Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Thủ tướng phê bình 13 bộ trưởng, chủ tịch tỉnh

TP - “Chúng ta đã phải trả lãi vay để huy động nguồn lực mà tiền đọng lại không tiêu được. Vốn dư gửi tại Kho bạc Nhà nước lúc nào cũng khoảng 120.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói. Theo ông Mai Tiến Dũng, Thủ tướng phê bình 13 chủ tịch tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng các đơn vị vì để tình trạng giải ngân chậm vốn đầu tư công.

Vốn dư gửi kho bạc 120 nghìn tỷ đồng

Ngày 25/7, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra 13 bộ, cơ quan, địa phương về tình hình chậm giải ngân vốn đầu tư công năm 2017. Theo ông Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, một trong những điểm nghẽn của tăng trưởng là do giải ngân vốn chậm. “Chúng ta đã phải trả lãi vay để huy động nguồn lực mà tiền đọng lại không tiêu được. Vốn dư gửi tại Kho bạc Nhà nước lúc nào cũng khoảng 120.000 tỷ đồng”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Bên cạnh đó, ông Mai Tiến Dũng cũng chuyển lời phê bình của Thủ tướng tới 13 đơn vị dự họp. “Thủ tướng rất gắt gao, liên tục nhắc tôi chuyển lời phê bình tới chủ tịch tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng của 13 đơn vị”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ đồng thời nhấn mạnh, nguyên nhân chậm trễ trước hết thuộc về lãnh đạo các cơ quan, trong chỉ đạo không quyết liệt, không cụ thể.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng nói, có hiện tượng (sau này sẽ kiểm tra) đó là đẩy tiến độ giải ngân lên rồi ứng vốn lấy tiền gửi ngân hàng, tức là tăng tỷ lệ giải ngân nhưng tiền không vào đầu tư phát triển. “Tất nhiên các bộ, ngành không có, vì nếu có thì tỷ lệ giải ngân đã tăng lên. Nhưng có cái “mẹo” như vậy, hôm nay công khai, minh bạch, kiểm tra, nếu có thì không thể chấp nhận được”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Ông Dũng cho biết thêm, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, trong đó có 13 đơn vị hôm nay, phải có giải pháp mạnh nhất để tập trung giải ngân quyết liệt. Nếu năng lực nhà thầu thi công không đáp ứng được thì thay thế nhà thầu. Nếu bộ phận cán bộ theo dõi năng lực không tốt hoặc có vướng mắc thì sắp xếp, thay thế cán bộ. Nếu do mặt bằng thì phải trực tiếp chỉ đạo giải phóng mặt bằng. “Tinh thần là thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, “không thể chấp nhận việc có tiền, có vốn mà không tiêu được do thủ tục của chúng ta, do không chỉ đạo quyết liệt”, ông Dũng nhấn mạnh.

Nặng gánh lãi vay

Theo báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng, nếu không có giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế, trong khi tỷ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công ngày càng có nguy tăng cơ cao. Đặc biệt, việc giải ngân chậm khiến Chính phủ phải gánh lãi vay của dân. “Việc huy động phát hành trái phiếu Chính phủ xong rồi không tiêu được, chậm tiêu lại quay nằm ở ngân hàng là tiền “luẩn quẩn”, báo cáo nêu rõ.

Lý giải cho việc chậm giải ngân, Bộ KH&ĐT cho biết, nguyên nhân chính là thủ tục hành chính “hành” dự án đầu tư. Điển hình như việc xây dựng Học viện Chính sách và Phát triển. Theo đó, từ cuối năm 2016, Bộ KH&ĐT đã gửi bản vẽ thi công và dự toán sang Bộ Xây dựng để thẩm tra hồ sơ nhưng 2 tháng sau mới được trả lời. Sau quy trình thẩm tra sẽ đến thủ tục thẩm định nhưng do thay đổi chính sách pháp luật… nên mãi đến tháng 7 mới xong. “Như vậy là từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 7 năm nay, mất 9 tháng chỉ cho việc làm thủ tục triển khai dự án”, đại diện Bộ KH&ĐT than thở. Nghe đến đây, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lắc đầu ngao ngán: “Mới chỉ là thủ tục giữa bộ với bộ còn như thế thì nếu là quan hệ giữa địa phương với bộ chắc còn lâu nữa”.

