Cấm nhiều loại xe trên đường có buýt nhanh hoạt động

Xe buýt BRT lăn bánh tại Bến xe Yên Nghĩa. Ảnh: Như Ý
Xe buýt BRT lăn bánh tại Bến xe Yên Nghĩa. Ảnh: Như Ý
TPO - Liên ngành Sở GTVT và Công an vừa đưa ra phương án điều hành, tổ chức giao thông cho buýt BRT. Theo đó, có nhiều loại xe trong đó có cả xe máy bị cấm lưu thông trên một đoạn đường có buýt nhanh (BRT) hoạt động.

Theo phương án số 1560 về việc điều hành, tổ chức giao thông cho buýt BRT hoạt động vừa được liên ngành Hà Nội báo cáo lãnh đạo thành phố, hiện liên ngành đã sơn vạch liền kết hợp phản quang để bố trí một làn đường dành riêng bên trái cho buýt BRT hoạt động. 

Các trục đường có bố trí một làn đường dành riêng để buýt BRT hoạt động, gồm: Ba La – Quang Trung – Lê Trọng Tân, đường trục Bắc Hà Đông – Tố Hữu – Lê Văn Lương – Láng Hạ - Giảng Võ – nút Giao Văn Minh – Cát Linh, tổng chiều dài 12,2 km; các đoạn không bố trí làn đường dành riêng (buýt BRT chạy chung với các phương tiện khác), gồm: Yên Nghĩa – ngã ba Ba La, Giang Văn Minh – Kim Mã và Kim Mã – Giảng Võ, tổng chiều dài 2,5 km.

Cùng với việc lập làn đường dành riêng, trên các trục đường buýt BRT đi qua, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ cấm một số loại phương tiện, trong đó có taxi, xe tải thậm chí xe máy. 

Cụ thể, đối với xe ô tô chở khách và ô tô tải từ 0,5 tấn trở lên, cấm hoạt động trong giờ cao điểm sáng từ 6 – 9h, chiều từ 16h30 -19h30 trên các tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông, đoạn từ Lê Trọng Tấn đến nút Tố Hữu – Vạn Phúc, trừ các xe công vụ. 

Đối với taxi, cấm hoạt động trong giờ cao điểm, sáng từ 6 – 9h, chiều từ 16h30 – 19h30 trên tuyến đường Giảng Võ – Láng Hạ - Lê Văn Lương. Với xe máy, xe thô sơ: cấm đi trên 2 cầu vượt nhẹ Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng trong giờ cao điểm, sáng 6-9h, chiều 16-19h30, ngoài ra xe tải cũng được cấm toàn thời gian đi trên 2 cây cầu này khi buýt BRT hoạt động.

Camera ghi lại hình ảnh xử phạt nguội

Liên quan đến 6 tuyến buýt truyền thống đang hoạt động trên đường Giảng Võ – Lê Văn Lương lâu nay, đại diện liên ngành Hà Nội cho biết, khi buýt BRT đi vào hoạt động, 6 tuyến buýt này cũng được điều chỉnh, chuyển đi sang các tuyến phố khác để không trùng đường với buýt BRT.

Liên ngành cũng cho biết, trong thời gian buýt BRT hoạt động, Thanh tra, CSGT, công an và lực lượng tự quản của chính quyền địa phương sẽ tham gia điều hành, hướng dẫn giao thông cho các phương tiện di chuyển trên dọc hành lang tuyến buýt BRT.

Từ làn đường dành riêng đã kẻ vạch sơn vạch liền, khi buýt BRT hoạt động, nếu ô tô, xe máy đi vào hoặc lấn làn, đè vạch sơn đều bị xử phạt lỗi đi sai làn. 

Cùng với lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông làm nhiệm vụ trên đường, dọc hành trình buýt BRT hoạt động đã được đơn vị thực hiện dự án trang bị hệ thống camera giám sát, ghi lại hình ảnh, do vậy nếu phương tiện vi phạm sẽ bị lực lượng làm nhiệm vụ xử phạt xử phạt nguội.

Hiện Sở GTVT đã chuẩn bị là 29 xe buýt với thiết kế hiện đại, tiện nghi để phục vụ buýt BRT chạy thử nghiệm từ 15/12. Các xe buýt BRT có thời gian hoạt động từ 5 đến 22h hàng ngày. Theo ông Hà Huy Quang, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, từ ngày 15/12 đến ngày 31/12/2016 liên ngành tổ chức vận hành thí điểm 1 xe chạy lộ trình trên. Từ ngày 1/1/2017, chính thức vận với tổng số 29 xe (bao gồm cả xe dự phòng) và người dân được tiếp cận, làm quen xe buýt BRT miễn phí trong 1 tháng đầu.
MỚI - NÓNG