Bộ luật Dân sự (sửa đổi): “Luật đọc rất hay nhưng rất khó”

TP - Sáng 25/11, thảo luận dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhấn mạnh, luật của chúng ta quy định rất hay, nhưng khi áp dụng vào thực tế lại rất khó xử.

Dự thảo luật đưa ra quy định mới về áp dụng pháp luật: Nếu không có luật thì áp dụng sự thỏa thuận, tập quán, nguyên tắc tương tự; không có nguyên tắc tương tự, chúng ta áp dụng nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự. Cuối cùng, nếu không áp dụng được nguyên tắc tương tự thì vì lẽ công bằng của pháp luật, đạo đức xã hội, tòa án phải xét xử. Thế nhưng, theo ĐB Thuyền, nguyên tắc này thật không ổn khi đưa ra áp dụng. Ví dụ, Luật Hôn nhân gia đình, các nước quy định rất cụ thể những điều kiện được ly hôn, không được ly hôn. Bộ Luật Hồng Đức cũng quy định có 7 điều kiện được ly hôn, 3 điều kiện không được ly hôn, rất rõ ràng. Luật của chúng ta quy định một câu rất hay “mục đích hôn nhân không đạt được, mâu thuẫn trở nên trầm trọng thì cho ly hôn”. “Tòa cấp dưới bảo vấn đề này rất trầm trọng, tòa cấp trên bảo tôi thấy chưa trầm trọng, tôi hủy án. Hiểu như thế nào là trầm trọng? Luật của chúng ta đọc rất hay, nhưng khi vào vụ việc cụ thể để xét xử thì rất khó”, ông Thuyền nói.

Trở lại quy định tại Bộ luật Dân sự sửa đổi, ĐB Thuyền nói: “Vì lẽ công bằng của xã hội mà chúng ta xét xử”, thực sự như thế nào là công bằng? Có người nói vấn đề này công bằng, tòa sơ thẩm bảo vấn đề này là công bằng, tòa cấp trên bảo vấn đề này chưa công bằng. Để giải quyết vấn đề công bằng đòi hỏi trình độ thẩm phán phải thật sự uyên thông. “Trong Hiến pháp, Luật Tổ chức tòa án có quy định “khi xét xử, thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Phải căn cứ vào luật, nếu không có luật thì anh không được xử”.

“Nhà anh ở chưa phải nhà của anh”

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, cần phải làm rõ nguyên tắc: Bất động sản và những tài sản pháp luật quy định phải đăng ký, nếu chỉ chiếm hữu thì không thể suy đoán là sở hữu. “Cái xe ở nhà anh thì không thể suy đoán là của anh, vì xe phải đăng ký. Nhà anh đang ở chưa thể suy đoán là của anh nếu anh không có đăng ký với nhà nước, để định thuế trước bạ. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch của Luật Dân sự, để tránh mọi rối loạn. Chúng ta đang vi phạm nguyên tắc này ở Luật Nhà ở”, ông Lịch nói. Vì vậy, đối với bất động sản, cần xác lập thời điểm xác lập quyền sở hữu là thời điểm đăng ký, nộp thuế trước bạ. Quyền sở hữu bất động sản có ba quyền: quyền chiếm hữu, quyền hưởng lợi và quyền định đoạt.

Quyền gắn với nghĩa vụ

ĐB Lịch đề nghị nên quy định hai hình thức sở hữu: sở hữu chung và sở hữu riêng. Về chủ thể sở hữu, nên sử dụng có hai chủ thể rõ ràng: Pháp nhân và thể nhân (không nên gọi cá nhân). Như vậy, sở hữu chung và sở hữu toàn dân thì chủ thể pháp nhân là Nhà nước.

MỚI - NÓNG