Đại diện Bộ Ngoại giao thì kêu về việc xây dựng trụ sở, sử dụng vốn có sẵn (chuyển nguồn từ 2016 sang 2017) nhưng vẫn phải mất nửa năm làm thủ tục. Quay sang Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu, ông Mai Tiến Dũng nói: “Cái này chắc là “sáng tác” của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, chứ sao vốn chuyển nguồn cũng phải giao, phải nhiều thủ tục”, ông Dũng nói và đề nghị Bộ KH&ĐT nên cử cán bộ gây vướng mắc xuống địa phương làm để hiểu thế nào là khổ, không nên ngồi phòng lạnh vẽ thủ tục, làm chậm đà tiến chung.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng phê bình thẳng việc nhiều bộ, ngành được yêu cầu giải trình các vấn đề nhưng không có người đại diện nào dự họp. “Các bộ trốn sạch, không có một ai, chỉ mấy chuyên viên không nắm được vấn đề thế này. Bộ KH&ĐT thì may có Thứ trưởng Đào Quang Thu tham dự ở đây nhưng là với tư cách thành viên Tổ công tác của Thủ tướng chứ không phải lãnh đạo bộ”, ông Dũng nói.

Thủ tục chậm gây lãng phí lớn

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng kêu rằng, các dự án xây dựng cơ bản từ khi được phê duyệt đến khi đấu thầu, thiết kế xong thường mất cả năm. Còn đại diện tỉnh Tây Ninh thì nói thẳng: “Thủ tục, cơ chế mới siết chặt đến mức tiền không ra được”. Cũng bức xúc vì các thủ tục mới của Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhận định: Các thủ tục mới có thể giúp tránh được lãng phí 1 đồng nhưng khiến cho giải ngân bị chậm thì mất đến 3 đồng vì lãng phí.

Cùng chung quan điểm trên, ông Mai Tiến Dũng cho rằng, chậm giải ngân thì đương nhiên địa phương thiệt, nhà nước cũng thiệt nhiều. “Chúng ta sợ thất thoát nhưng đôi khi lãng phí do chậm giải ngân đầu tư công còn lớn hơn. Thất thoát một nhưng có khi lãng phí đến ba. Bởi tiền mua trái phiếu Chính phủ chúng ta phải trả lãi nhưng lại không tiêu được. Trong khi doanh nghiệp, nhà thầu phải vay tiền ngân hàng, phải trả lãi ngân hàng”, ông Dũng nói.

Thừa nhận có nhiều quy định bất cập, tuy nhiên Thứ trưởng Đào Quang Thu khẳng định “không phải tất cả do bộ “sáng tác” ra”. Bởi theo quy trình, bộ soạn thảo sau đó Chính phủ cho ý kiến rồi thống nhất trình  Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Tuy nhiên, khi sang các cơ quan trên thì bao nhiêu vấn đề được “vẽ ra”, rồi thêm bao nhiêu thủ tục… Từ đó, ông Thu cho biết, đang xem xét, tổng hợp, lấy ý kiến các đơn vị để tới đây sửa đổi Luật Đầu tư công cho phù hợp.

Ông Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “phê bình gắt gao” 13 chủ tịch tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng đơn vị để xảy ra tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Đó là: Bộ KH&ĐT, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế; Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Dân tộc, Thông tấn xã Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Riêng Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ giải ngân theo báo cáo của Bộ Tài chính là 5,8%, nhưng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, so với số vốn đã được Thủ tướng quyết định giao thì đã đạt trên 56% và con số này được Tổ công tác của Thủ tướng chấp nhận.

MỚI - NