Cắm chữ chốn thâm sơn cùng cốc: Tột cùng Nậm Tột

Bản làng người Mông ở xã rẻo cao Tri Lễ. Ảnh: Quang Long
Bản làng người Mông ở xã rẻo cao Tri Lễ. Ảnh: Quang Long
TP - Trên chóp núi mù sương, không điện thắp sáng, không đài, không tivi, 6 thầy giáo chen chúc nhau trong túp lều, miệt mài đưa chữ lên núi cho các em học sinh người Mông. Đường vào Nậm Tột còn gian nan, nguy hiểm gấp bội phần từ ngã ba Châu Thôn vào Mường Lống (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An).

“Đi mây về gió” 

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4 Lang Văn Nhàn hỏi tôi có muốn vào sâu hơn trong rừng để thăm các thầy không? Nhìn mây đen vần vũ, nghĩ đến một cơn mưa rừng bất chợt trút xuống sẽ cắt đứt đường về, có thể bị cô lập trên núi, nhưng tôi vẫn liều gật đầu. Thầy Hiệu trưởng dắt xe ra cổng, chật vật trèo lên dốc. 

Từng 10 năm chinh chiến rừng núi Quang Phong, vừa được Phòng Giáo dục (GD) huyện Quế Phong điều về Tri Lễ cuối năm ngoái, tuổi cao nhưng sức thầy vẫn khỏe. Thầy Nhàn bước đi thoăn thoắt,  trước khi đi không quên gọi thêm một đồng nghiệp hỗ trợ. 

“Mỗi lần ra khỏi trường, dù vào nơi sâu hơn hay ra thị trấn, ít nhất phải có 2 người cùng đi, trời mưa thì phải theo đoàn 4-5 người. Đường núi không biết mô mà lần, ngộ nhỡ xảy ra chuyện chi còn cứu được nhau”, Hiệu trưởng Lang Văn Nhàn bảo.

“Nhiều gia đình bố mẹ phải lên rẫy, để con nghỉ học ở nhà trông em, không cho đến lớp. Nếu không đến từng nhà vận động, học sinh nghỉ hết, thầy dạy ai?!”.

Thầy Lô Văn Tài

“Ôm thật chặt nhé!”, thầy Quyền, Hiệu phó dặn. Xe nổ máy, tôi ngồi sau ôm chặt lấy người cầm lái, nín thở, bắt đầu chinh phục đoạn đường khổ ải nhất trên hành trình, đường vào Nậm Tột. Vực sâu hun hút chạy ngược chiều gió, những mảnh rừng vỡ ra, trần trụi, lem luốc. Tiếng gió xé vi vút bên tai. Xe lao dốc nhanh như tên bắn. Có đoạn phải chầm chậm bò lên đỉnh núi, nhích từng mét, từng mét một. Đường núi khúc khuỷu quanh co, những vực sâu hoắm cứ nối dài. Đá núi lởm chởm chắn lối đi, thầy Quyền nắm chắc tay lái liên tục lạng lách qua đá núi thoát hiểm. “Sợ không?”. “Toát mồ hôi. Mà gần tới nơi chưa, thầy ơi?”. “Còn lâu!”. Tiếng thầy Quyền lẫn trong tiếng gió xé bên tai.

Cắm chữ chốn thâm sơn cùng cốc: Tột cùng Nậm Tột ảnh 1 Thầy giáo Nậm Tột nướng cá, chuẩn bị bữa ăn trưa.

Phía sau, Hiệu trưởng Lang Văn Nhàn vẫn bám sát. Hai chiếc xe máy rồ ga, trườn lên dốc. Tôi ôm chặt lấy Quyền, chốc chốc lại bị hất ra phía sau lưng, lơi tay một chút là có thể văng xuống hẻm núi. “Nhông xích hỏng suốt, cứ vài tháng lại phải thay xích một lần”, Quyền nói. 

Hầu như ngày nào các thầy “cắm bản” cũng phải di chuyển bằng xe máy, khi thì vào sâu trong rừng hái măng, khi thì gõ cửa từng nhà dân vận động trẻ đến trường, dầm trong gió lạnh, sương mây. Leo dốc nhiều, tuổi thọ của những chiếc xe máy chuyên băng rừng ngắn lại. 

