựt lên ngọn lửa lớn, cháy cả 2 vơ chồng rồi lan ra cháy những vật dụng xung quanh. Tôi vội chạy ra ngoài nhưng vợ tôi vẫn ở lại để dập lửa cứu 11 tấn lúa. Tôi liền quay vào kéo bà ấy ra rồi cả hai  vợ chồng nhảy xuống sông…” –ông Kháng kể lại phút giây kinh hoàng. Theo ông Kháng, nguyên nhân gây phựt lửa là do ống dẫn gas bị rò rỉ.

Bà Ong Thị Chấm cũng cho biết, khoảng 8 giờ sáng, khi bật bếp gas mini lên thì bất ngờ bị phựt lửa bỏng người. Bếp gas bà Châm mua của một người bán dạo nhưng cũng còn mới, còn lon gas thì đổi ở tiệm tạp hóa.

Theo bác sĩ Sơn, hiện nay tình trạng các bệnh nhân nhân đã tạm ổn định nhưng trong giai đoạn này phải theo dõi thường xuyên vì vết bỏng có thể bị nhiễm trùng. Riêng các trường hợp bỏng sâu có thể sẽ phải ghép da khi bệnh nhân hồi phục.

MỚI - NÓNG