Bịt lỗ hổng tham nhũng

Bịt lỗ hổng tham nhũng
TP - Cuối tuần trước, tờ SGTT đưa tin Tổng công ty Thép Việt Nam (VSC) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Công thương giải trình về kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2009.

Theo giải trình này, tổng số lỗ năm 2009 của VSC là 575 tỉ đồng. Con số này được VSC lý giải là do cùng lúc doanh nghiệp này phải thực hiện tốt hai mục tiêu: 'Đảm bảo cung ứng đủ thép cho thị trường và kiềm chế giá thép.'

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Khoan hãy nói đến nội dung giải trình trên của lãnh đạo VSC có đúng sự thật, việc ấy hãy để cơ quan chức năng (kiểm toán, thanh tra) thực hiện. Nhưng nhìn vào cách giải trình đó, người ta thấy ngay ở đây đang có sự lẫn lộn giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp này.

Thực tế, VSC là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hàng năm doanh nghiệp này cung ứng khoảng 50% lượng thép cho thị trường, 50% còn lại do các doanh nghiệp ngoài VSC và nhập khẩu. Như vậy, liệu VCS có thực hiện nổi việc bình ổn giá thép? Nhưng vì là DNNN nên khi VSC bị lỗ, cách giải thích tốt nhất cho sự yếu kém trong kinh doanh là họ phải thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ giao “bình ổn thị trường”.

Trở lại câu chuyện Vinashin trên bờ vực phá sản, phải cơ cấu lại, với số nợ khủng lên tới 90.000 tỷ đồng. Trong lần trả lời phóng vấn Tiền Phong, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình cũng lý giải: “Ngoài nhiệm vụ kinh doanh, chúng tôi phải thực hiện cả sứ mệnh xây dựng ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam”. Tập đoàn Điện Lực Việt Nam, khi để xảy ra tình trạng thiếu điện triền miên, hoạt động không hiệu quả, cũng tìm cách lý giải “vì phải lo cho những người nghèo- lo điện cho nông thôn với giá thấp-PV”...

Từ câu chuyện của các tập đoàn nhà nước, người ta dễ nhận ra ở đây nguyên nhân chính của tình trạng DNNN làm ăn không hiệu quả, chính là sự nhập nhằng giữa chức năng kinh doanh và quản lý. Trong một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đã cảnh báo: Tư tưởng bao cấp, đặc biệt là đối với các DNNN trong một số chính sách đã bắt đầu quay trở lại với mức độ và phạm vi rộng. Nó được thể hiện rõ nét trong một loạt các chính sách quan trọng như: Trong chính sách đất đai, cấp vốn, cho vay ưu đãi...

Đã là doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, hãy để các doanh nghiệp chuyên tâm làm ăn, thay vì phải ghánh thêm nhiệm vụ này, nhiệm vụ khác. Khi đó, cũng dễ bề đo tài năng của các ông chủ. Bên cạnh đó, cần sớm cắt bỏ chiếc vòi bạch tuộc bao cấp. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, lỗ hổng tham nhũng, tiêu cực trong khu vực DNNN mới có thể bịt kín.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.