​Căng mình chống siêu bão

Lực lượng vũ trang Quảng Trị hỗ trợ ngư dân đưa thuyền vào bờ. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN.
Lực lượng vũ trang Quảng Trị hỗ trợ ngư dân đưa thuyền vào bờ. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN.
TP - Dự báo, bão số 10 đổ bộ khu vực Nghệ An-Quảng Trị trưa chiều hôm nay (15/9) với cường độ mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương hoãn các cuộc họp không cần thiết, tập trung phòng chống bão.

Đê biển, hồ đập nơm nớp

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, khoảng trưa chiều nay (15/9), bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị, cường độ cấp 11-12, giật cấp 15. Theo chuyên gia khí tượng, với cấp độ trên, bão số 10 có độ rủi ro thiên tai (đạt cấp 4) lớn nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Từ sáng nay, trên đất liền ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 7-8, gần trưa và chiều tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15. Trong khi đó, các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12. Cùng đó, khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; ven biển các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11.

Ông Cường lưu ý, sóng biển ngoài khơi cao đến 10 m, vùng ven bờ, nhất là Nghệ An- Quảng Trị lên đến 5-6 m. Lúc bão vào nước dâng và sóng biển sẽ lên cao nhất trong năm nay. Các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình lên hơn 2 m, thậm chí lên đến 4 m.

Bão số 10 sẽ gây lượng mưa lớn từ 14/9 đến hết ngày 15/9, lượng mưa 100-300 mm, vùng Nam Thanh Hóa đến Quảng Trị lượng mưa 300-400 mm, có nơi trên 400mm. Từ 14/9 đến hết ngày 16/9, ở Thanh Hóa, các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La có mưa vừa, mưa to đến rât to.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng Cục phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), lúc bão đổ bộ, dự báo là cấp độ 11-12, giật tới cấp 15, nước dâng do bão cộng với thủy triều sẽ đe dọa đến hệ thống đê biển - hiện chịu được sóng gió cấp 9 -10.

​Căng mình chống siêu bão ảnh 1 Đưa tàu thuyền vào neo đậu tại cảng.

Ông Hoài cho biết, hiện có 16 đoạn đê với tổng chiều dài 83km và 39 cống xung yếu trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão. Trong đó, có 4 công trình đang thi công dở (Thái Bình 1 điểm, Nam Định 2 điểm và Hà Tĩnh 1 điểm). Ngoài ra, hệ thống đê sông (từ cấp III trở lên) ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ với tổng chiều dài hơn 2.700 km cũng có tới 195 trọng điểm xung yếu, đặc biệt ở địa phương trọng điểm như Thanh Hóa 20 điểm, Nghệ An 3 điểm và Hà Tĩnh 4 điểm.

Theo ông Hoài, đến nay, các hồ thủy điện lớn đều đồng loạt đang xả lũ, trong đó, Sơn La, Hòa Bình đang xả với lưu lượng lớn. Ở Bắc Trung bộ có 3 hồ đang xả lũ là Trung Sơn (Thanh Hóa), Chi Khê (Nghệ An) và Hố Hô (Hà Tĩnh). Do vậy, các địa phương cần có các biện pháp đối phó để đảm bảo hệ thống đê điều, hồ đập được an toàn.

Trong khi đó, theo Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến hôm qua vẫn còn hơn 4.600 tàu đang hoạt động trong vùng nguy hiểm. Các phương tiện trên đều đã nắm bắt được thông tin về cơn bão số 10 và đang chủ động di chuyển, trú tránh.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương bằng mọi cách phải đưa tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải trú tránh hoặc về bờ an toàn, kể cả tàu vận tải, du lịch… Trong đó, đặc biệt lưu ý sắp xếp tàu thuyền khoa học, an toàn, tránh xảy ra thiệt hại cả tàu thuyền và con người khi đã vào bờ…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng dừng các hoạt động không cần thiết, tập trung cho phòng chống bão. Phải di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt là ở lồng bè, chòi canh, nơi nuôi trồng thủy sản, cửa sông, cửa biển, nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét… thậm chí, cần thiết phải áp dụng cưỡng chế. Tùy tình hình, các địa phương có thể cho học sinh nghỉ học. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các địa phương chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt đi lại qua vùng tâm bão.

MỚI - NÓNG