Cha chữa bệnh cho con bằng bìa các tông

Nhưng khi tháo bìa các tông ra thì tay lại co rút như ban đầu.
Nhưng khi tháo bìa các tông ra thì tay lại co rút như ban đầu.
Khuôn mặt bé thánh thiện, đôi mắt mong manh màu nước, lúc nào cũng buồn thê thiết. Bé đang mang trong mình căn bệnh quái ác chưa rõ nguyên nhân. Người cha thương con không biết phải làm sao, bèn nghĩ ra cách nẹp tay chân con bằng miếng các tông, để kìm hãm sự co rút mỗi ngày.

"Thiên thần co rút"

Trên tấm chiếu rách như xơ mướp giữa nhà, bé Nguyễn Thị Kim Ngân (10 tuổi) ngồi vật vờ nghịch búp bê, bên cạnh là đứa em gái lem luốc, trần truồng đang no giấc. Căn nhà cuối con ngõ nhỏ ở TP. Phan Thiết (Bình Thuận) chợt nhộn nhịp bởi tiếng xe máy phành phạch phi về. Bé Ngân bỏ chơi, cười toe toét reo khẽ: "ba về".

Chiếc xe ba gác của anh Nguyễn Đức Lâm (37 tuổi), chất đầy những thứ làm đẹp cho chị em, nào là kim khâu, bấm móng tay, thêm vài cái kẹp tóc, ráy tai… Suốt 15 năm qua, người đàn ông này dậy thật sớm, treo móc lỉnh kỉnh mớ bòng bong ấy vào xe rồi vào thành phố Phan Thiết, chạy khắp các ngõ ngách trong khu dân cư bán dạo. Mỗi ngày, anh được hơn trăm ngàn tiền lời, đủ để mắm muối, mua vài hộp sữa cho lũ con.

Cách đây 15 năm, cũng nhờ cái nghề bán dạo dụng cụ chuốt "nhan sắc" chị em, cộng thêm tài "hót hay" ở chợ trời Sài Gòn, Lâm đã lọt vào mắt xanh của cô công nhân Võ Thị Hoàng Thư (32 tuổi). Hò hẹn cà phê vỉa hè vài lần, họ đến với nhau như đôi chim quyên lạc đàn.

Không thể bám trụ ở Sài Gòn, hai vợ chồng dắt díu nhau về Phan Thiết. Tình yêu có được từ sự đồng cảm cảnh ngộ. Không hôn thú, không giấy tờ chứng minh, những đứa con lần lượt ra đời. Bé trai đầu tiên lành lặn, khỏe mạnh, rau cháo lớn lên.

Rồi đến Ngân, lúc mới sinh nõn nà, bụ bẫm như búp bê. Đôi mắt bé đen láy, tròn như hạt nhãn, lúc nào cũng mọng nước. Gần một tuổi, bé bị nổi hạch ở vai, cục hạch chế ngự ở đó mấy tháng trời không lặn. Vợ chồng anh Lâm không dám đưa con tới bệnh viện bởi nghĩ khoản tiền viện phí vài triệu, lấy đâu ra lúc này. Cuộc sống hối hả chạy theo nỗi lo cơm áo, cục hạch của bé Ngân không mất đi cũng không đau đớn nên dần trôi vào quên lãng. Năm học lớp 3, tự nhiên bé Ngân hay bị té ngã. Cứ đụng đâu là ngã đó, không thể làm chủ được đôi chân.

Những đứa trẻ hàng xóm cho rằng bé Ngân đẹp nên chảnh chọe, ra vẻ yểu điệu thục nữ, ẻo lả suốt ngày. Nhiều khi chúng cố tình hè nhau xô bé Ngân ngã đập mặt xuống đất. Ngân cố đứng lên, vừa khóc vừa chạy về nhà.

Ở trường học, bạn bè thường mỉa mai em điệu đà, làm dáng, không ai đụng vào cũng ngã. Cho đến một ngày bé Ngân không thể cầm bút viết, bởi hai tay co rút lại, tựa như rùa. Cô giáo chủ nhiệm gọi vợ chồng anh Lâm lên viết đơn xin cho con tạm nghỉ học để chữa bệnh.

Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Thuận chẩn đoán bé Ngân bị loạn nhược cơ chưa rõ nguyên nhân. Anh Lâm tức tốc đưa con vào Sài Gòn, cầu may ở nơi y học phát triển sẽ có một chẩn đoán chính xác, để có hướng chữa trị. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bé Ngân được chẩn đoán là: Bệnh lý cơ không xác định; tổn thương đám rối và rễ thần kinh không xác định. Bệnh viện chấn thương và Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh chẩn đoán bé bị loạn dưỡng cơ.

Bé Ngân phải ở lại dài ngày để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị, sẽ rất tốn kém. Thế là, anh Lâm bất lực ôm con trở về, tiền bạc vay mượn cũng hết sạch, đến ăn còn không có lấy gì đóng các khoản phí. Có chiếc xe mua trả góp mới chạy được ba tháng, anh Lâm phải bán tháo được 4 triệu đồng trả nợ tiền thuốc của con gái.

Cha chữa bệnh cho con bằng bìa các tông ảnh 1

Sổ khám bệnh khắp nơi của bé Ngân.

