Buồn vui 'liệt sĩ' trở về

(Từ phải sang): Vợ chồng “liệt sĩ” Nguyễn Đình Dầu và bà Nguyễn Thị Hoàn trong căn nhà xuống cấp. Ảnh: Kiến Nghĩa
(Từ phải sang): Vợ chồng “liệt sĩ” Nguyễn Đình Dầu và bà Nguyễn Thị Hoàn trong căn nhà xuống cấp. Ảnh: Kiến Nghĩa
TP - Hai năm qua, tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên có hai “liệt sĩ” đột ngột trở về quê nhà sau nhiều năm lưu lạc. Hai “liệt sĩ” có những điểm giống nhau khá ngẫu nhiên, nhưng sau khi trở về, câu chuyện của họ có những buồn vui khác nhau.

Tôi trở lại xã Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên, gặp lại “liệt sĩ” Nguyễn Đình Dầu. Khác với lần gặp đầu tiên, lần này, ông Dầu và bà Nguyễn Thị Hoàn (chị gái của ông) phải đưa tôi đi vòng vèo phía sau mới vào được nhà ông. Lối đi cũ hiện có một hàng rào sắt chặn lại. Bà Hoàn buồn rầu nói: “Cậu Dầu về với gia đình đã hơn hai năm mà chưa có nhà ổn định để ở. Do những khúc mắc không thể đặng đừng về nhà đất, em tôi buộc phải kiện em trai Nguyễn Ngọc Anh ra toà”.

Cách đây hơn hai năm, tại ngôi nhà này, tôi được chứng kiến không khí vui tươi của mẹ và chị em bà Hoàn khi mới đón “liệt sĩ” Nguyễn Đình Dầu trở về (chi tiết câu chuyện này đã được nêu trong phóng sự “Lại chuyện liệt sĩ trở về sau 36 năm” đăng trên Tiền Phong năm 2014 - PV).

Chuyện diễn ra khi đầu năm 2014, ông Nguyễn Ngọc Anh bất ngờ nhận được thư ông Nguyễn Đình Dầu gửi từ tỉnh An Giang. Trong thư, ông Dầu kể chuyện mình đi bộ đội, bị mất trí nhớ, nay được người giúp đỡ mới hồi tưởng được phần nào và viết thư về nhà. Dựa theo số điện thoại ghi trong thư, bà Hoàn gọi điện và gặp bà Nguyệt, một đồng hương miền Bắc sống tại An Giang, người đã giúp ông Dầu nhớ lại sự việc và gửi thư về nhà.

Khi trò chuyện với ông Dầu, bà Hoàn được biết, sau khi nhập ngũ năm 1978, em trai cùng đơn vị sang chiến đấu tại Campuchia, rồi bị sức ép đạn pháo dẫn đến mất trí nhớ và lạc đơn vị. Sau nhiều ngày lưu lạc, ông Dầu tới xã Tà Đảnh (Tri Tôn, An Giang), được người dân địa phương cưu mang, lập gia đình và sống tại đó.

Sau lần trò chuyện đó, nhờ bà Nguyệt giúp đỡ, ông Dầu về được quê nhà sau 36 năm xa cách. Mọi người trong gia đình bà Hoàn rất mừng; cụ Nguyễn Thị Nụ, mẹ ông Dầu, khi đó đã 91 tuổi, cứ nắm tay con hỏi: “Sao bao năm nay con không về để đến nỗi trở thành liệt sĩ?”… Nhưng thật không ngờ, ngày vui gặp mặt này lại là khởi đầu cho chuyện buồn về sau.

Kiện tụng

Câu chuyện trở về thực tại khi bà Hoàn đưa tôi xem lá đơn ông Dầu khởi kiện em trai. Đọc đơn, tôi không khỏi thảng thốt, nhưng ngẫm lại thấy đây là điều dễ xảy ra. Số là sau cuộc gặp “liệt sĩ” Dầu nói trên chừng nửa năm, tôi bất ngờ nhận được đơn của cụ Nguyễn Thị Nụ gửi tới tòa soạn. Trong đơn, cụ Nụ viết rằng, sau khi trở về một thời gian, ông Dầu đưa vợ con về xã Phương Chiểu sinh sống. Ở gần nhau, mâu thuẫn phát sinh khiến ông Anh lập hàng rào không cho gia đình anh trai ở phía trong đi theo lối cũ, nên ông Dầu phải đục tường để ra ngoài.

Bất ngờ trước tin này, tôi lập tức trở lại nhà ông Dầu để tìm hiểu sự việc. Thay lời mẹ, bà Nguyễn Thị Hoàn cho biết: Sau khi ông Dầu được công nhận liệt sĩ năm 1994, nhà đất của cha mẹ bà chủ yếu được chuyển cho ông Anh sở hữu và được cấp sổ đỏ năm 1996. Nay ông Dầu trở về, cụ Nụ yêu cầu ông Anh để lại căn nhà cũ bố mẹ ở trước đây cho anh trai, đồng thời bớt một phần diện tích làm lối đi chung.

