Bữa tiệc sắc màu từ cánh bướm

Tranh phố cổ
Tranh phố cổ
TP - Được ví như nữ hoàng của các loài côn trùng nhưng cuộc sống của bướm chỉ có vài ngày ngắn ngủi. Làm gì để lưu giữ vẻ đẹp lung linh nhưng lại quá mong manh của cánh bướm? Cô gái tật nguyền Vũ Thị Nguyệt Ánh đã dày công học hỏi, nghiên cứu, tìm câu trả lời thỏa đáng.

Đến thăm khu vườn nuôi bướm và các gian trưng bày tranh bướm tại nhà số 282/2 Trần Phú, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng, chúng tôi bị mê hoặc trước bộ sưu tập bướm sống động, đa dạng sắc màu của nghệ nhân trẻ Vũ Thị Nguyệt Ánh. Tuổi U40, nhưng đã được phong danh hiệu nghệ nhân cách đây 2 năm. Có đến hàng chục loài bướm được nuôi trong vườn, hàng ngàn bức tranh được trưng bày, ký gửi, bán trong nước và cả ở Mỹ, Nhật…

Kiên trì theo đuổi ước mơ

Thuở áo trắng học trò, trong khi bạn bè cùng lứa tung tăng vui đùa, Nguyệt Ánh nhấc cái chân bị tật thơ thẩn ngắm đàn bướm lượn bay, dập dờn bên những khóm hoa, đồi chè… Đồng cỏ quá bao la với một người như Ánh, nhưng cô vẫn kiên nhẫn mai phục, rón rén bắt những con bướm đẹp ép vào trang sách, đính lên các bức hoành phi câu đối, tranh phong cảnh treo trên tường. Người thân, bạn bè và khách đến chơi nhà đều tấm tắc khen, có người nài nỉ mua bằng được để mang về trưng. Tuy nhiên bướm ép nhanh phai màu, dễ gãy rụng.

Nước ta có đến hàng trăm loài bướm đẹp mà bản thân mỗi con bướm là một kiệt tác của thiên nhiên. Chỉ cần tìm cách giữ được sắc màu nguyên thủy của bướm và đưa vào khung kính là thành bức tranh tiêu bản cuốn hút. Với suy nghĩ này, Ánh tìm đến những cơ sở, làng nghề thủ công chuyên nhồi bông động vật để học lỏm cách dùng hóa chất hong khô nhằm giữ cho chim, thú không bị thối, mốc, sau đó về áp dụng trên con bướm. Đầu tiên phải dùng formol để giữ được sắc màu tự nhiên, tươi tắn của cánh bướm, sau đó sử dụng hóa chất để hong khô và tăng độ bền. Khi đưa tiêu bản bướm vào khung kính phải hết sức nhẹ nhàng để giữ lớp lông trên mình và lớp phấn mỏng trên cánh; khéo léo uốn cho cánh hơi khum khum tạo hình giống như các chú bướm đang chớp cánh đậu. Có như thế loại tranh chết này mới lung linh, sống động thu hút người xem.

“Bộ sưu tập của chị dường như có cả những loài đặc biệt quý hiếm như bướm khế, bướm phượng và bướm đuôi dài. Bắt bướm làm tranh thế này liệu có làm chúng tuyệt chủng?”- tôi thắc mắc. “Nhiều người nghĩ chúng tôi chỉ biết khai thác của trời cho nhưng thực tế nguồn nguyên liệu làm tranh chủ yếu từ bướm nuôi. Sưu tầm được những con bướm đẹp là chúng tôi tìm cách nhân giống, phát triển đàn ngay để bảo tồn nguồn gene vì sợ một ngày nào đó chúng sẽ biến mất trong tự nhiên do bị lùng bắt vô tội vạ” - chị đáp.

Những con bướm cái vừa bị “nhốt” trên cành cây là các chú bướm đực lần theo mùi hương tới tấp bay đến giao phối. Bướm đẻ rất nhiều trứng, trứng nở ra sâu, sâu ăn lá cây rồi cuộn lại thành kén, kế đến lột xác ra con nhộng rồi phá kén ra ngoài thành bướm. Nuôi bướm không khó nhưng cần quan sát kỹ lưỡng để nắm rõ nết ăn ở, nhất là thức ăn ưa thích của mỗi loài vì nguồn thức ăn có tác động rất lớn đến sự phát triển cũng như màu sắc của bướm.

Tuy cùng một ổ trứng nhưng khi hóa bướm chúng có màu sắc đậm, nhạt khác nhau vì sâu ăn những loại lá khác nhau. Vườn nhà không đủ diện tích để trồng nhiều loại cây nên Ánh tìm các loại lá ở nơi khác về cho sâu ăn. Bên cạnh đó, chị cũng rất chú trọng khâu lai tạo để có bộ sưu tập bướm phong phú về màu sắc. Hơn chục năm qua, Ánh đã tạo được khá nhiều giống từ bướm tự nhiên và bảo tồn hàng chục loài hiếm, lạ.

 “Phải túc trực thường xuyên, đợi bướm đủ độ cứng và khoe sắc rực rỡ nhất thì bắt vào xử lý, nếu không bướm sẽ bay mất. Thông thường sau khi chui ra khỏi kén khoảng 24 giờ đối với con đực và 48 giờ đối với con cái, bướm sẽ cứng cáp vỗ cánh bay đi” - người chăm khu vườn nói và tiết lộ thêm: màu sắc bướm bắt được ngoài thiên nhiên thường kém rực rỡ so với bướm nuôi vì không được canh bắt đúng thời điểm như thế, mặt khác, quá trình bắt trong rừng và vận chuyển đến nơi tiêu thụ dễ làm rách cánh bướm.

