Nông dân bán đảo Cà Mau bơi trong nước biển dâng - Bài 4:

Cán bộ đi đầu…phá vỡ qui hoạch?

Nguyễn Tùng Chơn, một người dân ấp Nam Quí, xã Nam Thái có 4ha lúa đang ngắc ngoải do nhiễm mặn. Ông Chơn nói: “Do nhiễm mặn, toàn bộ rễ cây lúa đã bị thối, đen hoàn toàn và chắc chắn lúa sẽ chết”.
Nguyễn Tùng Chơn, một người dân ấp Nam Quí, xã Nam Thái có 4ha lúa đang ngắc ngoải do nhiễm mặn. Ông Chơn nói: “Do nhiễm mặn, toàn bộ rễ cây lúa đã bị thối, đen hoàn toàn và chắc chắn lúa sẽ chết”.
TP - Cuộc chiến lúa - tôm đang diễn ra gay gắt tại nhiều địa phương ven biển thuộc bán đảo Cà Mau và huyện An Biên (Kiên Giang). Điều đáng nói, nhiều cán bộ địa phương được cho là đi “tiên phong” khơi mở cuộc chiến ấy.

Cán bộ “tiên phong”

Năm 2007, gia đình ông Phạm Chí Thương, công an ấp Nam Quí, xã Đông Thái (huyện An Biên)  bắt đầu phá lúa, đào ao nuôi tôm. Ông Thương được xem là cán bộ đầu tiên ở địa phương này phá vỡ quy hoạch trồng lúa để nuôi tôm. Thấy làm ăn được, ông Thương kéo 2 người em là Phạm Chí Mến và Phạm Chí Công cùng phá lúa, đưa nước mặn vào ruộng nuôi tôm.

Theo thống kê của địa phương, đến nay ấp Nam Quí đã có 29 hộ nuôi tôm với tổng diện tích 45,8 ha. Diện tích nuôi tôm càng tăng thì diện tích trồng lúa càng bị thu hẹp, và theo đó diện tích lúa chết do ảnh hưởng mặn cũng ngày một tăng nhanh. Nhiều người phải bỏ hoang ruộng vì nhiễm mặn quá mức cho phép. Lợi dụng việc này, một số người ở nơi khác đến thuê ruộng của dân để nuôi tôm với giá rẻ.

Tiếp xúc với phóng viên Tiền Phong, Phó trưởng ấp Nam Quí, ông Nguyễn Văn Dư thừa nhận không chỉ có cán bộ ấp mà còn có cả những cán bộ của xã, huyện và  tỉnh Kiên Giang đang thuê đất nuôi tôm trên địa bàn ấp Nam Quí. Cụ thể, ông Dư cho biết, đó là ông T.T.S., T.V.V., cả hai đều cán bộ địa chính huyện, với diện tích nuôi tôm là 3ha. Những người này sau đó cho em là T.T.Đ. đứng tên trong hợp đồng thuê đất. Bà P.T.T.M. (1,3ha), T.S. (0,8ha) đều là cán bộ trạm y tế xã Đông Thái. Ông N.V.L., nguyên Phó chủ tịch UBND huyện An Minh (2ha). Một người tên là G., cán bộ ở Trung tâm khuyến nông  tỉnh Kiên Giang (10ha).

Một số hộ dân tại ấp Mương 40, xã Tây Yên A (huyện An Biên) cũng đã gửi đơn đến báo Tiền Phong phản ánh tình trạng nuôi tôm tự phát làm chết lúa. Trong số những người nuôi tôm tự phát còn có gia đình ông Lê Văn B. - một Bí thư Chi bộ ấp. Theo bà Huỳnh Thị Dồi, ông B. phá qui hoạch để nuôi tôm từ năm 2014. Sau đó còn kéo bà con dòng họ cùng nuôi tôm, khiến lúa bị ảnh hưởng rất nặng. Riêng vụ Hè – Thu này đã có 13 ha lúa của dân bị chết vì nhiễm mặn.

Ông Ngô Trấn Hỷ - Trưởng phòng  NN&PTNT huyện An Biên cho biết, ấp Nam Quí (xã Đông Thái) là địa phương nuôi tôm ngoài qui hoạch nhiều nhất với 33 hộ, diện tích gần 70 ha. Theo ông Hỷ, có dư luận cán bộ huyện, tỉnh vào thuê đất nuôi tôm, nhưng qua kiểm tra không có tên họ trong hợp đồng. Ông Hỷ nói rằng, việc mâu thuẫn tôm – lúa rất căng thẳng và huyện đã đứng ra làm trung gian hòa giải nhưng các bên chưa đạt được thỏa thuận.

