Cảnh báo Zika, sốt xuất huyết

Diệt muỗi, loăng quăng và tránh bị muỗi đốt là cách tốt nhất để bảo vệ mình và người xung quanh khỏi Zika và sốt xuất huyết.
Diệt muỗi, loăng quăng và tránh bị muỗi đốt là cách tốt nhất để bảo vệ mình và người xung quanh khỏi Zika và sốt xuất huyết.
TP - Nguy cơ dịch Zika đang ngày một lan rộng ở TPHCM. Ở Hà Nội đang lo ngại dịch sốt xuất huyết vào mùa.

Zika dễ lan rộng vì chủ quan

Tại các khu phố ở phường Long Trường, quận 9, nơi phát hiện ca nhiễm Zika còn nhiều đất nền trống, sát bên cạnh những căn nhà có sân rộng. Tất cả đều đọng nước, cây dại mọc um tùm. Người dân cứ vứt bừa những thứ không còn sử dụng ra góc sân, hoặc những lô đất cạnh nhà. “Có ảnh hưởng ai đâu? Dồn đó, rảnh rảnh chở một lúc ra bô rác vứt”, ông Nguyễn Quốc Hùng, ngụ khu phố Phước Lai, nói. Ngoài ra, mặc dù có nước máy, nhưng nhiều hộ dân vẫn còn trữ nước mưa trong lu, vại để sinh hoạt, nhiều cái không nắp đậy để lăng quăng sinh sôi.

Việt Nam mỗi năm phải có khoảng 50.000 – 100.000 ca mắc SXH. Đáng nói là số lượng ca mắc cũng như số trường hợp tử vong đang có dấu hiệu tăng lên theo từng năm, đi kèm với đó là đối tượng mắc bệnh và vùng phát dịch cũng đang được mở rộng. 

Tại khu vực gần Đài phát sóng Quán Tre (đối diện Công viên phần mềm Quang Trung) thuộc phường Đông Hưng Thuận, quận 12, nghe dân “than trời” vì thời gian gần đây khu vực này xuất hiện quá nhiều muỗi do khu đất trống bên trong đài phát sóng để cây cối mọc um tùm, gặp mùa mưa, nước tù đọng không thoát được, nên muỗi và lăng quăng sinh sôi.

Khu vực cầu Băng Ky, thuộc phường 13, quận Bình Thạnh, nơi được mệnh danh “vương quốc muỗi” một thời, cơ quan chức năng nói mật độ muỗi tuy có giảm, nhưng vẫn còn nhiều. Chị Dung, ngụ đường Nơ Trang Long, cho biết muỗi cỏ còn nhiều lắm. Tối ngủ nhà nào cũng đốt nhang muỗi dù đã mắc mùng.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM - cho rằng, tuy còn nhiều phường xã lơ là hoặc chưa chủ động, nhưng hiện đã có nhiều địa phương chuyển biến tích cực bằng việc kiểm tra, xử lý các vi phạm theo Nghị định 176 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo bác sĩ Dũng, quận Tân Phú (nơi đã phát hiện 3 ca mắc Zika) vừa báo cáo đã xử phạt 7 trường hợp nhà dân, công trình xây dựng vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch, không hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.

Trước đó, quận Thủ Đức cũng đã tiến hành xử phạt 6 trường hợp có hành vi thải, bỏ các chất, vật dụng có khả năng làm lây lan bệnh truyền nhiễm gây dịch. Tương tự, quận 3 và huyện Củ Chi cũng tiến hành phạt các trường hợp “nuôi lăng quăng”.

Hà Nội: Nhiều trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết

Ngày 7/11, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời gian gần đây ngày nào khoa cũng tiếp nhận ca bệnh sốt xuất huyết (SXH), bệnh nhi nhập viện chủ yếu trên 2 tuổi, đến từ các quận Hoàng Mai, Thanh Trì (Hà Nội). PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo, cần đặc biệt chú ý bệnh SXH trên cơ địa trẻ béo phì, trẻ dưới 1 tuổi hoặc bệnh SXH ở người già, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính khác như bệnh tim mạch, bệnh gan vì những đối tượng này bệnh dễ nặng lên nhanh chóng.

Theo TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “SXH là bệnh nguy hiểm nhưng lại chưa có vắc-xin phòng bệnh. Hiện nay các nhà khoa học Việt Nam tại Viện Pasteur TPHCM cũng đang hợp tác với một số tổ chức khoa học để nghiên cứu vắc-xin phòng bệnh SXH”.

Các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo, các biện pháp để dự phòng bệnh SXH vẫn tập trung vào các biện pháp phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy… SXH được khẳng định là bệnh nguy hiểm và diễn biến cấp tính rất dễ gây tử vong, đặc biệt là ở người già và trẻ em với tình trạng suy phủ tạng biểu hiện như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, tràn dịch màng phổi, viêm dạ dày… 

Nhiều trường hợp tử vong do SXH ở các bệnh viện theo ghi nhận của ngành y tế thì chủ yếu là do đến bệnh viện muộn, người dân khi bị SXH thì chủ quan, tự mua thuốc về nhà điều trị, tự mời bác sĩ tư đến nhà truyền dịch và không có sự theo dõi của cơ quan y tế. Khi quá nặng mới đưa đến bệnh viện thì việc cứu chữa sẽ rất khó khăn. 

Vì thế các bác sĩ khuyến cáo, khi bị SXH cần phải rất thận trọng không tự ý mua thuốc, không tự uống thuốc hạ sốt, nên tăng cường bù dịch bằng đường uống (như sử dụng oresol hoặc nước hoa quả), tránh lạm dụng truyền dịch tại nhà. Cần phát hiện sớm các dấu hiệu tiền sốc như co giật, run rẩy, chân tay lạnh, sốt cao để đến ngay cơ sở y tế cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết, theo khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới với bệnh nhi mắc SXH nhẹ, đơn thuần với các triệu chứng như nổi ban, đi ngoài… có thể dùng thuốc hạ sốt paracetamol, uống oresol ngay từ đầu. Cha mẹ có thể theo dõi, điều trị tại nhà theo tư vấn của bác sĩ, nhưng đặc biệt lưu ý không được dùng ibuprofen khi con bị SXH dễ khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng. 

Với SXH ở thể cảnh báo, tức là bệnh nhi có thể chuyển nặng bất cứ lúc nào với các triệu chứng như đau bụng vùng hạ sườn phải, trẻ nôn nhiều, kích thích vật vã, chảy máu niêm mạc mũi, răng, lợi nhiều, có đi ngoài ra máu, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo cần được cho trẻ đi khám và nhập viện điều trị chứ không nên chờ đến khi trẻ sốc nặng mới đưa vào viện.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.