Bi hài xông đất đầu năm

Người dân xem lộc đầu xuân
Người dân xem lộc đầu xuân
TP - Xông đất đầu năm, tục lệ trong mỗi gia đình Việt, bây giờ còn lan tới văn phòng, công sở ngày đi làm đầu tiên sau Tết Nguyên đán. Sự may rủi trong năm bỗng dưng trở thành gánh trách nhiệm đè lên vai người xông. Có nơi cầu viện dịch vụ xông thuê làm mất đi vẻ tự nhiên vốn có của tập tục này.

Công phu chọn người


Lệ tục xông đất, xông nhà đầu năm, còn gọi là “đạp đất” ở Việt Nam đã có từ lâu. Người đầu tiên bước vào nhà kể từ lúc giao thừa trở đi được coi là người xông đất. Quan niệm người xông đất mang luồng sinh khí vào nhà ít nhiều ảnh hưởng đến gia vận của chủ nhà trong năm, nên từ cuối năm dù bận rộn đến mấy, chủ nhà cũng ưu tiên tìm người xông đất, xông nhà. Gia đình thì tìm nhờ người thân, hàng xóm. Còn công ty, doanh nghiệp thì lọc chấm nhân viên hợp tuổi, được tính xông mở đầu năm.

“Giám đốc là người rất coi trọng chuyện tâm linh, nên ai là người xông mở công ty phải do sếp duyệt kỹ. Cứ cuối năm, cán bộ phụ trách nhân sự lọc ra vài người trình sếp. Người “chuẩn” không chỉ hợp tuổi với sếp, còn phải thông minh, gia đình êm ấm”.

Chị Nguyễn Thu
Ngoài yếu tố tìm tuổi tam hợp, tránh tuổi xung khắc, chủ nhà còn để ý đến nhân cách của người xông. Hợp tuổi mà khó tính quá gia chủ không ưng. Nhất là những người có hạnh kiểm không tốt, đang có tang, có chuyện quan tụng hoặc đang gặp xui xẻo, thường bị kiêng, tránh. Còn người vui vẻ, lanh lợi, có cuộc sống hạnh phúc được ưng chọn nhiều. Quan niệm đầu năm cần dương khí vào nhà nên nam nhi thường đảm nhận nhiệm vụ này.

Tùy vào đặc điểm công việc, vị thế xã hội, chủ nhà chọn đối tượng xông đất phù hợp. Với chủ nhà là dân lao động tay chân, người xông chỉ cần khỏe mạnh, tốt tính, gia cảnh khấm khá là được. Còn nhà buôn bán, doanh nhân hay người có học thức thích chọn người có địa vị ngang tầm hoặc trên mình, mong ước làm ăn phát tài, công danh ngời sáng.

Người xông đất thường đến nhà gia chủ chừng 5-10 phút, trao lời chúc đầu xuân ngắn gọn, ý nghĩa. Trước khi đến, họ chuẩn bị trang phục chỉnh tề, chọn gam màu sáng, tránh màu trắng, đen. Đồng thời không quên “học thuộc” câu chúc theo đúng ý muốn của chủ nhà. Thương gia mong câu “phát tài, phát lộc, ăn nên làm ra”.

 Quan chức thích lời “thăng quan, tiến chức”. Ngư dân ưng câu “mưa thuận, gió hòa”, còn nông dân thì thích “lúa thóc đầy kho”… Đáp lại, chủ nhà cũng chúc tết và lì xì cho người xông. Cả hai bên đều hạnh phúc. Người đi xông thì vui vì làm việc phước, còn chủ nhà toại nguyện khi mọi chuyện suôn sẻ, tin rằng gia đạo mình sẽ may mắn suốt năm tới.

Dở khóc dở cười

Xông đất đơn thuần là một mỹ tục có ý nghĩa tượng trưng, nhưng nhiều người “quan trọng hóa” vấn đề, tạo ra nhiều tình huống oái oăm, dở khóc dở cười cho cả người xông lẫn chủ nhà.

Bi hài xông đất đầu năm ảnh 1 Mở cửa chờ khách xông nhà
Việt Hương (21tuổi, thợ làm tóc ở Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) ngao ngán tâm sự: Nhà chỉ có mỗi ông anh là con trai nên ba mẹ cứ chỉ định ổng đạp đất. Năm nào ổng nhớ thì đỡ, còn không thì khổ lắm. Đầu năm con dê này, ổng đi nhậu say quắc cần câu quên luôn nhiệm vụ. Mình làm đêm về muộn phải đứng chờ mãi ngoài cổng không được vô nhà. Vừa đói, vừa mệt đến phát cáu. Rốt cục mình đành phải đi tìm dìu rước ổng về. Chân cao chân thấp ổng vào xông đất, chả biết nhà có phát gì không, hay “chúi lụi” như ổng thì hết hơi! 

Cũng vì quan niệm người mở cửa công sở đầu năm quyết định thành bại của công ty khiến nhân viên nơm nớp lo sợ khi được sếp ưu ái chọn. Chị Nguyễn Thu, nhân viên một công ty kinh doanh bất động sản ở Buôn Ma Thuột từng làm “sứ giả” xông đất công ty Tết con Ngựa, kể: “Giám đốc là người rất coi trọng chuyện tâm linh, nên ai là người xông mở công ty phải do sếp duyệt kỹ.

