Buôn lậu ngày càng tinh vi, táo tợn

Thuốc lá lậu được đưa từ Campuchia tập kết tại Bến Xuồng, Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: Hồng Lĩnh.
Thuốc lá lậu được đưa từ Campuchia tập kết tại Bến Xuồng, Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: Hồng Lĩnh.
TP - Buôn lậu dọc biên giới Tây Ninh, Long An, An Giang ngày càng tinh vi, nóng bỏng. Trong khi đó, lực lượng chức năng  mới chỉ bắt, xử lý được đối tượng vận chuyển chưa điều tra, xử lý được đối tượng cầm đầu đường dây.

Nhức nhối từ Bến Xuồng

Nằm cách Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên khoảng 1km là địa danh Bến Xuồng thuộc xã Mỹ Đức, tỉnh Kiên Giang. Bến Xuồng là một đầm nước nhỏ tạo thành đường biên giữa Việt Nam và Campuchia. Người dân ở hai bờ có thể hú gọi cho nhau. Bến Xuồng từ lâu nổi tiếng vì nạn… buôn lậu.

Chúng tôi vừa đến đầu đường Bến Xuồng đã thấy một nhóm khoảng 10 chiếc xe máy chở đầy thuốc lá gầm rú, lao như bay ra quốc lộ 80 hướng về cầu Tô Châu. Chúng tôi tiếp tục chạy thẳng đến Bến Xuồng, 4-5 chiếc thuyền chở đầy thuốc lá lậu quay hướng rẽ về Campuchia, không vội vàng lắm.

Gần đây, cảnh sát giao thông chặn bắt ở cầu Tô Châu quyết liệt nhưng những người buôn lậu vẫn rất liều lĩnh. Các đối tượng buôn lậu bây giờ hoạt động rất bài bản, tinh vi.

Lực lượng Biên phòng bước ra cửa là có người a-lô rồi. Thậm chí có lần họ còn chủ động chặn xe Biên phòng cản đường để buôn lậu tẩu thoát. Trước khi vận chuyển hàng lậu, bọn buôn lậu cũng đã có một hệ thống “vệ tinh” dọc hai bên đường với điện thoại gắn tai nghe thường trực. Buôn lậu cũng linh hoạt, bị đánh đường này lại chạy đường kia.

Năm 2014, các lực lượng tỉnh Kiên Giang đã phát hiện 1.072 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu. Tịch thu hơn 400 ngàn gói thuốc lá ngoại, hơn 2,7 triệu lít dầu DO, hơn 12 ngàn kg đường cát Thái Lan…

Nóng bỏng Tây Ninh

Thực tế Bến Xuồng chỉ là một điểm buôn lậu nhỏ lẻ so với toàn tuyến biên giới hàng trăm km từ Hà Tiên lên tới An Giang qua Long An tới Tây Ninh. Ông Nguyễn Văn Bảy, một người dân ở phường Vĩnh Ngươn (TP Châu Đốc, An Giang chỉ tay sang phía Campuchia, nơi cách nhà ông khoảng 2km nói: Hàng lậu chất đầy kho bên ấy và chỉ có đưa sang Việt Nam tiêu thụ chứ đi đâu.

Hàng lậu tuôn chảy ngày đêm qua các địa bàn như: mương Sáu Nhỏ, rạch Cây Gáo, rạch Chắc Ri rồi tập kết vào các khu vực thuộc khóm Vĩnh Chánh 1,2,3 (phường Vĩnh Ngươn) và khóm Vĩnh Chánh, Vĩnh Phú, khóm 7 (phường Châu Phú A)… Tui thấy các lực lượng đuổi bắt hoài nhưng làm không lại.

Thượng tá Bùi Trung Dũng, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm Bộ đội Biên phòng An Giang cho biết: Trong khi mặt hàng thuốc lá được xé nhỏ vận chuyển để tránh bị khởi tố hình sự thì buôn lậu đường cát lại được tổ chức rất bài bản.

Do đường biên nhiều đoạn ngăn cách chỉ bởi một con sông, nên gần đây có hiện tượng đường cát của Thái Lan được tập trung sát biên giới, sau đó xả ra đóng gói bao bì với nhãn mác, hóa đơn “đeo lon” các Cty mía đường ở Hậu Giang, Sóc Trăng, thậm chí cả Quảng Trị.

Vấn đề này, ông Đinh Văn Tươi, Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam không bán hàng cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh ở khu vực biên giới, trong đó có An Giang.

Trong khi đó tại khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh buôn lậu cũng đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Các mặt hàng gia tăng trong dịp gần Tết này là thuốc lá điếu, rượu ngoại, sữa, đường cát,…

Hàng lậu được tuồn qua biên giới bằng cách xé nhỏ, vận chuyển bằng xe máy qua các con đường mòn dân sinh, ngụy trang bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, sau đó tập kết trong nội địa tỉnh Tây Ninh rồi chuyển về các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM…để tiêu thụ.

Ông Huỳnh Văn Đức, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh, Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 Tây Ninh cho biết, mặc dù Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã quyết liệt đấu tranh, phối hợp với các cơ quan liên ngành đã kéo giảm đáng kể tình hình buôn lậu qua biên giới tuy nhiên thực tế vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là các khu vực giáp ranh tỉnh Long An và trục lộ QL 22 vẫn còn nhiều băng nhóm chuyên nghiệp vận chuyển hàng hóa nhập lậu.

Cũng theo ông Đức, công tác đấu tranh chống buôn lậu chủ yếu là bắt giữ, xử lý đối tượng vận chuyển, chưa điều tra và xử lý được đối tượng cầm đầu đường dây, ổ nhóm buôn lậu có giá trị lớn.

Theo Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, tình hình buôn lậu, vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp. Thuốc lá nhập lậu chủ yếu qua khu vực biên giới của các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tây Ninh, Quảng Trị.

Hà Nội và TPHCM là nơi buôn bán, tiêu thụ thuốc lá nhập lậu lớn nhất. Năm 2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra gần 13.400 lượt, xử lý hơn 8.900 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 25 tỷ đồng, tịch thu khoảng 2 triệu bao thuốc lá các loại...

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.