Cấu kết với “cò” ăn chặn tiền vay của người nghèo?

TP - Người dân nghèo ở huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng)  đang rất bức xúc vì bị “cò” thao túng và ăn chặn khoản tiền vay từ Quỹ tín dụng nhân dân Huỳnh Hữu Nghĩa.

Bị “cò” thao túng?

Bà Nguyễn Thị Tâm, ngụ tại ấp Cầu Đồn, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, các con đang ăn học nên bà  làm hồ sơ vay vốn ở Quỹ tín dụng nhân dân Huỳnh Hữu Nghĩa nhưng không được giải quyết vì “tài sản thế chấp không lớn”. 

Sau đó, được bà Lê Thị Minh Thúy (ở thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa) “giúp” nên được vay 30 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận tiền, bà Tâm chỉ nhận được 24 triệu. Bà phải chi tiền hoa hồng 10% hết 3 triệu, gửi lại quỹ tiết kiệm của tín dụng 3 triệu. 

Bà Tâm cho biết: “Hàng ngày tôi phải đóng 180.000 đồng cả vốn là lãi trong suốt 186 ngày”. Tính ra, sau 6 tháng vay bà Tâm phải đóng cho Quỹ tín dụng Huỳnh Hữu Nghĩa 33.480.000 đồng, trong khi số tiền bà thực nhận chỉ 24 triệu đồng.

Chị Huỳnh Thị Trang (cùng ngụ tại thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa) cũng lâm vào tình trạng tương tự. Chị Trang vay 10 triệu đồng thông qua bà Thúy và phải chi tiền cò hết 1 triệu, gửi trở lại quỹ 1 triệu đồng. Mỗi ngày chị Trang phải đóng 60.000 đồng trong suốt 180 ngày. Tổng cộng số tiền chị Trang phải nộp cho quỹ này 10,8 triệu đồng trong khi số tiền chị thực nhận chỉ 8 triệu đồng.

Chị Hồ Thị Phượng (xã Mỹ Hương-huyện Mỹ Tú) vay 15 triệu đồng cũng phải chi 3 triệu vừa tiền cò vừa tiền gửi lại quỹ, mỗi ngày chị Phượng phải trả 90.000 đồng cho suốt 6 tháng.

Dù đã thế chấp tài sản nhưng để được vay 150 triệu đồng, bà Trương Thị Liền (xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú) cũng phải thông qua bà Thúy. Sau khi nhận 150 triệu, bà Thúy yêu cầu chi tiền “cò” 15 triệu. Bà Liền cho biết: “Khi nhận tiền xong, bà Thúy yêu cầu tôi đưa cho bà 15 triệu đồng tiền cò và 600.000 đồng với lý do bà Thúy đã bỏ tiền túi của mình ra đưa trước cho người của quỹ tín dụng 15 triệu đồng tiền, từ ngày giao tiền cho cò đến khi tôi vay được tiền là 4 ngày, mỗi ngày 150.000 đồng (tức là 10% của 15 triệu-PV)”.

Bà Trương Thị Hồng Trinh  (xã Thuận Hưng, Mỹ Tú) cũng vay 30 triệu đồng và chi hết 20% như các trường hợp kể trên.

Cũng theo phản ánh của các hộ dân, khi thông qua bà Thúy để vay vốn, bà con đều được yêu cầu chi trước, nếu ai không có thì bà Thúy chi tiền trước và trả lãi cho bà sau khi nhận tiền từ quỹ tín dụng. Điều đáng nói, tất cả các trường hợp “nhờ” bà Thúy mà vay được tiền đều có nhắc đến việc phải chi tiền hoa hồng cho người phụ nữ tên B. làm việc tại quỹ tín dụng.

Tự ý chặn 10% tiền vay?

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Văn Lượng-Phó Giám đốc quỹ tín dụng Huỳnh Hữu Nghĩa cho biết, hàng năm quỹ tín dụng Huỳnh Hữu Nghĩa cho người dân vay khoảng 70 tỉ đồng với lãi suất 1,2%/tháng.  “Người dân vay vốn phải thông qua “cò” và chi tiền cò 10% thì chúng tôi không nắm được. Riêng khoản tiền bà con phải gửi tiết kiệm của Quỹ tín dụng Huỳnh Hữu Nghĩa trị giá 10% là có thật”- ông Lượng nói. 

Theo ông Lượng, do bà con vay tín chấp nên rất rủi ro, nên chúng tôi yêu cầu bà con phải trích 10% tiền vay gửi tiết kiệm. Việc gửi này có tính lãi suất theo mức gửi không kỳ hạn là 1%/năm. Khi nào bà con trả hết nợ thì sẽ được trả lại số tiền đó cộng với lãi.

Riêng về nhân vật được bà con phản ánh là cán bộ tín dụng tên B. cấu kết với “cò” để cho vay, ông Lượng xác nhận: “Đúng ở cơ quan tôi có bà H.T.B., Trưởng phòng tín dụng. Còn bà Thúy là con một vị cán bộ UBND huyện Mỹ Tú nhưng đã nghỉ hưu nhiều năm nay”.

Chiều 18/7, tại trụ sở Ngân hàng hợp tác (Co.op Bank) chi nhánh Sóc Trăng (Đơn vị quản lý trực tiếp quỹ tín dụng nhân dân Huỳnh Hữu Nghĩa)  một nữ cán bộ Văn phòng khẳng định: Co.op Bank không có chủ trương người vay tiền từ quỹ tín dụng phải gửi lại tiết kiệm 10%.

MỚI - NÓNG