Biết nhục, và thói đạo đức giả

TP - Người đứng đầu (sân bay, cảng vụ, ngành hàng không…) phải thấy nhục, thấy xấu hổ khi khách đến cảng hàng không của mình mà bị mất cắp.   

Bao giờ các ông còn vô cảm, không thấy nhục khi khách quốc tế đến bị mất cắp, thì mất cắp còn chưa giảm được”. Câu nói thuộc loại gay gắt nhất trong tuần thuộc về Bộ trưởng Đinh La Thăng khi ông chỉ trích nạn ăn cắp, móc ruột hành lý ký gửi của khách đi máy bay diễn ra tại các cảng hàng không Việt Nam.

Thực ra thứ tệ nạn quái đản này đã rộ lên từ lâu. Nay thì vượt ngưỡng chịu đựng. Trộm ngay trong nhà, là người của sân bay chứ còn ai nữa!  

Không biết còn những ngọn roi trách nhiệm nào nữa từ các lãnh đạo, tư lệnh ngành, tổng trấn các địa phương “quất” xuống thuộc cấp của mình? Chặt chém, lừa đảo, móc túi, “treo dê bán chó” ra sao với khách du lịch? Vào hùa với doanh nghiệp chèn ép đất đai của dân, lấp lấn sông hồ, san bạt núi non làm dự án thế nào? 

Hàng lậu Trung Quốc lên tới hàng chục tỷ đô la Mỹ, trách nhiệm ở đâu? Án oan giảm được không? Vì sao 1.300 cây ở Hà Nội bị đổ vì dông lốc mới đây, lại có rất ít cây nằm trong số 6.700 cây “mục ruỗng” thuộc diện phải đốn hạ theo đề án cải tạo, thay thế cây xanh trước đó? Trồng cây để nguyên bầu chằng buộc bọc kỹ trong bao nilon, bao dứa, thực chất là gì? …

Một chuyện tưởng không liên quan: Hàng loạt quan chức hàng đầu của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) vừa bị truy tố về tội lừa đảo, tham nhũng, nhận hối lộ… Sepp Blatter buộc phải tuyên bố từ chức chỉ mấy ngày sau khi tái đắc cử lần thứ 5 liên tiếp chức Chủ tịch FIFA. Dư chấn chưa dừng. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng đang có đơn tố cáo hối lộ chưa rõ thực hư hối lộ. SEA Games 28 vừa kết thúc, đội tuyển bóng đá U23 Indonesia rơi ngay vào nghi án bán độ…

Bất ngờ, bởi những ông chủ của FIFA đa phần sinh trưởng trong  những môi trường luật pháp nổi tiếng thế giới về sự trong sạch, nghiêm minh. 

Điều này đã được G.S Ian Buruma (ĐH Bard, Mỹ), người vừa giành giải thưởng PEN danh giá của Mỹ 2015, vạch thẳng: “Sự tham nhũng, việc mua bán phiếu bầu, sự khao khát uy danh quốc tế tới mức điên rồ của các ông chủ bóng đá, những bộ ngực ưỡn ra khoe mề đay và tặng thưởng – tất cả những thứ đó đều không ngoài hình dung của chúng ta. Thói đạo đức giả mới là điều day dứt… Nếu câu chuyện đáng buồn của FIFA là một chỉ báo thì chúng ta có thể chắc chắn rằng chính quyền có theo thể chế nào thì đồng tiền vẫn cai trị”.

Phải vậy chăng, chúng ta đang sống trong thời đại mà thói đạo đức giả, chỉ thích ưỡn những bộ ngực gắn đầy mề đay, nhưng dưới sự chi phối (từ phía sau) của đồng tiền đang có cớ thao túng? Nếu vậy, kêu gọi suông sự biết xấu hổ, rất dễ vô vọng,  nếu không có những chế tài thật sắt đá.

MỚI - NÓNG