Bộ trưởng Y tế không nghĩ đến việc từ chức

Bộ trưởng Y tế không nghĩ đến việc từ chức
TPO - "Tôi không nghĩ đến việc từ chức vào thời điểm này",  Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tuyên bố như vậy tại buổi họp báo Chính phủ chiều ngày 29/4, khi trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến trách nhiệm của bà trong phòng chống dịch sởi.

Tại buổi họp báo trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến trách nhiệm trong phòng chống dịch sởi, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bà không nghĩ đến việc từ chức bởi trong thời điểm này, điều quan trọng nhất là tập trung phòng chống dịch, cứu chữa người bệnh, hạn chế những ca tử vong.

“Là người mẹ, Bộ trưởng nghĩ sao khi nhìn những phụ huynh mất con do dịch sởi? Trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng ra sao và Bộ trưởng có lúc nào nghĩ đến việc từ chức?", phóng viên đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Tiến nói: "Cũng là người mẹ, tôi gửi lời chia buồn sâu sắc từ đáy lòng tới những người mẹ có con tử vong trong dịch sởi vừa qua. Cá nhân tôi rất yêu trẻ con. Vào bệnh viện, tôi chỉ thích vào khoa sản bồng trẻ con.

Tôi rất đau lòng, day dứt trước các trường hợp trẻ tử vong vì sởi. Chúng tôi đã rút kinh nghiệm trong công tác truyền thông và trách nhiệm giảm tải, khống chế lây chéo trong bệnh viện.

Còn chuyện từ chức? Thật lòng mà nói, đến thời điểm này, tôi không nghĩ đến việc từ chức.  Vì toàn ngành chúng tôi hiện nay tập trung cho nhiệm vụ tối thượng là giành giật sự sống cho các cháu. Hiện còn hơn 20 cháu nặng đang nằm máy thở ở bệnh viện Nhi TƯ, 7 cháu ở Bạch Mai và 2 cháu đang chạy ECMO ở bệnh viện Nhi TƯ.

Khi vào các bệnh viện này lần thứ 2, tôi đã nói với các bác sỹ rằng bằng mọi cách phải cứu lấy các cháu. Lúc này, toàn ngành chúng tôi từ Thứ trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng kể cả trong ngày lễ cũng tiếp tục đi kiểm tra. Họp xong ở đây chúng tôi lại về họp tiếp Ban chỉ đạo phòng chống dịch ở Bộ; ngày mai lại tiếp tục đi kiểm tra, vẫn phải làm việc. Tất cả các công việc trên đặt mục tiêu tỉ lệ tiêm chủng phải đạt trên 95% với sởi.

Thứ hai là phải chỉ đạo kiểm tra vấn đề tuân thủ các nguyên tắc để giảm tử vong. Rồi tiếp tục tuyên truyền, tới đây nữa còn dịch tay chân miệng ở TP HCM có nguy cơ bùng phát cao. Bệnh tay chân miệng có nguy cơ tử vong cao và nhanh hơn nữa. Dịch có chu kì, chúng tôi sợ chu kì đó quay lại.

Ngoài ra, ngành Y tế còn nhiều việc khác phải làm từ y tế dự phòng, chống dịch … Đây là ngành nhạy cảm, ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của người dân".

Bộ trưởng Tiến chia sẻ: “Tôi được bổ nhiệm Bộ trưởng là qua một quá trình quy hoạch, được sự phân công của Bộ Chính trị, của BCH TƯ, được Quốc hội phê chuẩn. Chúng tôi nghĩ rằng ở vị trí này phải đặt quyền lợi của dân tộc, nhân dân lên trên phấn đấu làm hết sức mình với trách nhiệm, lương tâm và cả đam mê nghề nghiệp để làm sao cống hiến được nhiều nhất. Thế hệ chúng tôi không trải qua chiến tranh, cho nên tôi nghĩ đó cái nợ phải trả cho đất nước, cho dân tộc.

Tất nhiên, trong quá trình làm việc, nếu không đủ năng lực dù đã cố gắng hết sức, hết trách nhiệm, lương tâm và niềm đam mê, nếu theo cấp trên, theo quy trình của cán bộ, tôi không làm được thì tôi nghỉ. Nghỉ một cách hoàn toàn thanh thản, nhẹ nhàng và quay trở về làm công việc nào đó có ích nhất cho đời”.

Bộ trưởng Tiến cho biết, hầu hết các trường hợp mắc sởi do trẻ không được tiêm chủng hoặc được tiêm không đầy đủ, tỉ lệ tiêm chủng thấp so với trước (do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan). Trên thế giới dịch sởi cũng xảy ra phức tạp do không đạt được tỉ lệ tiêm chủng cao. Tỷ lệ tử vong trong vụ dịch lần này tương đối cao, tập trung vào bệnh viên Nhi. 50% tử vong vì sởi sống ở Hà Nội; 30% số bệnh nhân của cả nước cũng ở Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Tiến, bài học lớn nhất mà Bộ Y tế đã rút ra là công tác truyền thông có làm quyết liệt nhưng chưa hiệu quả. "Nếu hiệu quả thì tỉ lệ người dân đi tiêm chủng sẽ nhiều hơn", Bộ trưởng Tiến nói.

MỚI - NÓNG