Thầy Nhàn hiệu trưởng kể, ngoài bản lĩnh điều khiển xe máy trèo đèo vượt thác, mỗi giáo viên miền núi còn phải là một thợ sửa xe lành nghề. Giữa đường nổ lốp, hỏng xe xung quanh không một bóng người, các thầy lấy đồ nghề ra tự sửa, tự khắc phục. Trong cốp xe, chiếc nào chiếc nấy ngổn ngang dây chạc, ca lê, mỏ lết, đồ vá săm, không thiếu thứ gì. Hỏi thầy Quyền mang theo cuộn dây làm chi, anh bảo đề phòng giữa rừng xe đồng nghiệp hỏng, nếu không sửa được thì buộc lại kéo nhau về trường.

Vời vợi Nậm Tột

Điểm trường Nậm Tột, hai túp lều cheo leo trên đỉnh núi. Một lều dành cho thầy, một dành để dạy chữ cho các em học sinh người Mông, gồm bốn phòng học.  “Nơi đây ít bị ảnh hưởng bởi gió Lào. Mùa hè, chỉ nắng một chút vào ban trưa, về chiều đã bắt đầu lạnh. Mùa Đông sương mù, giá rét bủa vây đêm lẫn ngày”, thầy Quyền nói khi xe vừa chạm dốc.

Tôi nhìn quanh, khung cảnh im lìm. Trước cổng trường có khúc gỗ bắc ngang, rỗng ruột, vòi dẫn nước từ trên đỉnh núi ngang qua thân gỗ, nhỏ từng giọt. Không có chậu rửa, các thầy lấy khúc gỗ đục đẽo thành cái máng dùng để rửa chén bát. Bên trong đọng sót mấy hạt cơm nguội.

Chợt có tiếng trẻ lao xao. Một tốp học sinh quần áo lấm lem ùa ra, trên tay các em xách cặp lồng, ca nhựa dùng để đựng nước, cơm, xôi. “Mỗi tuần hai buổi các em ăn trưa tại trường. Đó là hai buổi cơm có thịt, mỗi em được hưởng 15.000 đồng. Cơm, xôi các em mang từ nhà đến, thức ăn do các thầy mua về nấu giúp”, Hiệu trưởng Lang Văn Nhàn giải thích. 

Chui vào túp lều vừa là nơi tá túc, vừa là bếp ăn của 6 thầy giáo người Mông, một lúc sau tôi đã phải chạy ra sân vì bên trong quá nhiều khói. Nơi tột cùng heo hút Tri Lễ (Quế Phong), học sinh chưa bao giờ được nhìn thấy cô giáo, điểm trường Nậm Tột chỉ toàn giáo viên nam. Miền rừng xa tít, không có cô giáo nào dám lên đây “cắm bản”.

“Mùa mưa, đi vận động học sinh trở lại trường mới cực- thầy Lô Văn Tài (quê Cắm Muộn, Quế Phong) kể- đường nhão nhoét, ra khỏi sân phải dò từng bước, toàn phải đi vào ban đêm vì cả ngày bố mẹ các em học sinh phải đi làm rẫy. Nhiều gia đình bố mẹ phải lên rẫy, để con nghỉ học ở nhà trông em, không cho đến lớp. Nếu không đến từng nhà vận động, học sinh nghỉ hết, thầy dạy ai?!”. 

Mùa mưa miền rừng, 9-10 giờ sáng mới thấy mặt người, rét căm căm. Sáu giáo viên nam chen chúc nhau trên 3 chiếc giường, để chống chọi với giá rét các thầy phải nằm với nhau từng cặp, ôm nhau cho đỡ lạnh. Một chiếc chăn bông không đủ ấm, các thầy phải đắp đúp hai chăn bông mà vẫn lạnh. Cứ mỗi vỏ chăn lồng vào hai ruột bông, dùng kim khâu lại. “Nhiều đêm, đắp hai chiếc chăn vẫn run cầm cập. Trên này rét thấu xương!”, thầy Lỳ Bá Cử cho biết.

