“Buộc” trách nhiệm điều tra các vụ cháy, nổ

Xe máy cháy ngổn ngang, trơ khung bên trong hầm tòa nhà CT4A, khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội) sau trận hỏa hoạn vào tối 11/10. Ảnh: Thanh Hà
Xe máy cháy ngổn ngang, trơ khung bên trong hầm tòa nhà CT4A, khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội) sau trận hỏa hoạn vào tối 11/10. Ảnh: Thanh Hà
TPO - ​Bộ Công an vừa ban hành thông tư quy định về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết các vụ cháy, nổ của lực lượng Công an Nhân dân. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/10/2015.

Thông tư gồm 19 Điều, quy định về trách nhiệm của lực lượng PCCC, cũng như chính quyền địa phương trong phối hợp xử lý khi xảy ra cháy. Trong đó nêu rõ, nguyên tắc tiến hành hoạt động điều tra và phối hợp điều tra các vụ cháy nổ phải bảo đảm nhanh chóng, chính xác, khách quan, toàn diện; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Thẩm quyền điều tra các vụ cháy, nổ được xác định theo quy định của pháp luật về tổ chức điều tra hình sự; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Giám định viên, Cán bộ khám nghiệm hiện trường, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng được ủy nhiệm của Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật về mọi hành vi, quyết định và kết luận của mình...

Đơn vị Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh phải chủ trì giải quyết, xử lý ngay từ ban đầu đối với các vụ cháy thuộc một trong các trường hợp không có người chết; có 1 người bị thương; không có yếu tố nước ngoài; diện tích đám cháy dưới 500 m2 hoặc thiệt hại ước tính dưới 3 tỷ đồng (căn cứ thống kê ban đầu). 

Đối với Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về nghiệp vụ; giải quyết các vụ việc cháy, nổ khi có đề nghị của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh; Chủ trì giải quyết, xử lý các vụ cháy có nhiều tình tiết phức tạp khi xét thấy cần thiết. Các đơn vị này khi tiến hành giải quyết, xử lý ban đầu các vụ cháy nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra thì tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật về tổ chức điều tra hình sự. 

Đối với các vụ cháy có dấu hiệu tội phạm khác không thuộc thẩm quyền điều tra thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tổ chức điều tra hình sự.

Thông tư cũng quy định Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh tiếp nhận, tổ chức điều tra các vụ cháy, nổ có dấu hiệu tội phạm khủng bố và các tội phạm khác thuộc thẩm quyền điều tra của mình. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra vụ cháy, nổ thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra, theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh trở lên chủ trì điều tra các vụ cháy, nổ liên quan đến trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và nhà ở của các thành viên các cơ quan này theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, Luật phòng cháy và chữa cháy và bảo đảm phù hợp với quy định của các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong quá trình điều tra, giải quyết nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thụ lý điều tra theo thẩm quyền hoặc chuyển Cơ quan điều tra có thẩm quyền thụ lý điều tra....

MỚI - NÓNG