“Do nhà đất cậu Anh đang sở hữu giáp với đường quốc lộ, nên chuyện bớt lối đi đồng nghĩa với việc bớt một phần mặt đường nên cậu không nhất trí, mà chỉ đồng ý để gia đình anh trai ở căn nhà cũ phía trong và đi lối khác. Thấy mẹ tôi nhất quyết yêu cầu phải bớt lối đi, cậu Anh đã lập rào chắn khiến gia đình cậu Dầu phải đi nhờ qua đất người khác mới ra được ngoài đường. Cực chẳng đã, mẹ tôi phải gửi đơn ra xã nhờ chính quyền giải quyết”, bà Hoàn cho biết.

Hôm đó, rời nhà “liệt sĩ” Nguyễn Đình Dầu, tôi tới UBND xã Phương Chiểu để tìm hiểu rõ sự việc. Ông Chủ tịch xã Phương Chiểu cho biết: “Nhận được đơn của cụ Nụ, UBND xã đã mời các bên lên làm việc nhưng qua hai lần hòa giải đều không thành”. Theo biên bản do xã Phương Chiểu cung cấp, khi hoà giải, ông Anh nói chỉ nhường phần nhà phía sau cho anh trai, còn nhà đất ngoài mặt đường là do ông có công vượt lập nên không thể cắt cho ông Dầu. Còn cụ Nụ vẫn bảo lưu ý kiến của mình. Chính quyền xã Phương Chiểu qua đó đành tuyên bố hòa giải không thành.

Sau những biến cố trên, giờ lại có dịp về đây, tôi thấy “liệt sĩ” Nguyễn Đình Dầu trông già hơn hai lần trước tôi gặp ông. Qua hỏi chuyện, được biết, ông Dầu đã được chuyển hộ khẩu về xã Phương Chiểu; do giấy tờ mất hết nên việc giải quyết chế độ cho ông chưa tiến triển. “Liệt sĩ” giờ mới được hưởng trợ cấp vài trăm ngàn một tháng do được xác định bị khuyết tật trí tuệ. Vợ ông Dầu hiện ở nhà nội trợ, trong khi hai người con trai thất học cũng chỉ kiếm sống bằng lao động giản đơn.

Cuối năm 2014, thấy căn nhà em trai ở quá dột nát, bà Hoàn làm đơn đề nghị các cấp hỗ trợ thêm để ông Dầu làm lại nhà. Trước sự việc này, Đảng ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc xã Phương Chiểu đã có báo cáo đề nghị cấp trên hỗ trợ ông Dầu. Tuy nhiên, do những khúc mắc về chuyện nhà đất nói trên, việc hỗ trợ này đến nay chưa có kết quả.

Bà Hoàn cho biết, cụ Nụ mất năm ngoái, khi những khúc mắc về nhà đất trong gia đình chưa được giải quyết xong. Là chị cả trong nhà, bà Hoàn tiếp tục gửi đơn đến các cấp đề nghị giải quyết sự việc. Sau đó, UBND thành phố Hưng Yên có văn bản giải quyết đơn, trong đó yêu cầu UBND xã Phương Chiểu tổ chức hòa giải giữa các bên theo quy định của Luật Đất đai, nếu không thành thì hướng dẫn gửi đơn đến tòa án để giải quyết theo thẩm quyền. Chính quyền xã Phương Chiểu lại tổ chức hòa giải nhưng vẫn bất thành. Vì vậy, ông Dầu làm đơn khởi kiện em trai để đòi quyền thừa kế. Tòa án nhân dân thành phố Hưng Yên đã nhận được đơn của ông Dầu.

Cưu mang

Rời nhà ông Dầu, tôi đến xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) cách đó ngót chục cây số để tới nhà “liệt sĩ” Cao Xuân Tước. Năm ngoái, khi biết “liệt sĩ” Tước trở về, tôi đến gặp và có phản ánh chi tiết trong phóng sự “Liệt sĩ trở về sau 37 năm lưu lạc” trên Tiền Phong Chủ Nhật, nay xin nhắc qua đôi chút để tiện theo dõi. Tháng 4/2015, ông Cao Xuân Khanh (trú tại xã Tân Hưng) bất ngờ nhận được thư của ông Cao Xuân Tước gửi từ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông Tước là em ông Khanh, bặt tin sau lần về phép thăm nhà năm 1978, được công nhận liệt sĩ năm 1990.