Người dân lao đao

Vừa về đến đầu xã Đông Thái, phóng viên Tiền Phong được hàng chục người dân vây quanh và thi nhau “kể tội” những người nuôi tôm. “Mấy ổng coi phép nước không ra gì, bất chấp cả đạo lý, tùy tiện đưa nước mặn vào nuôi tôm làm chết lúa”- anh Lâm Hoàng Nhân (ấp Nam Quí) bức xúc. 

Anh Nhân cho biết, gia đình anh mỗi năm trồng được 2 vụ, năng suất khoảng 40 giạ một công (8 tấn/ha). Nhưng từ khi một số hộ dân đưa nước mặn vào nuôi tôm đến nay lúa mất mùa liên tục. Đặc biệt vụ Hè - Thu năm nay gia đình 2 cha con anh Nhân mất trắng 5ha lúa. Chỉ mới tính tiền giống, làm đất, thuốc trừ sâu đã mất đứt trên 30 triệu đồng. Do nhiễm mặn, hầu hết lúa gieo sạ sau khoảng 25 ngày thì thối gốc, úa vàng và chết rũ.

Thống kê ban đầu cho thấy, tại khu vực Tứ giác kinh Nhị Tỳ thuộc ấp Nam Quí đã có hàng chục ha lúa trong vụ Hè – Thu thiệt hại 100%. Bà Trần Thị Vĩnh Trúc gạt nước mắt: “Gia đình tôi có 5 khẩu, 2 vợ chồng, 3 đứa con chỉ trông chờ vào 2,2 ha đất trồng lúa. Nhưng đất bị nhiễm mặn trồng lúa không lên. Thất thu liên tục, càng làm càng lún sâu vào nợ nần. Đầu mùa đầu tư 14 triệu để gieo sạ, nay mất trắng. Nợ ngân hàng của gia đình đã tăng lên 60 triệu đồng”. 

Bà Trúc cho biết, thấy nhà nghèo khổ quá, con trai lớn của bà đang học lớp 12 phải bỏ học giữa chừng để đi làm thuê trên tận Bình Dương. Cậu con trai kế năm nay vào lớp 10 nhưng cũng không thể tiếp tục đến trường, đành đi làm thuê kiếm sống. 

Cô gái út năm nay vào lớp 6, nhiều năm liền là học sinh giỏi, ông bà không nỡ để con thất học song chưa biết tìm đâu ra tiền mua sắm sách vở, quần áo trong khi năm học mới đã cận kề. “Mất mùa, ông xã tôi nghĩ hết cách rồi đi chạy xe ôm. Nhưng chạy xe ôm ở quê thì ngày chỉ kiếm được vài chục, có ngày không đủ tiền xăng”- bà Vĩnh nói với bộ mặt buồn rười rượi. 

Chung số phận với nhiều người trong ấp, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hòa có hơn 5 ha lúa cũng bị thiệt hại 100%. Bà Hòa cho biết, dân yêu cầu các hộ nuôi tôm phải bồi thường 2,5 triệu mỗi công tầm lớn (1.296m2) nhưng lãnh đạo huyện nói những người nuôi tôm chỉ đồng ý bồi thường 1 triệu mỗi công. “Mấy ông cán bộ còn nói lúa chết là do thiên tai. Dân chúng tôi thấy do nhân tai thì mới đúng. Không đưa nước mặn vào ruộng thì làm sao lúa dân vùng này chết được?”- bà Hòa đặt vấn đề.

Tối hậu thư

Trong thông báo số 113, ngày 21/7/2016 của UBND huyện An Biên, do Phó chủ tịch Nguyễn Việt Bình ký, yêu cầu: Các hộ nuôi tôm tự phát chấm dứt ngay việc lấy nước mặn vào nuôi tôm trong vùng qui hoạch trồng lúa, đồng thời tiến hành tháo nước để rửa mặn, giữ ngọt phục vụ cho việc trồng lúa. Nếu hộ nào cố tình vi phạm sẽ xử lí nghiêm theo Nghị định 102/2014 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

MỚI - NÓNG