Trường Nậm Tột “nhiều không” có vẻ hơn trường trung tâm bản Mường Lống. Không trạm xá, không điện thắp sáng, không đài, không tivi, không mảy may bóng dáng nữ giáo viên. Sau mỗi tiết dạy là chuỗi thời gian dài lê thê. “Mùa măng đắng, chúng em vào rừng hái măng đắng; mùa măng giang thì đi lấy măng giang. Rau rừng ở đây cũng khan hiếm. 

Hôm nắng ráo, bọn em rủ nhau xuống suối quăng chài bắt cá, kiếm thêm tí thức ăn cải thiện”, thầy Thò Bá Trừ bảo. Tôi hỏi Hiệu trưởng Lang Văn Nhàn chế độ cho giáo viên “cắm bản” có gì khác so với vùng thấp hơn không, thầy Nhàn trả lời: “Anh em giáo viên dạy học ở trường trung tâm Mường Lống và 5 điểm lẻ khác gồm Huôi Xái 1, Huôi Xái 2, Muôi Mới 1, Huôi Mới 2 và Nậm Tột, chính sách đều như các trường ở gần trung tâm xã Tri Lễ, không được hưởng gì hơn!”.

Cắm chữ chốn thâm sơn cùng cốc: Tột cùng Nậm Tột ảnh 2

“Siêu thị ĐT”, điểm đón sóng vệ tinh hiếm hoi trên núi.

Các thầy giáo cắm bản dò được điểm đón sóng điện thoại di động ngay trước túp lều của mình, tọa độ cố định đó được đánh dấu bằng một chiếc hộp gỗ kê trên hai cái cọc, nom như chiếc “chuồng cu”. Hằng ngày, mỗi lúc cần nhắn tin, a lô ra ngoài, các thầy phải mang điện thoại đặt vào chiếc “chuồng cu”, để một lúc lâu mới bắt được sóng, nhưng muốn nói chuyện phải mở loa ngoài, vì nhấc máy ra khỏi “chuồng cu” là mất sóng, tín hiệu tắt ngấm. Bên trong cái chuồng bé xíu, các giáo viên ngộ nghĩnh viết dòng chữ bằng phấn trắng: “Siêu thị điện thoại”. 

Ánh sáng cuối rừng

“Mai, chắc trời hửng nắng. Tranh thủ sau tiết dạy ta vô suối kiếm ít cá về ăn nhé”, thầy Xồng Thống Lỳ trở mình, nói với sang giường bên cạnh. Ngoài hiên, gió thổi từng cơn, gió mang theo hơi lạnh từ thung lũng thốc ngược lên chóp núi, tấm liếp bằng ván gỗ mỏng rung lên từng đợt. Đêm hoang liêu, mảnh trăng cuối rừng bạt gió, leo lét xiên qua lỗ thủng trên mái nhà hắt xuống nền đất ẩm ướt. Thảng hoặc có tiếng gà rừng bên kia núi le te gáy cầm canh.

Dưới ánh sáng đèn dầu, những gương mặt sạm đen vì mưa nắng thiêm thiếp vùi trong giấc ngủ. Túp lều “đựng chữ” bình yên nép mình trên chóp núi, sự xuất hiện của những người thầy nơi đại ngàn sâu thăm, tiếng trẻ ê a học bài mỗi sáng mai, đã mang lại ánh sáng, hơi ấm cho bản làng người Mông heo hút giữa sơn cùng thủy tận. Tôi hỏi thầy Lang Văn Nhàn, nếu có một ước muốn, thầy sẽ ước gì? Thầy Nhàn bảo: “Chỉ ước có thêm vài tấm pin mặt trời để thắp sáng ở 5 điểm trường Nậm Tột, Huôi Xái, Huôi Mới”.

Đêm hoang liêu, mảnh trăng cuối rừng bạt gió, leo lét xiên qua lỗ thủng trên mái nhà hắt xuống nền đất ẩm ướt. Thảng hoặc có tiếng gà rừng bên kia núi le te gáy cầm canh.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.