Cán bộ 'biến mất', xử lý thế nào?

TP - Thời gian qua, dư luận xôn xao về một số vụ cán bộ các cơ quan đột nhiên “biến mất”, như vụ 3 cán bộ lãnh đạo OceanBank chi nhánh Hải Phòng, vụ ông Lê Tùng Lâm (Đội trưởng Thanh tra giao thông Thanh Xuân, Hà Nội)...

Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, các vụ việc trên cho thấy một “mẫu số chung” là những cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã sử dụng biện pháp “biến mất” không lý do dẫn đến vi phạm kỷ luật công tác hoặc thậm chí vi phạm pháp luật hình sự dẫn đến việc phải truy nã toàn quốc hoặc quốc tế. “Nếu nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp luật thì đây là những sự việc riêng lẻ, mỗi sự việc lại có những quy định pháp luật khác nhau để điều chỉnh. Trong trường hợp người “mất tích” là cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước thì rõ ràng hành vi nêu trên đã vi phạm Luật Công chức, viên chức và vi phạm kỷ luật của các đơn vị mà họ công tác” – luật sư Tuấn Anh nói.

Cũng theo luật sư Tuấn Anh, đối với các vi phạm nhẹ thì có thể bị khiển trách hoặc cảnh cáo, nặng thì có thể xử lý bằng hình thức buộc thôi việc. Trong trường hợp người nghỉ việc không có lý do là cán bộ, nhân viên của các tổ chức kinh tế, không phải là cơ quan Nhà nước và các bên xác lập với nhau bằng hợp đồng lao động thì Luật Lao động hiện hành là căn cứ để xử lý họ và hình thức nặng nhất là sa thải. “Trong trường hợp những người này có dấu hiệu phạm tội hoặc đã bị khởi tố bị can do phạm tội hình sự thì pháp luật về Hình sự và Tố tụng hình sự sẽ được áp dụng với các đối tượng bỏ trốn và ở đây biện pháp truy nã toàn quốc hoặc truy nã quốc tế” – luật sư Tuấn Anh cho biết.

Luật sư Tuấn Anh cũng cho rằng, pháp luật đã rõ ràng, nhưng thời gian vừa qua, việc tự ý nghỉ việc, bỏ trốn, không tuân thủ quy tắc làm việc tại cơ quan đang như một trào lưu được sử dụng khá phổ biến khi cá nhân có sự việc xảy ra mặc dù chỉ là sự việc dân sự hết sức bình thường.

Về xử lý kỷ luật Đảng, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho biết, các trường hợp đảng viên tự ý bỏ sinh hoạt, bỏ tổ chức Đảng thì họ sẽ bị xử lý kỷ luật Đảng đầu tiên. Từ hình thức kỷ luật về Đảng sẽ đưa ra hình thức kỷ luật về chính quyền nếu người vi phạm là công chức, viên chức nhà nước, theo Luật Công chức, viên chức.

Buộc thôi việc cán bộ “mất liên lạc”

Ngày 21/9, UBND quận 1 (TPHCM) cho biết, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1 (TPHCM) đã ký quyết định buộc thôi việc đối với ông Nguyễn Chí Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình với lý do tự ý bỏ việc suốt một thời gian dài.

Trước đó, ngày 2/7, ông Việt xin nghỉ phép 2 ngày (3-4/7) để giải quyết việc gia đình. Khi hết phép, sáng 5/7, ông này không đến cơ quan, cán bộ phường đã liên lạc qua điện thoại cá nhân và tìm đến nhà ông Việt nhưng không gặp. Ông Việt có nhờ người đến nộp đơn xin thôi việc. Tuy nhiên, đơn nộp không đúng quy trình, sai quy định. Sau khi xin ý kiến hướng dẫn từ Sở Nội vụ, HĐND TPHCM để xử lý, UBND quận 1 đã thành lập hội đồng kỷ luật và đã thống nhất với đề xuất hình thức kỷ luật buộc thôi việc ông Việt.

Văn Minh

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.