Buýt nhanh nghìn tỷ nguy cơ vỡ trận: Vì sao buýt nhanh thành ‘rùa’

Buýt nhanh nghìn tỷ nguy cơ vỡ trận: Vì sao buýt nhanh thành ‘rùa’
TPO - Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (Ban QLDA) vừa gửi văn bản thông tin một số vấn đề xung quanh dự án xe buýt nhanh (BRT).

Hoạt động trái luật để an toàn?

Ban QLDA này lý giải việc BRT hoạt động trái Luật Giao thông Đường bộ (đỗ bên trái - PV): “Trong quá trình thiết kế được thực hiện bởi tư vấn nước ngoài, các thông số kỹ thuật áp dụng cho tuyến BRT tại Hà Nội phù hợp với các tiêu chuẩn chung về BRT của các nước trên thế giới. 

Vì vậy, theo thiết kế các nhà chờ được bố trí tại khu vực dải phân cách giữa 2 làn đường và BRT sẽ lưu thông theo làn dành riêng sát nhà chờ. Việc bố trí này là hợp lý và giống như các tuyến BRT trên thế giới hiện nay. 

Mặt khác, do đặc thù giao thông Hà Nội, nếu bố trí nhà chờ ở vỉa hè bên phải như xe buýt thông thường và làn đường BRT đi bên phải (sát vỉa hè) sẽ gặp các cửa hàng, cửa hiệu và các ngõ phố, dẫn đến nhiều giao cắt. Điều này không những hạn chế hiệu quả của BRT mà còn có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông”.

Buýt nhanh nghìn tỷ nguy cơ vỡ trận: Vì sao buýt nhanh thành ‘rùa’ ảnh 1

Đại diện chủ đầu tư cũng thừa nhận dự án chậm tiến độ, nhưng cho biết không làm tăng mức đầu tư. Điều khó hiểu là tính dự báo về mật độ giao thông lại được giải thích: “Dọc hành lang tuyến BRT, hiện tại lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn, vượt nhiều lần so với dự báo khi lập và phê duyệt dự án do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. 

Tuyến BRT khi đưa vào vận hành thử nghiệm cuối năm 2016 được điều chỉnh rút kinh nghiệm cũng như tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, của các chuyên gia...”. 

Thực ra, theo các chuyên gia giao thông, nếu dự án đúng tiến độ, ít nhất đã hoạt động và giúp giảm tải giao thông từ nhiều năm trước (đáng lẽ người dân được sử dụng BRT từ 5-7 năm trước-PV). 

Chưa kể, vì chậm tiến độ, nhiều hạng mục tiền tỷ đã hoàn thành như nhà chờ, đường chạy riêng… bị xuống cấp. Những thiệt hại này, ai phải chịu trách nhiệm?

Cuối năm sẽ vận hành thử

Đại diện chủ đầu tư dự án này cũng cho biết, sẽ vận hành thử nghiệm vào cuối năm nay. Đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành khoảng 80% so với kế hoạch đề ra. Cụ thể các gói thầu đã hoàn thành bao gồm: Xây dựng trạm đầu cuối bến xe Yên Nghĩa; Xây dựng và lắp đặt cầu vượt cho người đi bộ (giai đoạn 1); Mua sắm và lắp đặt thiết bị tại khu bảo dưỡng, sửa chữa trong bến xe Yên Nghĩa (khu 4.000m2)...

Được biết, BRT là một trong ba hợp phần thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được thực hiện từ nguồn vốn ODA (vay Ngân hàng Thế giới-WB). Với kinh phí 53,5 triệu USD, BRT hướng tới xây dựng một tuyến xe buýt có dịch vụ chất lượng cao gồm nhiều hạng mục (xây dựng hạ tầng, hệ thống 21 nhà chờ). 

Trạm đầu cuối và ga depot tại bến xe Yên Nghĩa, bến xe Kim Mã; đoàn xe gồm 35 chiếc được thiết kế hiện đại; xây mới 8 cầu đi bộ, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông ưu tiên qua các nút giao, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống thẻ vé thông minh (hiện vẫn chưa biết có được sử dụng hay xé vé thường-PV)...

PV Tiền Phong đã liên lạc với WB từ đầu tuần này, nhưng hiện vẫn chưa có câu trả lời liên quan. Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư lại khẳng định: “Việc triển khai hợp phần BRT thực hiện theo đúng các thủ tục đấu thầu quốc tế và chịu sự giám sát chặt chẽ của WB”.

PV Tiền Phong đã liên lạc với Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung về loạt bài BRT và thái độ của người có trách nhiệm qua số điện thoại đường dây nóng công khai với báo chí. Tuy nhiên, Chủ tịch Chung chưa có hồi âm. Được biết, Chủ tịch Chung đang bận công tác xa.

MỚI - NÓNG