Cắt bỏ hàng nghìn 'ung nhọt' tham nhũng

 Phiên xử đại án tham nhũng Dương Chí Dũng. Ảnh: Hồng Vĩnh
Phiên xử đại án tham nhũng Dương Chí Dũng. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - “Trong giai đoạn 2007- 2013, đã truy tố gần 2.200 vụ án về tham nhũng với gần 5.300 bị can; xét xử 1.900 vụ với trên 4.300 bị cáo (đây chính là những ung nhọt). Các vụ án tham nhũng lớn đã, đang và sẽ đưa ra xét xử nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc đã cắt bỏ được bao nhiêu “ung nhọt” tham nhũng. 

Xét xử 4.300 bị cáo tham nhũng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa trả lời bằng văn bản chất vấn của 11 đại biểu Quốc hội. Trước đó, trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIII vào cuối tháng 11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã hứa sẽ trả lời bằng văn bản các chất vấn còn lại chưa kịp trả lời trực tiếp tại hội trường.

Đối với chất vấn của đại biểu Lê Như Tiến và đại biểu Nguyễn Thị Khá “Xin Thủ tướng cho biết trách nhiệm trước Quốc hội về kết quả phòng chống tham nhũng của các cơ quan hành chính nhà nước.

Trải qua gần 2 nhiệm kỳ, Thủ tướng đã đề nghị cắt bỏ hoặc trực tiếp cắt bỏ được bao nhiêu ung nhọt quốc nạn tham nhũng”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) luôn được Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. 

Các vụ án tham nhũng lớn đã, đang và sẽ đưa ra xét xử nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Chính phủ đã sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN và cũng đã báo cáo Quốc hội về công tác PCTN năm 2012 và 2013.

Các báo cáo đều đánh giá công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu, nhất là trong phòng ngừa tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công, thực hiện công khai, minh bạch. 

Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế. “Trong giai đoạn 2007- 2013, đã truy tố gần 2.200 vụ án về tham nhũng với gần 5.300 bị can; xét xử 1.900 vụ với trên 4.300 bị cáo (đây chính là những ung nhọt). Các vụ án tham nhũng lớn đã, đang và sẽ đưa ra xét xử nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật”- Thủ tướng cho biết.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, công tác PCTN vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc trong xã hội. 

Không ít cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa tự phát hiện được tham nhũng. Tham nhũng được phát hiện chủ yếu từ người dân, báo chí phản ánh hoặc do cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra phát hiện. Hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng về PCTN có mặt còn hạn chế. Việc xử lý một số vụ việc tham nhũng còn chậm.

Thời gian tới, thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, địa phương trong bộ máy hành chính nhà nước thực hiện nghiêm túc các quy định về PCTN, thực hiện đồng bộ các giải pháp với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật để tạo chuyển biến tốt hơn. 

Quy định rõ và đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu...

“Những kết quả đạt được và những hạn chế yếu kém trong PCTN có phần đóng góp cũng như trách nhiệm của Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ”- Thủ tướng chốt lại nội dung trả lời câu hỏi này.

Kỷ cương chưa nghiêm do công tác quản lý cán bộ, công chức

Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Thị Huệ về việc thực hiện kỷ cương kỷ luật hành chính chưa nghiêm, lặp đi lặp lại nhiều năm, chưa được khắc phục, thậm chí còn có biểu hiện gia tăng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, kỷ luật kỷ cương trong thực thi pháp luật đã có nhiều tiến bộ nhưng có những mặt, những việc vẫn chưa nghiêm là một hạn chế, yếu kém, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội và bức xúc trong nhân dân. 

Kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm trước hết là do công tác quản lý cán bộ, công chức còn nhiều bất cập. Trách nhiệm cán bộ, công chức, nhất là của người đứng đầu chưa được đề cao đúng mức; vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý.

Sự phân định phạm vi và trách nhiệm trong lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền chưa đủ rõ, hiệu lực hiệu quả chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tinh thần thượng tôn pháp luật chưa được quán triệt và thực hiện nghiêm túc trong hoạt động của một số cơ quan hành chính nhà nước và trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao kỷ luật kỷ cương hành chính. Thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước và Đề án cải cách chế độ công vụ, công chức...

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.