 Cứ cuối năm, cán bộ phụ trách nhân sự lọc ra vài người trình sếp. Người “chuẩn” không chỉ hợp tuổi với sếp, còn phải thông minh, gia đình êm ấm. Ai vinh dự được sếp chọn đều lo ngay ngáy cả năm. Hên là năm rồi công ty làm ăn phát đạt, được sếp và đồng nghiệp khen ngợi, mình mới hú hồn mừng thoát nạn!”. Hỏi chị có muốn đảm nhận “sứ mệnh” đó nữa hay không, chị lắc đầu lia lịa, “xin hai chữ bình yên”.

Ngay cả người làm trong cơ quan nhà nước cũng kén người được chọn để xử lý vụ việc đầu năm, gây nhiều phiền toái cho dân. Sau thời gian dài nghỉ Tết, mùng 6/1/2015 âm lịch, tất cả cơ quan làm việc trở lại. Người dân nóng lòng kéo đến ký tá giấy tờ, đặt lịch làm việc rất đông. Thay vì bắt tay ngay giải quyết công việc, có chỗ cán bộ, nhân viên lại hạch hỏi tuổi tác từng người. Chưa tìm ra “đối tác” phù hợp, họ còn bảo dân “thông cảm” đợi người nào hạp tuổi, hạp vía đến đã. Dân khó chịu nhưng phải cố chịu đựng, ngày đầu năm không dám cự cãi trái ý “quan”.

Chưa biết người xông đất đầu năm có thật sự làm thay đổi vận thế của gia chủ, cơ quan, đơn vị hay không. Nhưng việc quá cầu kỳ trong chuyện chọn người, canh giờ không những khiến người xông sợ hãi mà làm phiền cả người xung quanh. Thậm chí có người cứng nhắc đến mức, mọi chuyện làm ăn không tốt đều đổ lỗi do người xông nặng vía. Anh em xa cách, tình làng nghĩa xóm cũng vì thế nhạt dần.

Phủ sóng

Bi hài xông đất đầu năm ảnh 2 Dịch vụ xông thuê tràn lan trên mạng
Lùng khắp người thân, đồng nghiệp không hợp, nhiều người tìm tới dịch vụ xông thuê. Nắm thóp tâm lý này, dịch vụ trọn gói xông đất, xông nhà (gồm cho thuê người xông, múa lân, lì xì,…) xuất hiện tràn lan trên các trang mạng xã hội. 

Liên lạc một vài công ty cung cấp dịch vụ cho thuê người xông đất rao trên mạng, chúng tôi nhận rất nhiều lời chào mời, cam kết phục vụ “không hên không lấy tiền”. Khách hàng chỉ cần vạch rõ mẫu người lý tưởng (từ tuổi tác, trình độ, ngoại hình...). Việc còn lại, phía cung cấp dịch vụ sẽ lo tất. Nghe khách tỏ vẻ rụt rè đề cập địa điểm cần người, một chủ dịch vụ nhanh nhẩu trấn an: “Em yên tâm, công ty anh phủ sóng toàn quốc, miễn tiền trao cháo múc sòng phẳng, em muốn gì có tất”. 

Giá dịch vụ ấn định tùy vào yêu cầu của khách hàng. Nếu chỉ cần người đến xông đất trong khoảng thời gian từ 5-10 phút, giá 400-500 nghìn đồng/lượt. Còn chủ nhà yêu cầu người xông mặc quần áo thần tài kèm theo câu đối, phong bao lì xì, giá dịch vụ tính bằng tiền triệu. Với các công ty, doanh nghiệp thuê cả nhóm múa lân rồng với 3 ông Phúc - Lộc -Thọ, mức giá có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Riêng khách hàng ngoại tỉnh, phí dịch vụ cũng tăng theo mức độ xa gần. Dù thời buổi làm ăn khó khăn, các công ty chấp nhận thắt lưng, buộc bụng bỏ tiền thuê dịch vụ. Vừa phô trương thanh thế vừa thỏa mong muốn, càng khó khăn, càng cần mời “thần Tài” vào. 

Thấy “nghề” dễ kiếm tiền, nhiều sinh viên, học sinh cũng tự đăng quảng cáo nhận xông đất thuê trên các trang mạng xã hội. Người đăng liệt kê đầy đủ từ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, ngày giờ sinh, quê quán, chiều cao, ngoại hình... đến giá cả. Do không tốn phí môi giới nên giá “mềm” hơn so với công ty, lại được gặp mặt trước, nên loại hình này ngày càng được khách tìm tới.

Đa phần khách sử dụng dịch vụ này là các công ty, doanh nghiệp hoặc những gia đình bề thế. Họ sẵn lòng bỏ ra số tiền lớn để cho thỏa cơn khát tài lộc. Tuy nhiên, không phải ai dùng dịch vụ này cũng được như ý. Chuyện người xông đất đến muộn giờ, đòi lì xì thêm khiến chủ nhà tím mặt chiều theo. Vì người xông đất lạ hoắc, thật giả, tốt xấu về họ gia chủ cũng mù mờ, hỏi chủ dịch vụ thì mọi sự đã rồi.

Xông đất vốn là phong tục tốt đẹp của văn hóa Á đông, nhưng nhiều người đã lạm dụng nó bằng niềm tin mù quáng. Thế nên, từ mỹ tục mang tính tượng trưng trong đời sống tinh thần, xông đất đang biến tướng muôn hình vạn trạng và dần thành hủ tục với đầy những câu chuyện bi, hài.

Một thiền sư khi bàn về vấn đề này đã khuyên dạy: Mọi sự ở đời đều có căn duyên của nó. Xông đất là một nét văn hóa đẹp, ta nên thuận theo tự nhiên. Càng o ép càng mất thiêng!

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG