Cần đấu giá 7.000 xe công để tránh thất thoát, lãng phí

TP - “7.000 ô tô dôi ra tới đây mà đánh giá định lượng đó là tài sản có giá trị nhỏ, bán không qua đấu giá, không công khai, minh bạch thì tôi rất lo lắng”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói.

Ngày 20/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý tài sản nhà nước (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến tại hội nghị chuyên trách vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu bổ sung vào điều 10 của dự thảo về các hành vi bị cấm: “Sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân tặng cho để phục vụ cho cá nhân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị”. Điều 23 cũng quy định: “Từ chối nhận tài sản do cơ quan quản lý cấp trên giao không phù hợp với nhu cầu sử dụng hoặc tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công”.

Cho ý kiến về việc này, theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, không nên cấm việc biếu, tặng ô tô, vấn đề ở đây là sử dụng thế nào. Nếu sử dụng cho cá nhân thì không được nhưng biếu tặng để dùng vào mục đích công cộng, mục đích từ thiện, nhân đạo thì cần khuyến khích. Dù tặng xe máy, hay ô tô cũng được, nhưng mang xe đó đi đấu giá, tiền thu về để giúp đỡ người nghèo.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu thì cho rằng, ở nước ngoài cũng có việc doanh nghiệp tặng xe, phương tiện cho tổ chức này, tổ chức kia. Tuy nhiên, ông Giàu nhìn nhận ở nước ta “hình như việc cho tặng có lắt léo”. Ông Giàu đề nghị, mọi xe cộ được tặng phải được tập hợp và xử lý chung, điều chuyển giữa nơi thừa với nơi thiếu thì sẽ không vấn đề gì. “Xe cứu thương tặng cho xã, phường, bệnh viện thì nên có quy định riêng, còn nhận xe sang thì đúng là quá đáng”, ông Giàu cho hay.

Cùng đề cập, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, những nguy cơ trục lợi từ việc nhận tài sản biếu, tặng rất khó để đánh giá, do vậy dự thảo luật cần có điểm quét như “nghiêm cấm trục lợi”. Bởi rất có thể có việc doanh nghiệp tặng xe, nhưng đằng sau việc đó lại có những dự án, hợp đồng kinh tế. Viện dẫn câu nói “không có bữa ăn nào là miễn phí”, bà Hải cho rằng, cần làm sao để việc cho, biếu, tặng đảm bảo tính minh bạch.

Bài Hải viện dẫn tài liệu về tuyên truyền công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí của Ban Tuyên giáo T.Ư, sau khi áp dụng các quy định mới về chế độ trang bị sử dụng ô tô công, dự kiến sẽ dôi ra khoảng 7.000 chiếc ô tô. Nếu tính từng chiếc ô tô có thể giá trị nhỏ, nhưng với 7.000 chiếc thì lớn. “Nếu sắp xếp lại và thực hiện việc bán tài sản của Nhà nước theo quy định, tới đây dôi ra 7.000 chiếc ô tô mà đánh giá định lượng đó là tài sản có giá trị nhỏ theo quy định của Chính phủ, bán không qua đấu giá, không công khai, minh bạch thì tôi rất lo lắng”, bà Hải nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chốt lại phiên thảo luận rằng, việc nhận tài sản biếu, tặng không nên “cứng” vì đó là chuyện của tổ chức cá nhân cho nhà nước. Vấn đề cơ bản nhất là người sử dụng tài sản đó có đúng mục đích không, đúng tiêu chuẩn định mức không, nếu vượt, thừa định mức thì phải đấu giá để thu phần thừa đó về ngân sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu thì cho rằng, ở nước ngoài cũng có việc doanh nghiệp tặng xe, phương tiện cho tổ chức này, tổ chức kia. Tuy nhiên, ông Giàu nhìn nhận ở nước ta “hình như việc cho tặng có lắt léo”.

MỚI - NÓNG