Trong số hàng ngàn con bướm trong vườn và tranh tiêu bản của chị có một số loài nằm trong top đẹp nhất Việt Nam. Nổi bật là bướm khế, loại bướm lớn bậc nhất thế giới với sải cánh trên dưới 30cm, rất được ưa chuộng trong các bộ sưu tập tên tuổi. Bướm chai xanh cũng rất cuốn hút với nền cánh trước màu đen và có một băng giữa cánh màu xanh ngọc; cánh sau cũng có một băng giữa tương tự nhưng nhỏ hơn và sát viền cánh là đốm hình lưỡi liềm duyên dáng. Nhờ có nguồn bướm nuôi mà giá tranh khá mềm, chỉ khoảng 40.000 - 50.000 đồng mỗi bức có một tiêu bản bướm và 200 ngàn - 300 ngàn đồng mỗi bức có nhiều con bướm. Chỉ những bộ sưu tập tranh bướm với hàng chục con mới có giá vài triệu đồng.

Độc đáo tranh ghép từ cánh bướm

Bữa tiệc sắc màu từ cánh bướm ảnh 1

Nghệ nhân Nguyệt Ánh tại gian trưng bày tranh bướm

Số cánh bướm rơi rụng từ quá trình nuôi và làm tranh tiêu bản khá nhiều, bỏ đi quả là lãng phí. Mặt khác làm tranh tiêu bản mãi cũng chán nên Ánh nghĩ đến chuyện dùng sắc màu độc đáo của những cánh bướm để ghép thành tranh. Chế tác tranh kiểu này kỳ công lắm. Vừa nghĩ ra chủ đề của bức tranh là phải ước lượng cần khoảng bao nhiêu cánh bướm, gồm những loại gì, kích thước và màu sắc ra sao để chuẩn bị nguyên liệu.

Nhiều khi phải mất vài ba tháng, thậm chí cả năm ròng mới tìm đủ số cánh bướm trùng khớp với ý đồ sáng tác bức tranh. Kế đến là phác họa tranh lên vải rồi dùng dụng cụ giống chiếc nhíp gắp những cánh bướm đã được xử lý hóa chất ướm thử trên vải rồi dùng keo chuyên dụng dán vào. Nhìn những cánh bướm mong manh nhỏ xíu, có khi chỉ 1-2cm, tôi tự hỏi phải chăng chỉ những người tỉ mỉ, khéo léo như chị mới có thể khiến chúng nằm yên trong khung tranh?

Đôi khi chỉ một cánh bướm nhưng nhiều lúc phải nhiều cánh bướm mới ghép thành một chi tiết của tranh; hàng chục cánh bướm tạo thành mảng khối sắc màu, đường nét sắc sảo hay mờ ảo. Hàng ngàn cánh bướm mới làm nên bức tranh nhưng nhìn không rối mắt vì sự tinh tế trong từng chi tiết, các mảng màu sáng - tối vô cùng hài hòa. Những đóa hoa bằng cánh bướm nhiều lúc còn đẹp hơn hoa thật. Chùm ảnh phố cổ cuốn hút bởi nét rêu phong của những bức tường và sắc vàng hoa phố nhờ sự sắp xếp cánh bướm để phối màu rất tinh tế. Công phu là thế nhưng giá một bức cũng chỉ  từ 500 ngàn đến một triệu đồng, chỉ có những bức hoành tráng làm theo đơn đặt hàng mới có giá trên dưới mười triệu.

Tranh ghép cánh bướm còn cuốn hút người xem vì nét độc đáo từ màu sắc thật của thiên nhiên và vẫn giữ được vẻ lung linh cùng sắc màu nguyên thủy của cánh bướm dẫu đã mười mấy năm trôi qua. Tranh của Ánh từng được trao danh hiệu Tinh hoa Việt Nam, đoạt giải trong cuộc thi sáng tạo mẫu hàng lưu niệm và quà tặng du lịch của tỉnh Lâm Đồng…

Vì mê tranh và đồng cảm sâu sắc với nghệ nhân Nguyệt Ánh mà phóng viên Nguyễn Thị Thùy Dương (29 tuổi) đã nghỉ việc tại một tạp chí và rời Hà Nội vào Bảo Lộc để cùng làm tranh. Dương nói sản phẩm của cơ sở Ánh Kim độc đáo nhưng chưa phát triển đúng tầm. Mình muốn giúp thương hiệu tranh bướm này chiếm lĩnh được thị trường rộng lớn hơn. Sắp tới Ánh Kim sẽ hợp tác với một doanh nghiệp Singapore để xuất khẩu tranh đến một số nước ở Đông Nam Á.

Có gần chục người cùng tham gia các công đoạn nuôi bướm, làm tranh nhưng khâu vẽ phác thảo thì chỉ một mình Ánh đảm trách để cho ra đời hàng trăm bức tranh ghép từ cánh bướm. Từ chân dung con người đến muông thú, hoa cỏ, đồng quê, phố cổ; từ thiếu nữ một mình lẻ bóng đến những đôi uyên ương quấn quýt không rời; từ tranh tả thực, cổ tích đến tranh trừu tượng. Thế mới biết trí tưởng tượng của chị phong phú biết nhường nào.

MỚI - NÓNG