Cần những nhà lãnh đạo khí phách và bản lĩnh

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng.
TPO - Sáng nay, tiếp tục thảo luận về các văn kiện Đại hội XII, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng, Tổ quốc Việt Nam tuy nhỏ nhưng ý chí và quyết tâm giữ vững chủ quyền, độc lập toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc là không nhỏ, là không giới hạn. Đảng ta, nhân dân ta rất cần những nhà lãnh đạo đầy khí phách và bản lĩnh.

Dành ít phút cuối trong bài tham luận, thay mặt 9 triệu đoàn viên và tổ chức Công đoàn Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng bày tỏ cảm ơn Đảng Cộng sản Việt Nam, cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo và luôn quan tâm đến hoạt động của tổ chức Công đoàn. 

Đề cập đến chủ quyền trên biển, ông Tùng nói: Đặc biệt chúng tôi bày tỏ sự kính trọng và vô cùng biết ơn đồng chí Trương Tấn Sang, Chủ tịch Nước và đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện dũng khí và bản lĩnh của người lãnh đạo, khi lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc từ thời cổ đại. 

Ngay lập tức Chủ tịch nước lên tiếng “Hoàng Sa, Trường Sa do tổ tiên Việt Nam là người đầu tiên phát hiện và xác lập chủ quyền”; và phát biểu của Thủ tướng tại Philippines: “ Việt Nam đã chịu quá nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng tôi luôn mong muốn và làm hết sức mình để có hòa bình, hữu nghị, để xây dựng, phát triển đất nước và chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, nhưng hòa bình, hữu nghị phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

“Những tuyên bố trên đã làm nức lòng hàng triệu đảng viên và nhân dân cả nước, là niềm tự hào dân tộc. Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta tuy nhỏ nhưng ý chí và quyết tâm giữ vững chủ quyền, độc lập toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc là không nhỏ, là không giới hạn. Đảng ta, nhân dân ta rất cần những nhà lãnh đạo đầy khí phách và bản lĩnh như vậy”, ông Tùng khẳng định.

Nói về khó khăn, thử thách của đất nước, ông Đặng Ngọc Tùng cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta đang đứng trước thử thách rất to lớn phải bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo quốc gia trong điều kiện Trung Quốc không từ bỏ âm mưu độc chiếm biển Đông, cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu ngày càng gay gắt, quan hệ lao động có xu hướng phức tạp, "âm mưu diến biến hòa bình", chống phá của các thế lực thù địch vẫn âm mưu chống phá cách mạng, chống phá Công đoàn Việt Nam; yêu cầu vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ngày càng lớn và cấp bách, nhất là khi các Hiệp định thương mại tự do và đặc biệt là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, có thể xuất hiện tổ chức đại diện người lao động ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam cùng tồn tại hoạt động. “Điều này đang đặt ra nhiều thách thức không chỉ đối với tổ chức Công đoàn mà còn đối với cả hệ thống chính trị nếu tổ chức Công đoàn hoạt động yếu kém, không hiệu quả”, ông Tùng nói.

Nếu không tập trung xây dựng được tổ chức công đoàn vững mạnh, để công đoàn phát huy tốt vai trò của mình thì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức sống của Đảng, tiềm ẩn những nguy cơ xói mòn, trực diện vào cơ sở xã hội quan trọng nhất của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị. 

Do vậy, để tổ chức công đoàn thực sự trở thành cơ sở xã hội vững chắc của Đảng, người cộng tác đắc lực của Nhà nước, tạo sức mạnh tổng hợp của dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ông Tùng đề nghị:

Một là, phải luôn giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, tăng cường hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, phải đưa ra khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, cơ hội biến chất, xu nịnh, cần phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để bảo đảm vai trò lãnh đạo cầm quyền và Đảng cần phải thực sự chăm lo xây dựng bền vững cơ sở giai cấp, cơ sở quần chúng và cơ sở tổ chức của Đảng.  

Hai là, Đảng cần tập trung lãnh đạo việc tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 22/CT - TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.  

Ba là, cần quan tâm hơn nữa và đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn. Bởi thực chất quan tâm đến Công đoàn là quan tâm tới mặt chính trị, xã hội của sản xuất, để đảm bảo sản xuất kinh doanh phát triển, xã hội tiến bộ, chính trị ổn định. Đây là vấn đề liên quan trực tiếp nhất đến sự lớn mạnh của cả hệ thống chính trị.  

