Cần ưu tiên làm luật Biểu tình

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa). Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa). Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Chiều 26/5, thảo luận chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh, đại biểu (ĐB) Lê Nam (Thanh Hóa) nhấn mạnh: “Biểu tình là một quyền phổ quát của người dân, Quốc hội khóa XIII cần sớm xây dựng Luật Biểu tình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thực hiện quyền công dân”.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị, Quốc hội phải có một thái độ từ chối dứt khoát, không chấp nhận các dự án luật không đảm bảo chất lượng. Đồng thời, với tình hình vừa qua, cần sớm xem xét xây dựng, thông qua Luật Biểu tình.

Quyền biểu tình đã được quy định trong Hiến pháp năm 1946, tiếp tục thể hiện tại Hiến pháp năm 2013. Đây là quyền cơ bản, quyền phổ quát của con người được các nước trên thế giới thừa nhận.

Theo ĐB Lê Nam, thực tế, người dân tụ tập khiếu kiện ngày càng tăng. Có những người nông dân tụ tập khiếu kiện, đòi hỏi quyền lợi về đất đai, những công nhân biểu thị, đòi quyền lợi của mình, đo có phải biểu tình hay không? Gần đây, nhiều nơi nhân dân đã biểu tình biểu lộ thái độ yêu nước, phản đối Trung Quốc là một nhu cầu chính đáng.

Tuy nhiên, biểu tình rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, gây hậu quả xấu như xảy ra tại Bình Dương, Hà Tĩnh mới đây. Chính thực tiễn đòi hỏi và Thủ tướng Chính phủ cũng đã phát biểu về sự cần thiết phải có Luật Biểu tình. Tuy nhiên đến nay, chúng ta vẫn chưa có dự thảo trình ra Quốc hội. “Quốc hội Khóa XIII sẽ rất vinh dự nếu chúng ta trả nợ được Luật Biểu tình, thực hiện quyền cơ bản, quan trọng của nhân dân mà Quốc hội khóa trước chưa làm được”- ĐB Nam kiến nghị.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nhấn mạnh, công tác xây dựng luật phải chú ý triển khai đồng bộ các quy định trong Hiến pháp. Vì vậy, nên sớm đưa Luật Biểu tình vào, có như vậy chúng ta mới thiết lập trật tự xã hội, tránh bị động như vừa qua.

“Quốc hội Khóa XIII sẽ rất vinh dự nếu chúng ta trả nợ được Luật Biểu tình, thực hiện quyền cơ bản, quan trọng của nhân dân mà Quốc hội khóa trước chưa làm được”

ĐB Nam kiến nghị

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐB TPHCM) nhận xét, chương trình làm luật đang quá tải, khó bảo đảm chất lượng. Phải ưu tiên luật nào quan trọng làm trước và làm chất lượng, hiệu quả. Cần ưu tiên luật về tổ chức bộ máy, thể chế kinh tế, quyền con người, quyền công dân. Những quyền con người, quyền công dân - theo Hiến pháp năm 2013 chỉ có thể bị hạn chế bằng luật. Nếu chúng ta còn để các quyền đó điều chỉnh bởi nghị định, là vi hiến.

“Qua thảo luận có nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội sớm xây dựng Luật Biểu tình để đáp ứng cam kết quốc tế, triển khai Hiến pháp. Vừa qua, hàng triệu người dân mong muốn được biểu tình để ủng hộ Nhà nước, phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc. Chúng ta rất cảm động thấy đồng bào ta ở trong và ngoài nước đã biểu tình, biểu lộ lòng yêu nước của mình. Nhưng vì không có khung pháp lý, khi xảy ra hành động quá khích, nên lúng túng trong xử lý. Tôi tin, chúng ta có đủ trí tuệ để làm Luật Biểu tình phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Cần đưa dự án Luật Biểu tình vào kỳ họp thứ tám lấy ý kiến, thông qua vào kỳ họp thứ chín”- ĐB Nghĩa kiến nghị.

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương cũng đề xuất, nên lùi những luật không cần thiết để làm Luật Biểu tình, để dân có chỗ, nơi biểu hiện lòng yêu nước; đồng thời ngăn chặn hành vi quá khích.

Xếp hàng như thời bao cấp

Một số ĐB nhận xét, công tác xây dựng luật còn nhiều yếu kém, nhất là khâu soạn thảo các dự án luật. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho biết, năm nào cũng xảy ra tình trạng “đưa vào, rút ra”, luật chậm ban hành, văn bản hướng dẫn nợ đọng. “Người dân kêu nhiều là cán bộ càng cao, bộ óc càng tinh vi, chứ dân trì trệ. Thế mà lại có những dự án, văn bản trình ra hết sức kỳ cục, dân không sao hiểu nổi!” - ĐB Thuyền nêu thực trạng.

Cần ưu tiên làm luật Biểu tình ảnh 1 Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng). Ảnh: Hồng Vĩnh

“Người dân kêu nhiều là cán bộ càng cao, bộ óc càng tinh vi, chứ dân trì trệ. Thế mà lại có những dự án, văn bản trình ra hết sức kỳ cục, dân không sao hiểu nổi!”

ĐB Thuyền nêu

Theo đó, cần nêu đích danh bộ, ngành nào chưa quan tâm công tác xây dựng luật, may ra tình hình mới chuyển biến, làm cơ sở để Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. “Cần có hình thức biểu dương cơ quan soạn thảo làm tốt, những đơn vị không hoàn thành phải có chế tài kỷ luật, xử lý trách nhiệm nghiêm minh. Nói phải đi đôi với làm” - ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cùng quan điểm.

    

Cho rằng làm luật còn nặng “tính kế hoạch hóa”, “xếp hàng như bao cấp”, ĐB Đỗ Văn Đương lưu ý: Với tình hình biển Đông hiện nay, Quốc hội cần ra một nghị quyết phát triển kinh tế biển đảo, trong đó có việc đóng tàu lớn, hỗ trợ cho ngư dân bám biển, vươn khơi.

“Chính sách hỗ trợ nông dân phải thiết thực, cụ thể. Đừng để ĐB càng nói tình hình càng xấu và dù ĐB có rơi nước mắt bao nhiêu thực trạng vẫn đâu vào đấy” - ĐB Đương phát biểu.

Một số ĐB nêu sáng kiến nên có Luật Hành chính công, Luật Chính khách và cho rằng để hiện thực sáng kiến pháp luật, cần cơ chế hỗ trợ tốt hơn, nếu không sẽ chỉ là hô khẩu hiệu.


MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.