'Cần công khai tỷ lệ tín nhiệm từng chức danh'

'Cần công khai tỷ lệ tín nhiệm từng chức danh'
Trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh lãnh đạo cao cấp diễn ra vào 10/6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, kết quả tỷ lệ tín nhiệm của từng chức danh cần được công khai.

'Cần công khai tỷ lệ tín nhiệm từng chức danh'

> Không thể 'treo' quyền của dân

> Đề xuất Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng bảo hiến 

Trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh lãnh đạo cao cấp diễn ra vào 10/6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, kết quả tỷ lệ tín nhiệm của từng chức danh cần được công khai.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh:
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh: "“Đã đưa ra lấy phiếu rồi thì phải công khai để mọi người cùng rút kinh nghiệm và để dân giám sát, chẳng có gì phải sợ cả”. Ảnh: Nguyễn Hưng.
 

Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Phó đoàn đại biểu Hải Phòng Trần Ngọc Vinh bày tỏ sự kỳ vọng và cho đây là một bước tiến trong công tác giám sát đại biểu, của Quốc hội.

Theo ông, sau khi bỏ phiếu, kết quả tín nhiệm của từng chức danh cần được công bố và thông tin tới cử tri cả nước. Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, kết quả lấy phiếu "không có gì là bí mật". "Đã đưa ra lấy phiếu thì phải công khai để mọi người cùng rút kinh nghiệm và để dân giám sát", bà Khánh nói.

Hai đại biểu này cũng cho biết, đã hình dung được việc mình sẽ bỏ phiếu tín nhiệm ở mức độ nào đối với từng người thuộc diện lấy phiếu. Các căn cứ để đánh giá không dựa nhiều vào báo cáo mà đến từ rất nhiều nguồn, đặc biệt là qua việc "nhìn vào những gì họ làm".

Tuy nhiên, từ nay tới thời điểm thực hiện (ngày 10/6) các đại biểu cho biết, sẽ suy nghĩ, cân nhắc thêm. "Để đánh giá mỗi con người phải nhìn ở nhiều góc độ, có thời gian và phải hết sức công tâm, bản lĩnh. Có những chức danh nếu nghe dư luận thì ghê lắm nhưng sau khi có giải trình thì khác đi. Do đó phải hết sức thận trọng", ông Vinh chia sẻ.

Càng gần tới ngày lấy phiếu, tâm lý thận trọng càng được các đại biểu thể hiện khi nói tới việc này. Nhiều đại biểu cho biết, ngay trao đổi trong đoàn, những vấn đề về mức độ tín nhiệm, quy trình xử lý trong trường hợp chức danh nào đó không đạt đã được bàn tới.

Từng là người hào hứng phát biểu ngay từ khi chủ trương lấy phiếu được bàn bạc, đại biểu Dương Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ việc minh bạch tất cả quy trình. Ông thậm chí còn đề xuất công khai cả từng lá phiếu tín nhiệm của mỗi đại biểu.

"Bỏ phiếu công khai mới chứng tỏ mình có trách nhiệm với lá phiếu, với người được mình bỏ phiếu và với người dân. Song, tôi hiểu điều đó rất khó, nhất là trong xã hội mà mọi cái chưa chuẩn mực", ông nói.

Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Hà
Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Hà.
 

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng bày tỏ sự băn khoăn bởi không chỉ là vấn đề phức tạp trong đánh giá mỗi con người mà còn là việc nắm bắt được đầy đủ, chính xác các hoạt động thực tế của từng chức danh. Theo ông, có những lĩnh vực khi người ngoài nhìn thì khác mà người trong cuộc lại thấy khác. Hơn nữa, những vị được lấy phiếu là người kế thừa của các nhiệm kỳ trước, có những vấn đề tích tụ từ nhiệm kỳ trước, có những vấn đề không thể giải quyết được ngay.

"Cho nên rất dễ dẫn đến cảm tính. Và nếu cảm tính thì dễ đi đến những hiệu ứng tiêu cực như nể nang, ràng buộc lợi ích, tổ chức", ông Quốc phân tích và cho rằng, đây không chỉ là thử thách lớn cho những vị trong danh sách lấy phiếu mà còn là dịp để cử tri, người dân đánh giá đại biểu Quốc hội và Quốc hội.

"Tôi cho là người đi bỏ phiếu còn nặng nề hơn bởi đi vào thực thi không hề đơn giản", ông nói.

Từ góc độ vừa là người bỏ phiếu vừa nằm trong danh sách lấy phiếu, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son bày tỏ: "Tôi xác định đó là việc bình thường vì mọi người đều phải theo cái chung, có như vậy người lãnh đạo mới khẳng định được vai trò, trách nhiệm của mình. Nhà nước và nhân dân đã giao cho trọng trách thì càng phải phấn đấu tốt hơn nữa để sao cho xứng đáng".

Ông cũng cho biết thêm, từ khi đảm nhận nhiệm vụ đã luôn có ý thức rèn luyện chứ không phải vì lấy phiếu tín nhiệm mới phấn đấu. "Bỏ phiếu cũng là dịp khách quan nhất đánh giá lại khả năng thực tế của mỗi cán bộ, đảng viên. Giả sử ai đó không đủ tín nhiệm, hoặc tín nhiệm thấp thì cũng là một dịp để người đó thấy mức độ mình như thế, phấn đấu, rèn luyện như thế chưa đạt và cần cố gắng. Hoặc nếu đạt được rồi thì tiếp tục duy trì phát triển", Bộ trưởng Son chia sẻ.

Theo Nguyễn Hưng
Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG