Cao Bằng: Tuồn khoáng sản qua biên giới

Cao Bằng: Tuồn khoáng sản qua biên giới
Mặc dù UBND tỉnh Cao Bằng có quyết định “Tạm ngừng xuất khẩu quặng sắt, manggan sang Trung Quốc để ưu tiên sản xuất trong nước” nhưng ở huyện biên giới Trùng Khánh, tình trạng khai thác, vận chuyển quặng trái phép vẫn rất nóng bỏng…

Ở bản Khuông, xã Thông Huề, có 3 điểm khai thác quặng mangan trái phép. Trữ lượng quặng ở đây không nhiều, các cơ quan thăm dò khoáng sản Cao Bằng xác định chỉ là điểm quặng khai thác tận thu chứ không phải là “mỏ quặng”.

Cty khoáng sản và luyện kim Cao Bằng, doanh nghiệp Nam Mạch đã có công văn gửi Sở Tài nguyên môi trường, UBND tỉnh xin được cấp đất mỏ nhằm tận thu quặng, ngăn không cho tư nhân vận chuyển quặng sang biên giới.

Điểm quặng Khau Khà, Luộc Phang đã được tỉnh Cao Bằng quyết định cấp đất, Cty khoáng sản và luyện kim Cao Bằng đã tiến hành đền bù cho nông dân số tiền lên tới trên 600 triệu đồng. Nhưng đã nửa năm trôi qua Cty vẫn chưa tiến hành khai thác được, bởi người dân tìm mọi cách ngăn cản để dễ bề lấy quặng bán.

Trên đồi Khau Khà, Phia Ngần ngày nào cũng có người làm quặng không kể mưa nắng, có người mua chủ hầm sẵn sàng đáp ứng. Anh Khiêm, một người buôn quặng nói: Trời mưa đi càng an toàn, đi mới không sợ công an bắt.

Đồi Khau Khà chỗ nào cũng có hầm hố sâu hun hút, có hầm đã bỏ hoang sâu hơn chục mét ngay rìa đường, trâu bò sểnh chân cũng có thể rơi xuống chết. Người lạ vào có khi không dám bước vì những hố quặng dọc ngang xen kẽ lẫn nhau.

Không có cái gì dễ kiếm tiền như làm quặng, mỗi ngày xui nhất cũng được một trăm nghìn. Chính vì mối lợi lớn, nên cả công nhân khoáng sản, bác sỹ, con em cán bộ xã cũng thi nhau đi buôn quặng.

Chúng tôi đến đếm được trên đồi Khau Khà có cả thảy 10 hầm quặng đang có người khai thác. Mấy hôm trước vì sợ công an, dân chỉ khai thác vào đêm. Cạnh đường tỉnh lộ 206, một hai giờ sáng vẫn đông như họp chợ. Có đêm có tới 5 - 6 chục chiếc xe máy đến chở quặng.

Giờ họ đánh liều làm cả ban ngày kẻ đào người sàng, người cân, người gánh rất tấp nập. Chỉ vài ba điểm quặng ở Bản Khuông, ngày cũng có trên chục tấn quặng được xuất đi. Có hầm đông người đến mua, trúng vỉa quặng lớn, kiếm 1 - 2 tấn, giá 1000 - 1500đ/kg thì mỗi ngày cũng bỏ túi 1 - 1,5 triệu đồng. Nghe nói có người độc chiếm Phia Ngần, một mình mở hai hầm, ngày nào cũng kiếm được vài ba triệu bỏ túi, ngày cao điểm thì cũng phải được trên dưới 10 triệu.

Từ khi mở hầm quặng trái phép, nông dân Bản Khuông “đổi đời” hẳn lên. Một tháng tích cực làm thì cũng có con xe máy “xịn” đi, còn ti vì thì chỉ cần vài ba ngày là đủ, nhờ quặng cuộc sống người dân bao đời chân lấm tay bùn đã có ngày sung sướng. Nhưng cũng buồn, hàng ngày không ai tính được một con số chính xác, tài nguyên khoáng sản quý giá của quốc gia bị đem bán lên đến bao nhiêu tấn.

Các ngành chức năng bất lực?

Đã nhiều lần, CA huyện Trùng Khánh, xã Thông Huề vận động các đoàn thể đến san lấp những hầm quặng khai thác trái phép Bản Khuông. Nhưng chỉ mấy ngày sau người dân lại vét đất lên lấy quặng bình thường.

Anh Hà Trình, Bí thư đoàn xã Thông Huề là người Bản Khuông nói: “Ngăn chặn nạn chảy máu tài nguyên vất vả lắm, đã không ít lần công an đem xe công nông chạy dọc đường truy quét tịch thu quặng nhưng rồi đâu lại vào đó”.

Những người buôn quặng phải vượt trên dưới 40km mới đến được điểm thu quặng gần biên giới. Để đi đến được nơi cần bán, họ phải đi qua 2 cơ quan quan trọng của huyện Trùng Khánh là công an và UBND huyện.

Hàng ngày, lãnh đạo huyện không cần phải rình mà chỉ cần từ phòng làm việc nhìn ra cũng thấy những chiếc xe máy, xe đạp vụt qua trước cổng nhưng không thấy ai bị bắt. Mặc dù vậy, nhưng khi chúng tôi gặp Thiếu tá Lục Văn Chất cùng tổ CA làm việc ở Thông Huề lại nói rằng không biết.

Muốn biết lên mà hỏi UBND huyện(?!). Một người đi quặng tên Khoát khoe với chúng tôi: “Tôi đi nhiều năm nay, nhưng mới chỉ bị bắt có một lần, phạt 1 triệu đồng, đi thêm vài chuyến gỡ lại được ngay”. Mỗi một chuyến xe đạp chở 1,2 - 1,5 tạ, xe máy 2 - 3 tạ trót lọt cũng kiếm được gấp đôi số tiền bỏ ra mua quặng.

Riêng ông Khoát, với chiếc xe Minsk đã được tăng thêm một lò xo giảm xóc, mỗi chuyến chở 4 tạ, tiền bỏ ra 500 - 600 ngàn đồng, đến nơi bán mỗi kg được 1,6 -1,7 tệ thì ông cũng thu trên 1 triệu đồng, lãi đến quá nửa. Chính vì buôn quặng đem lại món tiền không nhỏ, nên nhiều người đã tìm đủ mọi cách để buôn cho bằng được, ngay cả lúc công an biên phòng làm gắt gao. Những người đi quặng cho biết, hiện nay có gần chục điểm có thể bán được quặng. Nhưng được giá nhất vẫn là đường vào thác Bản Giốc.

Hiện nhà máy sơ chế quặng Cao Bằng đang quá tải, các nhà máy sơ chế mới vẫn chưa được xây dựng, từng ngày tài nguyên khoáng sản quý giá đang chảy máu, còn các lực lượng chức năng vẫn chưa tìm ra được biện pháp hữu hiệu nào để chấm dứt tình trạng khai thác vận chuyển trái phép.

MỚI - NÓNG