Anh Lâm ân hận tự trách bản thân: "Chắc ngày mới sinh bé nổi hạch mà không được chữa trị kịp thời nên giờ di chứng. Tôi day dứt suốt, nhìn con mà ứa nước mắt. Giờ chỉ mong nhà còn cái gì có giá trị để bán lo thuốc cho con". Nhìn quanh ngôi nhà hoen ố rêu xanh, nhộm nhoạm gạch cũ, gạch mới do hai vợ chồng tự chắp vá 10 năm mới hoàn thành, nó rỗng thếch, cái giá trị nhất là chiếc tivi cũ rích, bán chẳng ai mua.

Biết bệnh tật của mình, bé Ngân ngày càng ít nói, em thể hiện cảm xúc bằng ánh mắt long lanh màu nước. Chân, tay ngày càng ro quắp, ngay cả cầm muỗng xúc cơm, bé Ngân cũng không làm nổi. Hễ đưa cơm gần vào miệng thì lại rơi xuống đất, văng tung tóe khắp nhà. Ở khu phố người ta đặt cho bé Ngân biệt danh là "thiên thần co rút".

Ai đến nhà chơi nhìn thấy cảnh Ngân vục đầu ăn cơm đều không nén nổi xúc động. Vợ chồng anh Lâm lại ứa nước mắt. Nhìn căn nhà trống trước hở sau, anh Lâm bàn với vợ bán lấy tiền chữa bệnh cho con, nhưng nhà xây trái phép, chẳng ai dám mua. Ngân nghe loáng thoáng ba mẹ định bán nhà, liền bỏ ăn mấy ngày. Gặng hỏi mãi, bé mới gục đầu vào lòng ba nói: "Ba đừng bán nhà, con chịu được".

Cha chữa bệnh cho con bằng bìa các tông ảnh 2

"Đồ nghề" chữa bệnh cho con của anh Lâm.

Nỗi đau liên tiếp chồng lên nhau, trong thời gian bé Ngân bị bệnh lạ, thì chị Thư lại có bầu. Sinh con xong, chị bị bệnh đau khớp không thể làm gì. Bớt đi một lao động, tăng thêm một miệng ăn, gia cảnh quá túng quẫn, anh trai của Ngân đang học lớp 4 đã tự nguyện nghỉ đi bán hàng phụ giúp gia đình.

Chữa bệnh cho con bằng bìa các tông

Không tiền chạy chữa, nhìn con hom hem mỗi ngày, anh Lâm chẳng thể nào tập trung vào việc kiếm tiền. Trước kia anh đi bán cả ngày, tối mịt mới về. Nhưng nay vì thương con quá, anh chỉ bán một buổi, thời gian còn lại anh tỉ mẩn chăm con, vắt óc nghĩ ra cách chữa trị cho con. Nghĩ là làm, anh kiếm tấm bìa các tông, cắt theo hình bàn tay, bàn chân rồi bó tay chân con gái để các cơ không thể co rút lại. Anh lý giải: "Nếu không tìm cách kéo các ngón tay lại, nó sẽ co rút như rùa. Tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là nẹp chặt nó lại, duỗi thẳng các đốt ngón tay may ra cứu vãn được".

Mỗi tối trước khi đi ngủ, anh Lâm cắt miếng các tông theo khuôn bàn tay, bàn chân. Anh đặt con nằm trên giường, quấn thật chặt các ngón tay, ngón chân cho duỗi thẳng ra. Bé Ngân nằm bất động như thế để ngủ. Sáng dậy, khi tháo miếng các tông ra, bàn tay bé đỏ au, có chỗ tím bầm vì máu không lưu thông được, ngón tay ngay lập tức co rút lại.

Thấy không có hiệu quả, anh Lâm tiếp tục nẹp tay con cả ban ngày. Mỗi ngày ba lần. Bé Ngân thủ thỉ: "Ba làm vậy em khó chịu lắm, nhưng phải ráng vì ba thương em nhất nhà". Bó tay con bằng phương pháp thủ công đôi khi làm con đau, con khóc suốt đêm. Anh Lâm dành được ít tiền đến đề cập với bác sĩ bó bột hai bàn tay con lại và cứ nửa tháng thì tháo, nhưng bác sĩ từ chối.

Chẳng biết nghe ai mách mà chiều nào đi làm về anh Lâm cũng cõng con ra bãi biển đắp cát lên chân tay, rồi ngồi đó để sóng biển tràn vào người. Cát biển mặn sẽ làm chân tay cứng lại, giảm co rút đi. Người ta mách anh như thế nên anh làm theo. Tác dụng chưa thấy nhưng bé Ngân rất thích được vày vũng cát biển. Bé có thể ngồi trước biển hàng giờ và chắp tay cầu nguyện một phép màu kỳ diệu.

Một bác sĩ từng thăm khám cho bé Ngân cho biết, đây chỉ mới là giai đoạn đầu của bệnh, nếu không được chữa trị kịp thời, tình trạng của bé Ngân sẽ ngày càng nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong. Nhưng điều quan trọng bây giờ là phải có tiền thì mới có thể cứu vãn được cuộc đời và tương lai đứa bé tội nghiệp này.

Trước khi ra về, chúng tôi ngoái lại hỏi bé Ngân: "Con có muốn chữa bệnh không"?. Bé gật đầu lia lịa. "Bây giờ chữa bệnh là phải bán nhà". Bé im lặng một lúc rồi gục mặt vào vai ba khóc nức nở. Bé nói trong tiếng nấc: "Con không muốn bán nhà, bán nhà thì anh em ở đâu. Thà con bị bệnh chứ con không chịu bán nhà"

Theo Theo Cảnh sát toàn cầu
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).