Bỏ phiếu tín nhiệm nên thành việc bình thường

Bỏ phiếu tín nhiệm nên thành việc bình thường
TP - Vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn thêm một lần khiến ĐBQH phải tranh luận, khi Quốc hội thảo luận về Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi hôm qua, 30/5.
Bỏ phiếu tín nhiệm nên thành việc bình thường ảnh 1
Ông Phạm Thế Duyệt phát biểu tại hội trường. Ảnh: Vietnamnet

Vì sao chế định này đã thực hiện được 5 năm mà chưa bỏ phiếu được trường hợp nào lại là câu hỏi nhức nhối. “Quy định như Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành là không thể thực hiện được” - ông Lê Mạnh Hùng (đại biểu Hà Tĩnh) nói thẳng.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Tuyết (đại biểu Yên Bái) chỉ rõ “do cơ chế xem xét bỏ phiếu tín nhiệm còn chưa rõ ràng và khó thực hiện”.

Về đề nghị giảm tỷ lệ 20% ĐBQH đề xuất thì tiến hành bỏ phiếu xuống còn 10%, ông Tuyết vẫn cho rằng chưa khả thi. “Giảm tỷ lệ như vậy mà không có hướng dẫn chi tiết về cách thức tiến hành, không có sự khởi xướng, không có tổ chức thực hiện  thì vẫn không thể thực thi được” - ông Tuyết phân tích.

Đồng quan điểm, Chủ tịch MTTQ Việt Nam, ông Phạm Thế Duyệt (đại biểu Hải Dương) nói thêm: “ủy ban Thường vụ Quốc hội phải phát một phiếu trong mỗi kỳ họp xem ý Quốc hội là cần phải bỏ phiếu ai. Một câu hỏi mà tôi tin rằng sẽ có những người được 30%, 40% đại biểu đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm, chứ không phải chỉ có 20%. Nếu cứ để ĐBQH tự nguyện viết thì dù rút xuống còn 5% cũng không thực hiện được việc bỏ phiếu tín nhiệm”.

Nhưng vướng mắc trong khâu xử lý cán bộ hiện nay, nói như ông Đỗ Trọng Ngoạn (đại biểu Bắc Giang) là “Thủ tướng xử lý một Thứ trưởng sai phạm cũng mất quá nhiều thời gian” nên nhiều đại biểu cho rằng cần biến việc bỏ phiếu tín nhiệm thành việc làm bình thường. Vì vậy, khá nhiều ý kiến đề nghị nên tiến hành bỏ phiếu định kỳ, có thể một khoá Quốc hội sẽ bỏ phiếu hai lần.

“Thực tế cho thấy không phải không có những người xứng đáng bị bỏ phiếu bất tín nhiệm” - ông Lê Văn Cuông (đại biểu Thanh Hóa) nhận xét. Để việc bỏ phiếu tín nhiệm có tính khả thi cao, ông Cuông đề nghị nên tiến hành bỏ phiếu theo 3 hình thức: 5 năm hai lần cho tất cả các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn (trừ Chủ tịch HĐDT, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội); bỏ phiếu sau chất vấn và trả lời chất vấn và bỏ phiếu đột xuất nếu thấy trường hợp nào đó xứng đáng bị bỏ phiếu. 

Mạnh mẽ hơn, ông Đỗ Trọng Ngoạn đề nghị “ làm ngay ở kỳ họp này” .  “Tôi đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm cứ theo vần a, b, c mà làm. Nếu làm ngay được thì tốt, hoặc chúng ta có thể tiến hành tại kỳ họp này khi bàn nhân sự, có thể làm được không? Sao lại không làm được? Sao cứ bó tay mãi?”- ông Ngoạn nói.

ĐBQH chuyên trách: 25, 40 hay 50%?

Nhiều đại biểu đồng tình việc Quốc hội khóa XI có 255 ĐBQH chuyên trách đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao thêm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Vì thế nhiều ý kiến đồng tình với việc cần phải nâng cao tỷ lệ ĐBQH chuyên trách. Tuy nhiên khi góp ý về quy định này trong dự thảo các ý kiến lại rất khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Tuyết đề nghị cứ giữ quy định có ít nhất 25% số ĐBQH chuyên trách như hiện nay vì như thế vẫn có thể nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách lên 30, 40%.

“Nếu ghi cứng vào luật là 40% sẽ rất khó thực hiện”- ông Tuyết nói. Thế nhưng, ông Hoàng Thiện Cát (đại biểu Hưng Yên) lại nói rằng sở dĩ khóa X khi xây dựng Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành còn dè dặt ghi là có ít nhất 25% ĐBQH chuyên trách là do chưa có thực tiễn.

“Thực tế cho thấy cử tri đánh giá cao hoạt động của các ĐBQH chuyên trách trong việc góp phần nâng cao chất lượng của Quốc hội. Vì thế nên quy định có ít nhất 40% ĐBQH chuyên trách, còn nếu chỉ quy định có ít nhất 25% thì sẽ có tình trạng muốn làm thế nào thì làm” - ông Cát nói. 

Cần chia tách thêm nhiều ủy ban của QH?

Tuyệt đại đa số các vị ĐBQH tán thành việc chia tách ủy ban Pháp luật hiện nay thành ủy ban Pháp luật và ủy ban Tư pháp; ủy ban Kinh tế –Ngân sách thành ủy ban Kinh tế và ủy ban Tài chính.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tuyết, ở các nước, số ủy ban của Quốc hội thường nhiều hơn so với các bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ. Vì thế nếu tách thêm cả ủy ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng thành 2 ủy ban nữa thì số ủy ban vẫn chưa bằng nửa số bộ của Chính phủ”.

Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng nên tách cả ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội bởi lẽ công việc của ủy ban này hiện quá nhiều và cần thành lập ủy ban Dân nguyện trên cơ sở Ban dân nguyện hiện nay.

MỚI - NÓNG