Bước ngoặt kỳ lạ của 'Hùm xám' Tây Nguyên

Tỉnh trưởng Fulro Tounéh Đen đưa vợ con ra hànga
Tỉnh trưởng Fulro Tounéh Đen đưa vợ con ra hànga
TP - Chuyên án mang mật danh Cao nguyên F101 đã dụ hùm xám Nahria Ya Duck và nhiều chỉ huy đầu não ra khỏi hang khiến lực lượng Fulro dần tan rã. Sau chuyên án này, cuộc đời húm xám xoay chuyển 180 độ: trở thành đại biểu đích thực của nhân dân.

Từ đệ nhất Phó Thủ tướng Fulro

Nahria Ya Duck sinh năm 1940 trong một gia đình người Chu Ru tại xã Ka Đô, Đơn Dương, Lâm Đồng, thuở nhỏ đã được học các trường Tây tại Ðơn Dương và Ðà Lạt. Tốt nghiệp hạng ưu Đại học Quốc gia Tài chính ở Sài Gòn, Ya Duck được bổ nhiệm chức Trưởng ty Tài chính Kinh tế Vũng Tàu, sau đó là Trưởng ty sắc tộc Tuyên Đức, thuộc Bộ Phát triển sắc tộc của chính quyền Sài Gòn. Năm 1965, khi mới 25 tuổi, Ya Duck được tham dự Hội nghị các nước Đông Dương diễn ra tại Phnôm Pênh. Cũng trong năm đó, chàng thanh niên Chu Ru này gia nhập lực lượng Fulro (tên viết tắt của Mặt trận thống nhất đấu tranh của các sắc tộc bị áp bức) do Y Bham Enuol sáng lập.

Sau 30/4/1975, thế lực phản động đã hà hơi, tiếp sức biến Fulro thành một tổ chức chính trị vũ trang phản động gây ra hàng loạt cuộc khủng bố đẫm máu ở Tây Nguyên. Ya Duck băng rừng từ huyện Đơn Dương lên Lạc Dương (Lâm Đồng) và được phong Đại tá, Tư lệnh sư đoàn Bidoup, sau đó thăng chức Tư lệnh quân khu 4 - quân khu mạnh nhất của Fulro. Năm 1979, Thủ tướng Fulro là Y Djao Niê (dân tộc Ba-na ở Đắk Lắk) cử Ya Duck làm Phó Thủ tướng thứ nhất đặc trách nội an và ngoại giao. Paul Yưh (người Ê Đê) là Phó Thủ tướng thứ hai đặc trách an ninh quốc phòng.

Bước ngoặt kỳ lạ của 'Hùm xám' Tây Nguyên ảnh 1

Hùm xám Tây Nguyên về quê nhà

Fulro đã ám sát, phục kích, giết hại và làm bị thương hàng ngàn người gồm cả cán bộ, bộ đội, công an và dân thường; tấn công các đơn vị bộ đội, tổ công tác để cướp súng đạn; tập kích vào các cơ quan Đảng, chính quyền đốt phá xe cộ, trụ sở; xâm nhập các cửa hàng và nhà dân để cướp của, đốt kho, đốt nhà; Hàng ngàn người Chăm, Ê Đê, Ja Rai, K’Ho, đặc biệt là thanh niên bị lôi kéo, khống chế, cưỡng bức vào rừng theo Fulro. Ai phản ứng hoặc chống cự đều bị giết rất thê thảm.

Thủ tướng Y Djao Niê mãi bám gót Pôn Pốt bên kia biên giới hòng tìm cách sang nước thứ ba, còn Paul Yưh bị mất uy tín nên Ya Duck dần dần thâu tóm quyền lực. Biệt danh ông lớn hoặc hùm xám Tây Nguyên của Ya Duck có từ thời đó. Sào huyệt của trung ương Fulro từ Đắk Lắk cũng được dời về Lâm Đồng - quê hương của Ya Duck. Đại bản doanh của hùm xám đặt ở hang Ploóc Krong nằm sâu trong dãy núi Bidoup - Núi Bà - Lang Biang.

Theo hồi tưởng của ông Ya Duck, hang Ploóc Krong vô cùng hiểm trở với núi Voi sừng sững, rừng già ken dày che chắn phía trước. Lòng hang có thể chứa cả trăm người và trong hang có một không gian lý tưởng như hành cung dành riêng cho chỉ huy tối cao, xung quanh hang có nhiều vị trí đắc địa để bố trí các trạm gác. Fulro còn cài cắm mạng lưới cơ sở trong các bản làng quanh núi để mật báo cho trung ương kịp thời sơ tán hoặc huy động lực lượng phản công khi có động.

