Ca sĩ xóm

Bà Đào Kim Yến (ảnh nhỏ) nhập vai “ca sĩ xóm” để tự chữa bệnh (ảnh lớn).
Bà Đào Kim Yến (ảnh nhỏ) nhập vai “ca sĩ xóm” để tự chữa bệnh (ảnh lớn).
TP - Từ lời khuyên độc đáo của bác sĩ, một phụ nữ ở nội thành Buôn Ma Thuột đã bất đắc dĩ trở thành “ca sĩ xóm”. Ba năm hát karaoke đều đặn sáng chiều mỗi ngày đã biến bà thành người khác trước, vui vẻ, khỏe mạnh hơn xưa...

Hẻm Bùi Thị Xuân nội thành Buôn Ma Thuột có địa chỉ cắt tóc làm móng của cô Thay, vừa khéo tay vừa bình dân, xuề xòa, gần gũi nên luôn đông khách. Nhiều người chuyển cư rời xóm đi nơi khác đã lâu, thỉnh thoảng vẫn chạy xe máy hay đi xe buýt một vài chục cây số về đây gội đầu thư giãn.

Con hẻm dài tuyệt nhiên không có loại hàng quán ăn nhậu hay ồn ào, một bên là những căn nhà nhỏ tựa san sát vào nhau, một bên là khuôn viên hoang vắng xanh rờn cỏ cây của Cty Cấp thoát nước đã dời trụ sở. Tận dụng đất hoang, một ông lão cặm cụi ra phát dọn, gieo bắp đậu khoai mè, mùa nào thức ấy.

Trong khi ông lão mải mê làm vườn, ngày ngày bà lão ngồi nhà hát karaoke.

Bà hát say sưa, bài nọ tiếp bài kia, nhạc vàng tím đỏ đủ màu nối nhau không dứt. Ngày khỏe bà hát sáu, bảy tiếng. Ngày yếu cũng sáng chiều mỗi buổi cả chục bài. Ông cần cù cuốc xới bao nhiêu, bà nhẫn nại hát hò bấy nhiêu. Khách ngồi quán cô Thay bất đắc dĩ hứng trọn giọng ca cơm nguội của bà, nghe mãi thành êm tai, mặc nhiên gọi bà là “ca sĩ xóm”. Ngày nào không nghe bà hát lại lo bà ốm mất rồi.

Bữa nọ, từ quán cô Thay, phóng viên lò dò bước sang làm quen. Căn nhà nhỏ dành hẳn khoảng phòng khách đặt giàn karaoke vi tính cho bà luyện giọng. Bà hào hứng chào mời: “Chọn bài, ca với cô cho vui đi em!”. Bà cởi mở kể chuyện. “Ca sĩ xóm” dân miền Tây, tên Đào Kim Yến, năm nay đã 65 xuân. “Cô sắp dự thi Tiếng hát mãi xanh hả?”, “Thi thố gì em, cô ráng ca cả ngày cho khỏi bị cứng hàm đó”.

Cô con dâu ngồi bệt dưới sàn nhà đút cơm cho con, nhanh nhảu kể: “Mẹ chồng em mấy năm trước bị mỏi cơ hàm và thần kinh tọa, mỗi lần trở trời, người co rút, hàm cứng lại không mở được. Khám chữa ở Đắk Lắk không xong, phải xuống Sài Gòn, người ta chỉ tới bác sĩ giỏi một phòng khám răng hàm mặt tư nhân ở quận Tân Bình. Bác sĩ chẩn đoán bà bị “loạn năng khớp thái dương hàm”, khuyên về ráng tập nói, hát hò cho nhiều để hàm khỏi bị dính. Tính bà đâu có nói nhiều, về nhà biết nói cái gì suốt ngày được? Chồng em nghĩ ra cách mua dàn karaoke này về để bà tập. Từ đó tới nay 3 năm rồi. Cả nhà ủng hộ bà ca. Nhờ zậy, mà bà hát càng ngày càng hay, huyết áp cũng không bị tăng cao như trước nữa”.

Bà Yến xác nhận: “Lúc đầu chồng con biểu tui hát karaoke, tui ngại quá. Mình hát có hay ho gì đâu mà bắt cả nhà, cả xóm nghe. Nhưng hổng hát, hổng nói thì hàm cứng lại, há miệng khó lắm. Ca riết thành quen, người khỏe ra, thấy vui, ăn ngon ngủ ngon, bệnh tật giảm hẳn. Thấy ổng lụi cụi cuốc xới thu hoạch, mình ngồi ca cũng kỳ, tui ra phụ việc, ổng gạt đi, nói bà cứ ca cả ngày để khỏi vô viện là cả nhà mừng rồi”.

Phóng viên vào mạng, gõ “Loạn năng khớp thái dương hàm” vào các website y tế, đọc: “Thống kê tại các nước phát triển cho thấy, khoảng 10% dân số mắc chứng bệnh này. Bệnh nhân thường bị đau ở vùng quai hàm hoặc khớp thái dương hàm. Việc chẩn đoán và điều trị muộn có thể dẫn tới hỏng khớp, tiêu các đầu xương, gây xơ cứng khớp. Bệnh lý này ban đầu gây đau các cơ vận động hàm, sau đó gây tổn thương khớp thái dương hàm, làm nhuyễn sụn khớp, rồi thoái hóa và có thể dẫn đến dính khớp thái dương hàm....”. Phần điều trị không phẫu thuật chỉ thấy nhắc cụm từ “lý liệu pháp”, phân tích “đời sống tâm lý và sinh lý là 2 thành phần không thể tách rời của tình trạng đau”, chứ không trang nào cho biết có chỉ định điều trị bằng cách ca hát.

Phóng viên liên hệ với hai chuyên gia răng hàm mặt nổi tiếng ở hai đầu đất nước để hỏi về cách chữa bệnh của bà Yến. Cả hai vị, giáo sư Hoàng Tử Hùng ở TPHCM và PGS.TS Phạm Như Hải ở Hà Nội đều bật cười bảo về y thuật, các ông chưa từng nghe, chưa từng giảng cho y sinh hoặc chỉ định ai ca hát để tự chữa bất cứ bệnh gì về khớp hàm. Tuy nhiên, GS Hùng nói: “Với trường hợp bà Yến, sau 3 năm trường kỳ cầm mic mà bệnh giảm hẳn, thì rõ là liệu pháp ca hát phù hợp với bà, ít nhất về mặt tâm lý”. TS Hải cho rằng, quá trình hát đã giúp bà Yến luyện hơi một cách tự nhiên, mà điều này thì tốt cho sức khỏe người lớn tuổi.

MỚI - NÓNG