Cánh đồng đất sét ở Krông Ana bị băm nát

TP - Mặc dù UBND huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) đã ra quyết định ngừng khai thác đất sét trên địa bàn toàn huyện, nhưng những cánh đồng đất sét vẫn tiếp tục bị khai thác tan hoang.

Buôn Sah (xã Ea Bông) có nguồn tài nguyên đất sét khá dồi dào, nên từ lâu đã trở thành nơi chuyên sản xuất gạch cung cấp cho thị trường cả hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

Con đường đầu băng qua cánh đồng đất sét, dẫn vào buôn Sah lầm bụi. Những chuyến xe tải liên tục nối đuôi nhau chở đầy đất sét về các lò sản xuất gạch. Nhóm phóng viên chúng tôi chứng kiến trên cánh đồng bằng phẳng, ngay nơi có biển cấm khai thác đất sét, những chiếc máy múc công suất lớn vẫn ầm ầm xẻ đất đổ vào thùng  ô tô. “Nếu trời không mưa họ làm suốt đêm, chẳng một ai đến kiểm tra. Thi thoảng có đoàn của cơ quan chức năng đến, họ tạm dừng ít hôm, rồi lại khai thác tiếp ” – Một người dân cho biết.

Chiều thứ 7, chúng tôi tiếp tục đến khu vực đang khai thác đất sét trái phép, các phương tiện nối đuôi nhau chở đất sét vừa được múc lên từ cánh đồng.

Sau khi phóng viên gọi điện báo lãnh đạo Phòng TNMT huyện Krông Ana, cả tiếng đồng hồ sau, lãnh đạo phòng này mới xuất hiện. Thấy động, lái máy múc và ô tô lập tức “rút quân”. Lãnh đạo Phòng TNMT cho biết: Huyện đã có công văn ngừng khai thác. Tuy nhiên, các chủ lò gạch lợi dụng ngày nghỉ để làm bậy . Khi bị lập biên bản chỗ này, họ lại chạy đi khai thác chỗ khác.

Toàn huyện Krông Ana hiện có hơn 60 cơ sở sản xuất gạch. Trong đó, xã Ea Bông có hơn 40 cơ sở, thị trấn buôn Trấp 24 cơ sở và xã Bình Hòa có 2 cơ sở. Tuy nhiên, chỉ có 2 đơn vị là Cty Việt Tân và HTX Tân Việt được cấp phép. Ông Trần Đình Chiến – Phó trưởng phòng TNMT huyện Krông Ana cho biết: Theo quy định về mức hạ điền, đơn vị khai thác đất sét chỉ được phép hạ tối đa từ 1,5 đến 2 mét (tuỳ khu vực), sau đó hoàn trả lại mặt bằng cho người dân tiếp tục canh tác.

Tuy nhiên, thực trạng khai thác đất sét đang diễn ra phức tạp, không như cam kết. Tại một vị trí cánh đồng thuộc buôn Sah 2, những chiếc máy múc loại nhỏ và lớn đang thọc sâu vào lòng đất để lấy tài nguyên. Tại vị trí PV đo được, có những nơi bị đào sâu hơn 5 mét.

Ông Nguyễn Văn Thiềm, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản (Sở Tài nguyên Môi trường Đắk Lắk) cho biết: Sở đang giao cho các huyện lập báo cáo về tình trạng khai thác đất sét, trình UBND tỉnh. Những doanh nghiệp khai thác đất sét từ cánh đồng này đều bắt buộc phải trả lại mặt bằng, hoàn thổ đạt tiêu chuẩn sau khi khai thác đất.

MỚI - NÓNG