Bước ngoặt kỳ lạ của 'Hùm xám' Tây Nguyên ảnh 2

Vũ khí thu được của Fulro

Một số vị lão thành cách mạng ở Lâm Đồng cho biết, tình thế đó không cho phép ta tấn công trực diện vào hang ổ của Fulro mà phải lập chuyên án F101 để dụ hùm xám và các chỉ huy đầu não ra khỏi hang. Giữa năm 1980, F1 (mật danh trinh sát nằm vùng) và các đặc tình của ta báo cáo: Mâu thuẫn giữa đệ nhất và đệ nhị Phó Thủ tướng Fulro đang rất gay gắt. Nguồn viện trợ ngày càng eo hẹp khiến binh sĩ thiếu ăn, thiếu mặc, giảm nhuệ khí chiến đấu. Ya Duck đã bí mật liên lạc với một đường dây để đưa nhóm Fulro thân tín của mình ra nước ngoài.

Ban chuyên án đã dày công dựng nên một tổ chức hội mang tên Caritas để móc nối, câu nhử Ya Duck tham gia chương trình mang tên xuất dương vì cao nguyên. Bằng những biện pháp nghiệp vụ cực kỳ táo bạo và sau nhiều tình huống căng thẳng đến nghẹt thở, ban chuyên án đã lừa được Ya Duck cùng tay chân thân tín ra khỏi hang rồi tóm gọn trên đường đi. Sau đó thuyết phục Ya Duck viết thư dụ dỗ nhiều nhân vật khác trong trung ương Fulro ra khỏi rừng. Những bức thư đuợc Ya Duck ký với bí danh đặc biệt mà chỉ một số ít nhân vật cộm cán mới biết đã phát huy tác dụng khiến nhiều sĩ quan Fulro khác mắc bẫy. Sau khi đại bộ phận đối tượng cầm đầu bị bắt, lực lượng Fulro dần tan rã, hàng ngàn tên đã ra hàng.

…trở thành Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam, đại biểu Quốc hội

Trung tướng về hưu Trịnh Lương Hy (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục an ninh Bộ Công an, ngày đó là Thiếu tá Trưởng Công an huyện Đơn Dương) cho biết: mang tiếng là Đệ nhất Phó thủ tướng Fulro nhưng Ya Duck chẳng lo được gì cho gia đình. Khi Ya Duck trở về quê hương, Công an huyện phải đề xuất địa phương hỗ trợ gỗ, gạch, tôn… giúp ông cất nhà. Tôi đã giới thiệu ông Ya Duck làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đơn Dương. Sau đó, khi làm Giám đốc Công an tỉnh, tôi lại giới thiệu ông vào chức danh Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Lâm Đồng.

“Có bao giờ Trung tướng thấy chột dạ về sự đề bạt táo bạo của mình?” - tôi hỏi. “Sau nhiều lần tiếp xúc, bằng nghiệp vụ và cả linh cảm, tôi tin ông ấy là người có tài, có tri thức, giữ chữ tín. Ông ấy có uy tín trong cộng đồng, lại thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Do đó khi đi vận động quần chúng, lời nói của ông ấy có sức thuyết phục hơn những người khác rất nhiều” - Tướng Hy tự tin.

“Tôi đã lạc lối nhưng có cơ hội quay về tạo dựng cuộc sống hạnh phúc là nhờ sự khoan hồng của chế độ, sự vị tha của những người từng đối địch và lòng tốt của bà con trong buôn làng. Tôi như được hồi sinh và nguyện cố gắng làm tốt mọi việc tổ chức đã phân công, giúp đỡ những người còn khó khăn, nghèo khổ ”.

Ông Ya Duck

Ông Ya Duck cũng thổ lộ kỷ niệm khó quên của hơn 30 năm về trước: “Khi cán bộ thuyết phục ra làm công tác mặt trận, tôi phát hoảng vì nghĩ rằng làm mặt trận nghĩa là ra chiến trường, lại máu chảy đầu rơi, tên bay đạn lạc, khói lửa tàn khốc…”. Đến khi hiểu ra và nhận nhiệm vụ, ông toàn tâm, toàn ý với công việc; không vùng đất nào của đất nước mà ông chưa đặt chân đến để làm công tác dân vận. Lời nói của ông rất có trọng lượng bởi rút ra từ gan ruột, những chiêm nghiệm sâu sắc rút ra từ chính cuộc đời chìm nổi của mình và những thăng trầm, biến động ở miền đất Tây Nguyên. Bởi thế, không chỉ là ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam 3 khoá liên tục, ông còn vinh dự được dân bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII.

Vầng trán rộng, làn da nâu rắn rỏi, nụ cười sảng khoái, giọng nói vang, không ai ngờ Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng Nahria Ya Duck đã 74 tuổi. Đảm nhận nhiều chức trách, công việc ngập đầu nên hầu như quanh năm suốt tháng ông bôn ba trên đường, mỗi tháng chỉ được về nhà vài ba ngày. “Chú đi nhiều như vậy liệu có mệt mỏi lắm không?” - tôi hỏi. “Cũng mệt chớ vì đã ngoài 70 rồi mà. Tuy nhiên đã nhận nhiệm vụ thì dù khó khăn, vất vả thế nào cũng phải cố gắng hoàn thành” - ông vui vẻ trả lời.

MỚI - NÓNG