"Bộ trưởng đi ăn sáng bằng xe công là quan liêu"

"Bộ trưởng đi ăn sáng bằng xe công là quan liêu"
UBTVQH đang bàn cách hạn chế tình trạng lãng phí của các cơ quan nhà nước, trong đó có đưa ra giải pháp "khoán chi" vào lương từ vị trí Bộ trưởng trở xuống.
"Bộ trưởng đi ăn sáng bằng xe công là quan liêu" ảnh 1
Một xe công đi lễ đền Trần ở Nam Định.

Lãng phí, ''căn bệnh'' trầm kha hiện chưa có thuốc đặc trị đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ''mổ xẻ'' khi cho ý kiến về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chiều 18/4.

''Miệng nói không đi đôi với việc làm!''

Báo chí lâu nay đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực phản ánh việc mua xe công quá tiêu chuẩn, sử dụng xe ''chùa'' đi chùa... Chủ tịch Hội đồng dân tộc Tráng A Pao nhắc khéo Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng: ''Hơn 800 xe con mua vượt tiêu chuẩn, đến nay trên dưới không ai xử lý, trên nói dưới không nghe, cuối cùng thì hoà cả làng!?''.

''Ở ta, thủ trưởng mới lên, không chỉ ''tân quan tân chính sách'', mà còn xây phòng mới, thay bàn ghế mới, mua xe mới xịn hơn... gây lãng phí'', ông Pao phê phán thói quen này. Ngược với cảnh ta nghèo mà chơi sang, ông Pao dẫn chứng: ''Tôi sang thăm Ấn Độ, bộ trưởng, thứ trưởng người ta dùng xe trong nước, sản xuất cách đây... 1 thế kỷ! Xe đẹp là của doanh nghiệp, tư nhân''.

Đồng tình với ông Pao, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Trần Thị Tâm Đan cũng lo ngại về thái độ, ý thức thực hiện chống lãng phí. ''Trước đây cũng có tiêu chuẩn, định mức xe công nhưng ''bên trình, bên quyết'' nể nang nhau nên cho qua!''

Ông Tráng A Pao cũng cho rằng, ngay nhiều lễ hội gần đây chi mất hàng chục tỷ đồng cũng có phần lãng phí. ''Tôi thấy là miệng nói không đi đôi với việc làm! Nói không biết bao nhiêu lần rồi cũng hoà cả làng! Trong khi dân chi tiêu tiết kiệm từng xu một. Ở nông thôn, người ta vất vả cắt dây khoai lang bán được 2.000-3.000 đồng!''.

''3 công khai'': định mức, tiêu chuẩn, chế tài và xử lý công khai

Gây ''bệnh'' lãng phí, theo ý kiến của nhiều đại biểu, ngoài thói quen sử dụng ''chùa'' và xử lý không nghiêm, còn do nhiều tiêu chuẩn, định mức trong sử dụng công quỹ, tài sản công chưa có hoặc có rồi nhưng lạc hậu do ban hành cách đây nhiều năm.

''Tiền điện thoại di động, như tôi được 500.000 đồng/tháng, cấp phó 400.000 đồng nhưng không biết căn cứ vào đâu? Vì có anh gọi ít, có anh gọi nhiều. Chi tiếp khách, trung ương, địa phương thế nào cũng không rõ, cuối cùng thì đành ''vui vẻ'' với nhau...'', ông Tráng A Pao dẫn chứng.

Ông Pao đề xuất lấy ý kiến công khai về các tiêu chuẩn, định mức sử dụng tiền, tài sản công... để dân góp ý, khi ban hành cũng phải công bố công khai để giám sát. ''Phải có chế tài cụ thể, định mức, tiêu chuẩn công khai thì chế tài cũng công khai, xử lý cũng phải công khai'', ông đặt ra yêu cầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu tỏ ra tâm đắc trước việc dự luật bổ sung các lĩnh vực phải công khai để chống lãng phí. ''Hiện nay nhiều cái giám sát cho vui! Mặt trận, các đoàn thể, nhân dân nói có được biết gì đâu mà giám sát? Sử dụng vốn ngân sách, các quy hoạch, tiêu chuẩn, định mức... mà công khai được càng nhiều càng tốt! Tôi thấy hay lắm!'', ông Yểu hồ hởi nói.

Khoán chi từ Bộ trưởng trở xuống!

Hầu hết các đại biểu đều tán đồng ''khoán sử dụng kinh phí'' có thể giả quyết được tình trạng lãng phí. Bà Tâm Đan nói: ''Tiêu tiền túi thì phải tiết kiệm! Văn phòng Quốc hội khoán kinh phí thì không còn cuộc gọi mấy triệu đồng... Cán bộ lãnh đạo, nhà nước trả tiền điện thoại di động, cơ quan, nhà dùng thừa sức, tuỳ tiện nên tiền điện thoại mỗi tháng lên đến hàng triệu".

Theo bà Tâm Đan, tất cả chi tiêu của cá nhân cán bộ, công chức nên vào lương. ''Dù công khai việc chi cho cán bộ nhiều tiền nhưng chắc chả ai so đo làm gì! Dân thừa hiểu các bác được bao cấp hơn lương rất nhiều! Tôi tin khoán chi kinh phí chắc chắn sẽ tiết kiệm được! Không nói đổ đồng, từ Bộ trưởng trở xuống khoán chi được. Bộ trưởng nước ngoài đi phương tiện công cộng trên đường phố rất nhiều...'', bà Đan thẳng thắn.

Đồng tình với giải pháp này, ông Hồ Đức Việt tiên phong: ''Nếu khoán đưa vào lương, tôi sẵn sàng đi... xe đạp đi làm! Bộ trưởng mà đi ăn sáng, cắt tóc... cũng xe công đưa đón là quan liêu!''. Tuy nhiên, ông băn khoăn, việc khoán chi, tự chủ tài chính, những cơ quan đoàn thể nghèo sẽ khó khăn, và họ sẽ ''lách'' bằng cách ít đi cơ sở. ''Tiêu chí và điều kiện khoán nhất định có thiết kế được không?'', ông đặt câu hỏi.

''Hô hào tiết kiệm nhưng không thưởng, càng tiết kiệm càng khổ! Tiết kiệm không có lợi ích thì ai làm? Trong khi người lãng phí, vi phạm không xử lý'', ông Tráng A Pao băn khoăn:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nhấn mạnh: ''Cần tuyên truyền phổ biến để cán bộ, công chức ''thuộc lầu'' tiêu chuẩn, định mức, biết mình chi quá ''lim'' (giới hạn) đó là sai. Đối tượng sử dụng tiền, tài sản công chủ yếu là Đảng viên, nếu ý thức chấp hành như hiện nay cũng không chấp nhận được!''.

MỚI - NÓNG