Cái chết trắng ám ảnh buôn làng

Kim tiêm giăng đầy hẻm 43 Ama Khê - Đinh Núp. Ảnh: Thiên Thảo
Kim tiêm giăng đầy hẻm 43 Ama Khê - Đinh Núp. Ảnh: Thiên Thảo
TP - Số người nghiện ma túy tăng đều hàng năm là thực trạng rất đáng báo động ở nhiều tỉnh thành chứ không riêng gì Đắk Lắk. Nhưng điều đáng nói là cao nguyên yên bình trước kia chưa từng phải cảnh giác với đủ loại biến tướng của tệ nạn này mọi nơi, mọi lúc như bây giờ. Phố phường nhan nhản biển báo coi chừng trộm cắp. Làng quê nhiều nơi tăm tối mãi với quá nhiều thảm cảnh trong cái chết trắng…

Tan cửa nát nhà

Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) có 11 dân tộc, phần lớn từ các tỉnh phía Bắc di cư vào, chủ yếu là trồng lúa và hoa màu. Cuộc sống trên vùng đất mới lẽ ra no ấm, bình yên, nếu tệ nạn ma túy không len lỏi vào từng căn hộ dẫn đến thảm trạng thất học đói nghèo, vợ chồng chia ly, con trẻ mồ côi thiếu vắng tình thương của cha mẹ...

Tiếp phóng viên, vẻ mặt ông Y - Kuối Rcăm - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kuêh, nơi có tỉ lệ lớn dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào, hằn nỗi ưu tư. Ông cho biết : Vì tệ nạn ma túy lan khắp nên thành lập chưa đầy 9 năm, Ea Kuêh đã là xã trọng điểm phức tạp về an ninh của huyện.
Chúng tôi vào tận Thác Đá - thôn có số người buôn bán, sử dụng ma túy nhiều nhất xã Ea Kuêh, riêng năm nay đã có 3 người chết vì ma túy.

Trưởng thôn Vi Văn Tuấn đưa chúng tôi đến nhà chị Hải đúng lúc gia đình đang cúng 49 ngày cho chồng chị - một người nghiện lâu năm. Anh T. đã liều mượn xe của bạn cầm lấy tiền mua thuốc, rồi phần sợ công an bắt, phần bí bách nợ nần, anh T. rời bỏ tuổi 46 và một vợ 3 con bằng cách uống thuốc diệt cỏ tự tử. 

“Mỗi lúc lên cơn là nó la hét, đánh đập vợ con, hút thuốc xong là nó lại đi lang thang cả ngày ngoài đường rồi về nhà nằm như xác không hồn. Có con chó nó còn rình mang đi bán. Bò còn gửi được chứ chó mèo có gửi được đâu”.

Chị Y Dih

Ngồi trong chiếc chiếu trải trước bàn thờ nghi ngút khói hương, chị Hải kể lại cảnh chồng lên cơn “khát” thuốc mà vẫn rùng mình căm hận ma lực của cái chết trắng đã khiến gia đình chị tan nát. Chị nghẹn ngào: Ông ấy sử dụng hêrôin từ năm 2008, từ đó gia đình lâm vào cảnh khốn khổ. Hai đứa lớn đều nghỉ học sớm đi làm thuê. Mỗi lần cai nghiện mất ít nhất cả tháng, mẹ con tôi phải thay nhau canh chừng, không làm ăn gì được. Ông ấy đã 3 lần cai nghiện nhưng không thoát nổi!

Cái chết trắng ám ảnh buôn làng ảnh 1

Chị Y Dih trải lòng chuyện chồng nghiện hút

Khổ không kém là nhà chị Y Dih có chồng là Vi Văn Kím 30 tuổi ở buôn Xê Đăng. Trong căn nhà vỏn vẹn 20m2 trống hoác chẳng có vật gì đáng giá ngoài 2 chiếc giường ọp ẹp, 4 đứa trẻ nheo nhóc, lấm lem. Bế đứa con chưa đầy 4 tháng tuổi đang khóc đòi bú, chị Y Dih trải lòng: Cả nhà trông cả vào 100 gốc điều đến nay đã chết hơn nửa. Từ khi Kím sa vào ma túy, cuộc sống gia đình chẳng được chút bình yên. Có mỗi chiếc xe máy cà tàng đi rẫy, Kím cũng bán mất, khiến cả nhà như người cụt chân, không đi đâu xa được. 

Lúc không chống chọi được với cơn nghiện, bất cứ cái gì còn sót lại từ máy phát cỏ tới chai thuốc trừ sâu, thậm chí con chó chưa kịp lớn Kím cũng lén lút xách đi cầm miễn là có tí tiền qua cơn vật. Năm ngoái, Nhà nước hỗ trợ bò giống để làm ăn, chồng dọa mang đi bán, chị phải gửi sang ngoại. Do buộc dây không đúng cách, con bò mẹ quấn dây thừng vào cổ chết, chị Y Dih khóc mấy ngày liền. “Mỗi lúc lên cơn là nó la hét, đánh đập vợ con, hút thuốc xong là nó lại đi lang thang cả ngày ngoài đường rồi về nhà nằm như xác không hồn. Có con chó nó còn rình mang đi bán. Bò còn gửi được chứ chó mèo có gửi được đâu”.

Nóng về người nghiện ma túy không kém thôn Thác Đá, thôn 15 gần bên có nhà bà Phương tới 6 người sa vào ma túy, trong đó 3 người lãnh án tù còn 3 người phải vào trại cai nghiện, con cái phải nhờ cậy nội ngoại trông nom...

