Bộ trưởng Tư Pháp Hà Hùng Cường: Nghiêm túc nhìn lại mình

Bộ trưởng Tư Pháp Hà Hùng Cường: Nghiêm túc nhìn lại mình
TP - Trao đổi với báo chí ngay sau khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố, ông Hà Hùng Cường cho biết, ông trân trọng sự đánh giá của các vị ĐBQH. Qua đây, ông sẽ nghiêm túc nhìn lại những việc mình đã làm được cũng như những hạn chế.

> Công bố kết quả tín nhiệm 47 lãnh đạo cao cấp
> Hôm nay Quốc hội công khai kết quả phiếu tín nhiệm

Bộ trưởng, có thể chia sẻ cảm xúc của mình với cử tri, nhân dân sau phiên lấy phiếu tín nhiệm?

Tôi trân trọng sự đánh giá của các vị ĐBQH và cũng là của nhân dân đối với ngành Tư pháp cũng như cá nhân mình. Qua đây, tôi sẽ nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những gì mình đã làm được. Đương nhiên, vẫn còn một số phiếu đánh giá tín nhiệm thấp, mà cũng không phải là ít. Có nghĩa rằng, còn nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận, đánh giá lại nghiêm túc, xem những gì còn yếu kém thì phải chỉnh sửa, cố gắng hơn nữa.

Đối với một số tư lệnh ngành kinh tế, xã hội, số phiếu tín nhiệm thấp còn nhiều, Bộ trưởng suy nghĩ gì về điều này?

Tôi rất chia sẻ. Tôi nghĩ, cũng không phải tất cả là trách nhiệm cá nhân của từng bộ trưởng đó. Thực ra, các bộ trưởng cũng mới nhận nhiệm vụ trong gần 2 năm của nhiệm kỳ này, trong khi sự tồn đọng để lại từ nhiều năm rồi, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng. Tôi rất thông cảm và chia sẻ. Đương nhiên là có phần trách nhiệm cá nhân. Tôi nói không phải giải trình hộ các đồng chí đó đâu, nhưng nhiều khó khăn là khách quan. Các ngành Tài chính, Giáo dục, Y tế cũng còn rất khó khăn.

Số phiếu tín nhiệm dành cho Thủ tướng Chính phủ cũng phản ánh Thủ tướng phải gánh nhiều vấn đề chung của đất nước, thưa Bộ trưởng?

 “Thực ra các bộ trưởng cũng mới nhận nhiệm vụ trong gần 2 năm của nhiệm kỳ này, trong khi sự tồn đọng để lại từ nhiều năm rồi, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng. Tôi rất thông cảm và chia sẻ”.  

Bộ trưởng Hà Hùng Cường

Đúng. Có bao nhiêu vấn đề mà trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ là rất nặng nề. Trong giai đoạn phải nói là kinh tế khó khăn nhất kể từ thời kỳ đổi mới, cả nguyên nhân khó khăn nội tại và khó khăn do bên ngoài tác động, Thủ tướng là người đứng đầu, các vị Bộ trưởng ở từng lĩnh vực cũng phải chung tay chung lòng cùng với Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn. Kinh tế thế giới tốt lên, kinh tế đất nước chuyển biến rõ rệt thì có thể kết quả bỏ phiếu sẽ khác.

Vậy theo Bộ trưởng, trong lần lấy phiếu trong năm tới cần phải rút kinh nghiệm gì?

Sang năm, câu chuyện đầu tiên tôi cho là cần phải xem lại Nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm. Tất nhiên đây là việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 nhưng cũng cần phải xem lấy phiếu đối với chức danh nào. Theo tôi, chỉ cần lấy phiếu các thành viên Chính phủ. Chứ QH lấy phiếu cho các vị trí trong QH cũng không nhất thiết lắm. Cơ chế QH là nghị trường, là nguyên tắc tập thể. Mọi thứ, sự thể hiện cá nhân không thật rõ như bên Chính phủ. Sự tương tác với các ĐBQH tính chất cũng khác nhau, mọi sự so sánh đều rất khó.

Vậy tới đây, có nên áp dụng việc lấy phiếu tín nhiệm và đặc biệt là việc công khai kết quả lấy phiếu trong Đảng, thưa Bộ trưởng?

Trong Đảng đã có quy định, sắp tới sẽ tổ chức lấy phiếu nhưng mức độ công bố đến đâu thì chắc còn chờ hướng dẫn nữa, có thể bắt đầu từ kinh nghiệm của QH. Theo quy định, những người lấy phiếu với chức trách bên Nhà nước sẽ thôi lấy phiếu tín nhiệm bên Đảng. Còn chuyện công khai, theo tôi là nên.

Cảm ơn ông.

Hà Nhân
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.