Đọc thư, ông Khanh vội cử người em khác là Cao Văn Khuê đến xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) để gặp ông Tước. Sau khi nhận ra người thân, ông Khuê đưa ông Tước về quê nhà Tân Hưng gặp lại mẹ (cụ Đặng Thị Thuận, khi đó 90 tuổi) và người thân trong gia đình. Biết chuyện, tôi đến gặp "liệt sĩ" Tước và được nghe kể về hành trình trở về của ông.

Số là sau khi trả phép năm 1978, ông Tước theo đơn vị sang chiến đấu tại Campuchia. Trong quá trình chiến đấu, ông bị sức ép, lạc đơn vị và mất trí nhớ. Sau một thời gian lưu lạc, năm 1981, ông Tước đến xã Bình Châu, được người dân địa phương cưu mang, lập gia đình và sống ở đó. Gần đây, con dâu của ông Tước luôn thắc mắc về quê nội của cha nên thường hỏi ông về chuyện này. Dần dần, ông Tước nhớ được một số điều, như tên anh trai, địa chỉ gia đình nên viết thư về nhà. Sau khi “liệt sĩ” Tước trở về, gia đình ông làm đơn báo cáo chính quyền địa phương, nộp lại bằng Tổ quốc ghi công theo đúng thủ tục.

Lần trở lại này tôi chỉ gặp được ông Khanh. Ông Khanh cho biết, ông Tước đã về nhà tại xã Bình Châu và gia đình em trai sẽ không chuyển ra Bắc sống. Điều này khiến tôi nhớ lại trong lần gặp trước, ông Khanh nói rằng, nếu ông Tước chuyển về quê nhà sống thì ông sẽ cắt đất để em trai làm nhà, rồi huy động mọi người giúp đỡ thêm để gia đình em nhanh chóng ổn định cuộc sống. Trước một việc lớn như vậy, “liệt sĩ” Tước chưa thể trả lời. Tuy vậy, ông vẫn nấn ná ở lại nhà với mẹ mà chưa định ngày trở lại Bình Châu. Có lần cụ Thuận nói với con trai: “Ngày mẹ vui nhất là khi thấy con trở về. Bây giờ, mẹ mãn nguyện rồi”. Một thời gian sau, cụ Thuận mất. Chịu tang mẹ xong, ông Tước mới trở lại Bình Châu.

Buồn vui 'liệt sĩ' trở về ảnh 1

(Từ trái sang)  Ông Cao Xuân Khanh, “liệt sĩ” Cao Xuân Tước và gia đình ông Tước tại xã Bình Châu. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Sau khi ông Tước về nhà, ông Khanh thu xếp một chuyến tới Bình Châu. Ông bảo mình cần tới đây, trước là để cảm ơn những người đã giúp em mình trong những năm qua, sau để biết gia đình ông Tước sống ra sao. Tới Bình Châu, ông Khanh có dịp gặp ông Tòng Văn Quại - một đồng đội cũ của ông Tước và biết thêm một số điều về em mình.

Một hôm, khi ông Tước đến bến xe miền Đông thì bị kẻ gian lấy cắp hết tư trang và giấy tờ tùy thân. Đang lúc ngơ ngẩn, ông Tước may mắn gặp ông Quại. Khi hỏi chuyện, ông Quại biết ông Tước đã mất trí nhớ, lại không còn giấy tờ tùy thân nên chẳng biết quê đồng đội ở đâu. Cuối cùng, ông Quại mời đồng đội về nhà mình ở xã Bình Châu. Tại đây, ông Tước được mẹ ông Quại cưu mang, nhận làm con nuôi rồi gả cháu gái cho, nên ông ở lại nơi này từ đó đến nay.

Do gia cảnh nghèo, cách đây vài năm, gia đình ông Tước được chính quyền xây cho ngôi nhà tình thương. Còn do mất giấy tờ nên ông Tước chưa được hưởng chế độ gì. “Sau khi gặp gia đình trở về, Tước làm đơn xin chính quyền địa phương xác nhận về bản thân trong thời gian sống tại xã Bình Châu, nay đưa tôi giữ đơn này để sử dụng khi cần”, ông Khanh cho biết.

Xem nội dung đơn với xác nhận của UBND xã Bình Châu, được biết ông Tước cư trú tại đây từ năm 1981, chưa mắc sai phạm gì, hiện đã nhập hộ khẩu ở nơi này và được cấp chứng minh nhân dân. “Việc giải quyết chế độ cho Cao Xuân Tước hiện rất khó khăn vì em tôi đã mất hết giấy tờ. Tuy nhiên, với xác nhận của xã Bình Châu, tôi thấy vui vì biết em mình đã sống ổn định tại đây nhiều năm”, ông Khanh nói. Rồi ông cho biết: “Cách đây một thời gian, khi giỗ đầu mẹ tôi, chú Tước đã đưa vợ về quê để dự giỗ mẹ và nhận anh em, họ hàng ngoài Bắc”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.