Bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn?

Bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn?
TP- Theo ông Bùi Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hiện có một số ý kiến đề nghị nên coi việc bỏ phiếu tín nhiệm như là một hoạt động bình thường, được tiến hành định kỳ.
Bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn? ảnh 1
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh

Phát biểu tại phiên ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội hôm qua (3/5), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng, cần phải có hướng dẫn, phát phiếu và hòm phiếu để đại biểu nếu không tín nhiệm ai đó thì bỏ bởi lẽ “việc tín nhiệm ai đó hay không người ta thường không muốn nói rõ sự thật.

Chúng ta cũng chưa làm cho các đại biểu Quốc hội có dũng khí, sự mạnh dạn để dám nói. Hơn nữa, thời gian qua cũng chưa có một ủy ban nào của Quốc hội đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm với anh A, anh B...”.

Đọc tờ trình về việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, ông Bùi Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng thừa nhận sau gần 5 năm có hiệu lực mà chế định bỏ phiếu tín nhiệm vẫn chưa được tiến hành lần nào trên thực tế.

“Sự thiếu tính khả thi của điều luật này có phần do cơ chế xem xét bỏ phiếu tín nhiệm còn chưa rõ ràng và khó thực hiện. Điều này tạo ra nhiều bức xúc trong các đại biểu Quốc hội nói riêng cũng như trong dư luận xã hội nói chung”- ông Thanh nói.

Về vấn đề này, theo ông Thanh, hiện đang có 2 loại ý kiến. Thứ nhất, nhiều ý kiến đề nghị nên coi việc bỏ phiếu như là một hoạt động bình thường, được tiến hành định kỳ (có thể thực hiện 2 lần trong một nhiệm kỳ Quốc hội.

Thứ hai, một số ý kiến đề nghị vẫn giữ cách thức xem xét bỏ phiếu tín nhiệm như quy định hiện hành nhưng có thể giảm tỷ lệ đại biểu đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm với ai đó từ 20% hiện nay xuống còn 5 hoặc 10% và cần phải có hướng dẫn chi tiết về cách thức tiến hành để có thể hội đủ số lượng tỷ lệ đại biểu đề nghị bỏ phiếu. Việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo định kỳ có thể là giải pháp khả thi”- Ông Bùi Ngọc Thanh nói.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi lần này còn dự kiến thành lập thêm 4 ủy ban là ủy ban Pháp luật và ủy ban Tư pháp (trên cơ sở ủy ban Pháp luật của Quốc hội hiện nay); ủy ban Kinh tế và ủy ban Tài chính Ngân sách (trên cơ sở ủy ban Kinh tế- Ngân sách hiện nay).

Về vấn đề này, bên lề phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đã có cuộc trao đổi với Tiền phong và một số báo. Phó Chủ tịch cho biết: Ủy ban Pháp luật hiện nay phải đảm nhận quá nhiều công việc. Vì thế, cần tách hẳn một uỷ ban để tập trung cao độ cho công tác lập pháp là ủy ban Pháp luật.

Còn ủy ban Tư pháp sẽ tập trung chủ yếu cho công tác giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp và giám sát việc phát hiện, xử lý tham nhũng.

Thực tế cho thấy, tất cả các nước đều có ủy ban Ngân sách, thế nên việc tách của chúng ta theo tôi là còn chậm. Quyết định ngân sách là chức năng, nhiệm vụ rất lớn và hệ trọng của Quốc hội bởi ngân sách suy cho cùng là tiền bạc của nhân dân.

Quốc hội là người thay mặt dân để quyết định ngân sách vì thế mà Luật Ngân sách đã quy định Quốc hội phải quyết định chi tiết và cụ thể về ngân sách chứ không phải quyết định nguyên tắc chung.

Do đó rất cần phải có một ủy ban chuyên lo về ngân sách để giúp cho ủy ban TVQH, Quốc hội từ khâu chuẩn bị dự toán ngân sách (đã phải giám sát hoạt động của Chính phủ) cho đến khi chuẩn bị để ủy ban TVQH cho ý kiến, trình Quốc hội và đặc biệt tại một kỳ họp để Quốc hội có thể bàn, quyết định một cách chính xác, minh bạch, chi tiết về ngân sách.

Còn ủy ban Kinh tế, theo tôi phạm vi của ủy ban này cũng còn là rộng vì ở nghị viện của nhiều nước, chẳng hạn riêng lĩnh vực giao thông vận tải họ cũng có riêng một uỷ ban nhưng với nước ta, trước mắt cần phải làm từng bước. 

Căn cứ vào đâu mà dự thảo Luật sửa đổi lần này quy định về bỏ phiếu tín nhiệm đã giảm tỷ lệ đại biểu đề nghị bỏ phiếu từ 20% xuống còn 10%, thưa Phó Chủ tịch?

Theo tôi, việc bỏ phiếu tín nhiệm, chúng ta chưa có kinh nghiệm, nên phải tiến hành tổng kết. Còn việc Ban soạn thảo đề nghị hạ tỷ lệ 20% đại biểu đề nghị bỏ phiếu xuống còn 10% xuất phát từ thực tiễn mà họ quan niệm và để đảm bảo cho quy định đó có tính khả thi.

Từ trước đến nay đã có một số vị đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm với một số người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, xin Phó Chủ tịch cho biết tỷ lệ cao nhất các đại biểu đồng tình với việc bỏ phiếu với một trường hợp nào đó là bao nhiêu phần trăm?

Thường là rất thấp nên mới không đạt 20%.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.