Cầy vằn Cúc Phương nhiễm H5N1: Ém nhẹm thông tin?

Cầy vằn Cúc Phương nhiễm H5N1: Ém nhẹm thông tin?
TP - Vụ cầy vằn Cúc Phương lần thứ hai nhiễm H5N1 trong vòng hơn hai năm không chỉ làm tăng lo ngại về nguy cơ chủng virus độc lực cao có thể lây sang nhiều loài khác nhau mà còn là biểu hiện của sự sơ hở, chủ quan và tệ hại nhất là ém nhẹm thông tin.

Cùng với thông báo của đại diện Cục Thú y tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 11/3, ở Hà Nội về việc bốn con cầy vằn ở VQG Cúc Phương nhiễm H5N1, Bộ Y tế ra công điện khẩn yêu cầu Ninh Bình và các tỉnh xung quanh áp dụng các biện pháp cấp bách ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm virus độc lực cao H5N1 từ động vật sang người.

TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo tuyệt đối không ăn thịt thú rừng chết, nhất là cầy vằn. Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương thuộc Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, khẩn trương tiến hành giám sát dịch  tại VQG Cúc Phương, lấy mẫu máu và dịch họng của tám con cầy vằn đang được cứu hộ ở đó,...

Động thái trên cho thấy sự kiện cầy vằn nhiễm virus cúm gà H5N1 là nghiêm trọng. VQG Cúc Phương nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, một trong 10 tỉnh đang trong danh sách đen có dịch cúm gia cầm tính đến ngày 13/3. Nhưng khó hiểu là đối phó với vấn đề nghiêm trọng ấy dường như được thực hiện một cách đủng đỉnh.

Ngày 27/2/2008, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh thông báo kết quả xác định có virus H5N1 trên mẫu bệnh phẩm của bốn con cầy vằn chết ở VQG Cúc Phương. Ngày 28/2, mẫu bệnh phẩm kèm biên bản mổ khám bệnh tích được gửi ra Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương ở Hà Nội và xét nghiệm tại đây cho kết quả tương tự.

Tại sao sự việc chỉ được bố cáo và chỉ đạo đối phó hai tuần sau khi có kết quả xét nghiệm? Phải chăng BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh không kịp thời báo cáo về Bộ Y tế hay Bộ Y tế nhận được báo cáo và không xử lý kịp thời? Câu hỏi tương tự cho Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương và Cục Thú y cách nhau chưa đến 100 m trong cùng một khuôn viên bên cạnh BV Bạch Mai, Hà Nội.

Có ý kiến cho rằng, nếu thông tin không được đưa trên báo chí trước đó, ngày 10 và 11/3, phản ứng của hai cơ quan công quyền có lẽ còn chậm hơn. Từng xảy ra tình trạng hầu như không có thông báo và phản ứng gì về ba con cầy vằn cũng ở VQG Cúc Phương nhiễm virus H5N1 và chết hồi tháng 6/2005. Các nhà bảo tồn âm thầm ghi chép số liệu và phục vụ nghiên cứu khoa học thuần túy. Cơ quan quản lý thì im lặng.

Lùi xa hơn một chút, theo TS Trần Công Xuân (Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam), Trung tâm Nghiên cứu Giống Gia cầm Thụy Phương thuộc Viện Chăn Nuôi, Bộ NN&PTNT, từng giấu nhẹm thông tin về cúm gia cầm bùng phát ở trung tâm. Hậu quả tày đình của sự giấu nhẹm thông tin, vẫn theo TS Xuân - nguyên Giám đốc Trung tâm, là sự bùng phát dịch cúm gia cầm trên toàn quốc năm 2003.

Thanh tra Bộ NN&PTNT tìm hiểu và kết luận không có chuyện đó. TS Xuân cảnh báo, nếu cơ quan quản lý cứ mũ ni che tai như vậy, người làm sai không bị chỉ đích danh và xử lý, khó tránh khỏi thảm họa một khi vụ việc tương tự xảy ra.

Đến giờ này, cầy vằn Cúc Phương nhiễm virus H5N1, cũng giống vụ năm 2005, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Quan chức cả hai Bộ Y tế và NN&PTNT hôm 11/3 đều thừa nhận hoàn toàn không biết quả bom dịch cúm gia cầm trên người khi nào sẽ nổ.

Đó đây lưu truyền tin đồn, không chỉ ở Cúc Phương, một số khu bảo tồn khác, trong đó có VQG Tam Đảo, cũng có động vật hoang dã chết không rõ nguyên nhân mà không được làm rõ và thông báo.

Nếu cứ tiếp tục chậm trễ, gián đoạn thông tin thế này, dịch cúm gia cầm trên người một khi bùng phát từ trong rừng, thay vì từ trang trại, ai sẽ chịu trách nhiệm?

MỚI - NÓNG