Tranh chấp trên biển Đông diễn biến gay gắt, phức tạp


Tham luận tại Đại hội sáng 23/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, trong năm năm tới, tình hình thế giới thay đổi nhanh, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường; tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, các thách thức an ninh phi truyền thống nổi lên gay gắt.  

Quá trình toàn cầu hóa và những tiến bộ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ tác động sâu rộng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới. Xu hướng liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối hạ tầng đa tầng nấc gia tăng; xuất hiện các hình thức liên kết mới, các định chế tài chính – tiền tệ, các hiệp định kinh tế, thương mại, đầu tư song phương và đa phương thế hệ mới. Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, đồng thời cũng là trọng điểm cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc. Tranh chấp trên Biển Đông diễn biến gay gắt, phức tạp. 

Cần những nhà lãnh đạo khí phách và bản lĩnh ảnh 1 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
“Trong bối cảnh đó, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, ông Minh nói.  Theo Phó Thủ tướng, 5 năm qua, chúng ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, song mới ở giai đoạn “gia nhập, tham gia, đàm phán” ký kết các thoả thuận quốc tế, khu vực. Công tác triển khai hội nhập quốc tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự đầy đủ và thống nhất; công tác phối hợp triển khai chưa nhịp nhàng, chặt chẽ. 

Việc nội luật hoá để thực hiện các cam kết quốc tế chưa đầy đủ và đồng bộ. Sự chuẩn bị trong nước đối với các cam kết quốc tế sắp phải thực hiện còn chậm và thiếu chủ động, trong đó lớn nhất là chưa tận dụng được các cơ hội của hội nhập quốc tế, với hội nhập kinh tế là trọng tâm. Do đó, thách thức của hội nhập kinh tế sẽ ngày càng tăng lên. 

Trong khi đó, năm năm tới là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN, của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu hơn nhiều so với giai đoạn trước, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải nỗ lực rất cao để tận dụng thời cơ, vượt qua những thách thức lớn trong quá trình hội nhập, để hội nhập quốc tế thực sự trở thành phương tiện hữu hiệu phục vụ phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa, bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc. 

Phó Thủ tướng cho rằng, trong 5-10 năm tới, chiều sâu của hội nhập quốc tế được thể hiện trên các lĩnh vực sau:

Trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đưa hội nhập đi vào chiều sâu tức là phải tạo được sự đan xen, gắn kết lợi ích, một cách lâu dài và bền vững giữa nước ta với các đối tác, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập đi vào thực chất, nhất là với các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh và phát triển của đất nước; tạo dựng được lòng tin và hình thành nên các cơ chế hợp tác có hiệu quả trong việc thúc đẩy quan hệ, ngăn ngừa, đẩy lùi các nguy cơ, kiểm soát các bất đồng và giải quyết các vấn đề nảy sinh, nhất là các vấn đề có thể tác động nghiêm trọng tới an ninh và phát triển của đất nước ta.   

Về kinh tế, năm năm tới là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Do vậy, đưa hội nhập đi vào chiều sâu tức là phải tận dụng các cam kết quốc tế để mở rộng thị trường, tái phân bổ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp Việt Nam; gia tăng mức độ tự chủ của nền kinh tế, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất, cung ứng ở khu vực và toàn cầu; tăng cường khả năng ứng phó của nền kinh tế trước những tác động từ bên ngoài; đóng góp ngày càng nhiều cho quá trình phát triển nội lực và liên kết vùng trong cả nước. Đưa hội nhập kinh tế quốc tế đi vào chiều sâu cũng có nghĩa là phải tận dụng được chính hệ thống quy tắc và luật lệ của các tổ chức quốc tế để bảo vệ được các lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong quan hệ với đối tác nước ngoài.

Trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác, đưa hội nhập đi vào chiều sâu tức là chủ động hơn trong việc nghiên cứu, chọn lựa các bộ tiêu chí, xây dựng và triển khai lộ trình áp dụng và đồng thời tham gia xây dựng các tiêu chí, chuẩn mực chung, góp phần nâng trình độ phát triển của nước ta trong các lĩnh vực này; phục vụ các mục tiêu xây dựng nền kinh tế tri thức và con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

“Nói cách khác, đưa hội nhập đi vào chiều sâu là để tạo dựng các mối quan hệ ổn định, lâu dài hơn với các đối tác, gia tăng tính ổn định, bền vững của môi trường chính trị, an ninh; đưa đất nước ta lên vị trí cao hơn ở khu vực và trên thế giới”, ông Minh nói.

MỚI - NÓNG