Cần thêm gói kích cầu

Cần thêm gói kích cầu
TP - “Khi nền kinh tế phục hồi, nên có gói kích cầu hoặc giải pháp tiếp theo để xuống thang cho doanh nghiệp thích nghi dần, tránh sự hụt hẫng, đột ngột” - Ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia, cho biết hôm 26/8.
Cần thêm gói kích cầu ảnh 1
Ông Cao Sỹ Kiêm. Ảnh: Phạm Anh

Theo ông Kiêm, gói kích cầu đã có chuyển biến, nhưng chưa giải quyết hết được những nhu cầu của doanh nghiệp.

Chẳng hạn gói một tỷ USD, mới chỉ giải quyết một phần ba yêu cầu vốn. Trong khi thời hạn vốn vay hỗ trợ lãi suất ngắn hạn sắp kết thúc.

Vấn đề cần làm tới đây, để giảm sốc cho doanh nghiệp cần tăng mức vốn tín dụng.

“Trước đây, chúng ta đặt ra tăng 21 phần trăm mức tăng tín dụng, nhưng qua bảy tháng đã thực hiện được 20 phần trăm, và đang có kế hoạch tăng lên 25 - 27 phần trăm. Nhưng mức đó vẫn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, nhất là những tháng cuối năm; mà cần nâng lên trên dưới 30 phần trăm” - Ông Kiêm đề xuất.

Nếu làm như vậy, chắc chắn có một lượng tiền lớn tiếp tục được đưa ra, gây sức ép gia tăng lạm phát, thưa ông?

E ngại lạm phát là có thể, vì khi đưa ra lượng tín dụng lớn, mà không tìm cách rút về hoặc tạo ra lượng hàng hóa tương ứng, hoặc không quản lý tỷ giá, lãi suất phù hợp với tình hình thì sẽ tạo ra sức ép, lạm phát có thể trở lại.

Tuy nhiên, có hai lý do chính chúng ta nên tiến hành theo hướng này. Đó là nhu cầu của nền kinh tế đang đòi hỏi phải đảm bảo mục tiêu tăng năm phần trăm GDP.

Cùng đó, các đơn vị đang hưởng lãi suất ưu đãi theo mặt bằng chung 6/10 phần trăm, nếu khi thời hạn ưu đãi hết, trở lại lãi suất bình thường (lúc đó lãi suất từ 6 sẽ lên 10 phần trăm hoặc cao hơn nữa - PV) chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn.

Vậy, nên phải có gói kích cầu tiếp theo hoặc giải pháp nối gót để doanh nghiệp xuống thang thích nghi, tránh sự hụt hẫng. Đồng thời, cũng là cách để chúng ta đưa ra giải pháp đề phòng như: cho vay đúng đối tượng, đầu tư hiệu quả, tạo thu nhập, việc làm…

Như vậy, từ nay đến cuối năm nên giữ lãi suất cơ bản ổn định hay cần nâng lên?

Tôi cho rằng, với tình hình này, từ nay đến cuối năm, lãi suất cơ bản giữ nguyên, điều hành lãi suất vẫn theo xu hướng ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, ổn định tình hình sản xuất, vượt qua khó khăn.

Tỷ giá vừa có những ngày chịu sức ép tăng mạnh, trong khi thực tế, các ngân hàng thương mại đang thừa tiền đô, thiếu tiền Việt, ý kiến của ông ra sao?

Đúng thế, tất cả tiền có được như xuất khẩu gửi qua tài khoản ở ngân hàng, là quyền của doanh nghiệp. Họ không bán ra, có thể vì sợ lạm phát trở lại, giá USD tăng lên, nên họ dự trữ, để kiếm lời. Họ phán đoán đồng USD đang lên.

Tuy nhiên, phán đoán của họ không có cơ sở, thông tin chính thức. Từ đó, ngân hàng chuyển từ ngoại tệ sang nội tệ và ngược lại không hình thành, phát triển được. Hiện tượng thừa ngoại tệ trên tài khoản, nhưng thiếu ngoại tệ để bán cho người cần là có thật.

Để giải quyết tận gốc vấn đề, phải làm rõ cung - cầu ngoại tệ phản ánh đúng thực chất, không bị ảo; tỷ giá lãi suất phải hợp lý; chống tâm lý đồn thổi gây rối loạn thị trường.

Có ý kiến cho rằng, xuất khẩu năm nay khó đạt mức tăng ba phần trăm. Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu từ nay đến cuối năm, cần  nới rộng biên độ giá. Theo ông có nên?

Tình hình như hiện nay thì khó đạt được kim ngạch xuất khẩu như kế hoạch. Theo nhiều dự báo, xuất khẩu có thể âm hai phần trăm. Tất nhiên, một số mặt hàng vẫn tăng như gạo, cà phê, cao su… nhưng giá thế giới giảm nhanh nên kim ngạch xuất khẩu giảm. Cố gắng lắm thì may ra bằng kim ngạch xuất khẩu năm ngoái.

Về vấn đề tỷ giá, phải phân tích rõ tại sao lại gây ra tỷ giá như thế. Theo tôi, cần điều hành để yếu tố cung cầu phải sát nhau; giải quyết vấn đề lãi suất tiền đồng Việt Nam với ngoại tệ để không gây sức ép; tránh tâm lý đồn thổi.

Có hai ý kiến, thứ nhất là xây dựng lại mặt bàng tỷ giá, tỷ lệ VND/USD là 18.000 đồng, trên cơ sở biên độ +/- 3 phần trăm. Thứ hai là giữ tỷ giá hiện tại, nâng biên độ +/- 7 phần trăm. Mỗi cách có yếu tố thuận lợi, bất lợi và đang cân nhắc. Tuy nhiên, tinh thần chung là phải điều hành uyển chuyển, đáp ứng đúng yêu cầu thị trường.

MỚI - NÓNG