Quản không xuể!

Theo danh sách quản lý của Công an xã thì Ea Kuêh có 24 đối tượng buôn bán, sử dụng hêrôin. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, thực tế số người nghiện cao hơn, vì còn nhiều đối tượng sử dụng ma túy chưa bị phát hiện. 

Cái chết trắng ám ảnh buôn làng ảnh 2 Cảnh giác với các đối tượng nghiện trộm cắp. Ảnh: Thiên Thảo
“Tệ nạn ma túy ở xã Ea Kuêh đã có từ lâu nhưng nhức nhối nhất là 3 năm trở lại đây, số lượng người nghiện và tình trạng buôn bán không hề giảm. Năm nào cũng từng đó người cứ đi về là lại nghiện trở lại. Chưa kể những đối tượng nằm ngoài danh sách bị nghi ngờ nhưng chưa có cơ sở xác định”, ông Cao Xuân Luật - Phó trưởng Công an xã Ea Kuêh cho biết. Ông cho rằng những hạn chế, kẽ hở trong quy định, ý thức phòng chống yếu kém của những người “muốn dùng thử” ma túy là nguyên nhân chính dẫn đến số người nghiện không ngừng tăng.

Việc quản lý người nghiện cai tại cộng đồng cũng như đối tượng sau cai bội phần phức tạp. Nhất là từ khi có Nghị định 221 quy định xã phường theo dõi các đối tượng nghiện cai tại gia nửa năm không hiệu quả mới chuyển lên tuyến trên. Địa phương càng chật vật trong công tác quản lý. Bởi, khi nghi ngờ đối tượng nghiện, trạm y tế xã không đủ khả năng để xét nghiệm và cũng không có kinh phí để đưa đi cai.

Ông Nguyễn Danh Ngãi, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn 15 kể: Mỗi lần đến vận động các đối tượng đều nghe họ thề thốt đã cai nghiện thành công, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Nhiều gia đình có nguyện vọng muốn đưa người nhà vào Trung tâm cai nghiện nhưng khi nghe thông báo phải nộp 6-7 triệu đồng, đều lắc đầu bó tay! Hầu hết các nhà có người nghiện đều phải chạy miếng ăn từng bữa, lấy đâu ra tiền triệu mà đi cai?

Những lãnh địa đen

Ngay trong nội thành Buôn Ma Thuột, những đoạn hẻm vắng rợp bóng cây hoặc nghĩa trang khuất bóng người đều là các điểm hẹn lý tưởng để các đối tượng nghiện tụ tập, mua bán hay tiêm chích ma túy cho nhau. 

Cái chết trắng ám ảnh buôn làng ảnh 3 Những ống bơm kim tiêm còn đỏ máu
Nghe phóng viên báo Tiền Phong hỏi về đoạn hẻm nối giữa Ama Khê - Đinh Núp có đoạn dây điện thoại cắm đầy bơm kim tiêm còn vương máu của các đối tượng nghiện ma túy, ông Nguyễn Đình Quốc - Trưởng công an phường Tân Lập (TP Buôn Ma Thuột) cho biết: Đoạn hẻm đó là một điểm đen người nghiện thường rủ nhau tụ tập tiêm chích, dù công an phường vẫn thường xuyên tuần tra, mật phục. Tân Lập dù chưa phải là điểm nóng nhất về người nghiện như các phường Thành Nhất, Hòa Phú, nhưng cũng đã có tới 40 đối tượng phải theo dõi, quản lý. Theo hướng dẫn mới về cách xử lý người nghiện: bắt lần thứ nhất chỉ xử lý hành chính, lần 2, giáo dục tại xã phường từ 3-6 tháng, trong thời gian đó nếu tái phạm mới chuyển tòa án xử, ra quyết định đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc của tỉnh…

Vài năm trở lại đây, trong lòng phố cao nguyên hiền hòa đã xảy ra nhiều vụ trọng án cướp của, giết người tàn bạo, mà thủ phạm đều liên quan đến tệ nạn ma túy. Trên nhiều đoạn phố sầm uất đã thấy gắn những biển báo nhắc người qua lại phải cảnh giác nạn nghiện móc túi, giật dọc, khiến không ít cư dân bản địa lo lắng, bất an về nỗi tệ nạn ma túy len lỏi, xâm hại vào từng góc phố vốn đẹp đẽ, bình yên. 

Nhằm kìm hãm sự gia tăng về tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tăng cường tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, Giám đốc công an tỉnh Đắk Lắk nhiều chương trình, kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh công tác phòng chống, tổng rà soát người nghiện trên địa bàn tỉnh; triển khai nhiều đợt cao điểm trấn áp tội phạm; Tăng cường kỹ năng phòng ngừa cho xã hội; xử lý người nghiện v.v...

Thượng tá, Hoàng Tùng Diễn, Phó trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Năm 2014 tình hình tệ nạn ma túy và tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn biến phức tạp hơn so với những năm trước. Số các đối tượng liên quan đến ma túy tăng so với năm trước, kéo theo hoạt động phạm tội diễn biến phức tạp. Hành vi trồng trái phép cây cần sa dù bị quyết liệt ngăn chặn vẫn cứ tái diễn tại các địa bàn trọng điểm như: TP Buôn Ma Thuột, huyện Ea H’leo, huyện Ea Kar, huyện Krông Năng…


MỚI - NÓNG