Cám cảnh xe chờ đường ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Xe tải và xe máy chen chúc qua cầu Rạch Chiếc (TPHCM). Cây cầu vừa được đầu tư xây mới với kinh phí gần 1.000 tỷ đồng nhưng đã quá tải.
Xe tải và xe máy chen chúc qua cầu Rạch Chiếc (TPHCM). Cây cầu vừa được đầu tư xây mới với kinh phí gần 1.000 tỷ đồng nhưng đã quá tải.
TP - Ngày 25/5, tại tọa đàm “Đầu tư cho giao thông Nam bộ”, nhiều chuyên gia cho rằng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp hơn 42% GDP, 60% ngân sách quốc gia và chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu cả nước, nhưng tốc độ phát triển hạ tầng giao thông rất chậm, cần ưu tiên nguồn lực nhiều hơn cho khu vực này.

Xe chờ đường

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM than: Vận chuyển hàng hóa ở khu vực Nam bộ cực lắm. Đường hẹp, xấu mà hàng hóa cần vận chuyển lại rất lớn. Xe tải bây giờ hầu hết là loại xe đầu kéo container, xe trọng tải từ 30 tấn trở lên, trong khi đường giao thông hẹp và xấu như… đường làng, chỉ đáp ứng được khoảng 30%-40% nhu cầu vận chuyển.

“Dân trong nghề như chúng tôi thường nói đùa là xe chờ đường, trái ngược với tình trạng đường chờ xe tại nhiều tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Tình trạng ùn tắc giao thông thường xảy ra vào dịp cuối tuần, lễ, tết… Từ TPHCM đi TP Cần Thơ, đoạn đường chỉ dài khoảng 170 km, trong đó có 40 km đường cao tốc nhưng nhiều hôm phải mất hơn 5 tiếng chạy xe”, ông Quản nói.

Theo một số chuyên gia giao thông, hệ thống giao thông khu vực các tỉnh Nam bộ đã được quan tâm đầu tư. Một số cây cầu lớn được xây dựng thay thế phà như cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống được xây mới, thay thế phà ngang sông. Nhiều đoạn tuyến thuộc QL 1A, QL 51… được cải tạo, nâng cấp, mở rộng.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông các tỉnh phía Nam không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế. Trong tổng số 746 km đường cao tốc được đầu tư đưa vào sử dụng trên cả nước, khu vực phía Nam chỉ có gần 100km. Một số dự án đường cao tốc quan trọng của khu vực phía Nam như Trung Lương - Cần Thơ chậm triển khai.

Khu vực Nam bộ có hoạt động sản xuất, kinh doanh năng động nhất nước. Vùng TPHCM (gồm 8 tỉnh, thành: TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang) chiếm  hơn 42% GDP, gần 60% ngân sách quốc gia và gần 40% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Sự đầu tư “lệch pha” không đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, cản trở sự phát triển của vùng và cả nước.

Tránh đầu tư dàn trải

Các chuyên gia cũng chỉ ra trong bối cảnh nợ công đang tăng cao, nguồn vốn đầu tư cần được cân nhắc, chắt chiu và nên ưu tiên đầu tư vào những nơi, những lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất.

Theo TS Hà Ngọc Trường, Chủ tịch Hội Cầu - đường- cảng TPHCM, việc đầu tư hạ tầng giao thông khu vực phía Bắc được ưu ái hơn rất nhiều so với khu vực phía Nam. Cần bớt đầu tư dàn trải ở phía Bắc, nhường một phần nguồn vốn để đầu tư cho phía Nam. Ngoài ra, Chính phủ cần có cơ chế thoáng hơn, “mở” hơn cho phía Nam quyền chủ động xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Theo Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM Nguyễn Văn Tám, vấn đề hệ trọng hiện nay là cân đối nguồn lực quốc gia như thế nào cho hợp lý. Vùng TPHCM đang thiếu các tuyến đường huyết mạch, đường vành đai.

Đường vành đai 2 chưa khép kín, vành đai 3 mới triển khai 1- 2 đoạn, vành đai 4 còn nằm trên giấy. Các con đường hướng tâm, quốc lộ, tỉnh lộ lẽ ra phải được đầu tư từ lâu nhưng do thiếu vốn nên chưa triển khai đồng bộ.

“Vừa qua 2 tuyến đường cao tốc TPHCM- Long Thành- Dầu Giây; TPHCM- Trung Lương sau khi đưa vào khai thác lưu lượng xe tăng lên cao và đang có dấu hiệu quá tải. Trong thời gian tới kết nối giao thông vùng để hình thành đô thị vệ tinh xung quanh TPHCM rất cần thiết đầu tư đường cao tốc, mở rộng các tuyến quốc lộ giữa TPHCM với các tỉnh lân cận”, ông Tám nói.

Theo ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, để giải quyết tình trạng quá tải về giao thông của TPHCM nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung, Chính phủ nên ưu tiên tập trung các nguồn vốn từ ngân sách, vốn vay cho phát triển hệ thống giao thông khu vực Nam bộ.

Với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam, nên ưu tiên vốn cho phát triển hệ thống đường cao tốc tại khu vực Nam bộ và tạo cơ chế ưu đãi cho các địa phương chủ động kêu gọi xã hội hóa, đầu tư cho phát triển hệ thống giao thông.

“TPHCM là nơi có quỹ đất hấp dẫn các nhà đầu tư. Chính phủ nên cho phép thành phố chủ động khai thác quỹ đất bằng hình thức đấu giá đất để tạo nguồn thu cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Các địa phương khác cũng phải chủ động kêu gọi đầu tư bằng nhiều giải pháp như cải cách thủ tục hành chính, các chính sách hỗ trợ đầu tư...”, ông Trí đề xuất. 

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM đánh giá, tầm nhìn quy hoạch giao thông của khu vực phía Nam tuy có nhưng do thực hiện không đồng bộ, nhiều quy hoạch phá sản và phải làm lại rất tốn kém, làm chậm sự phát triển của các tỉnh phía Nam.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.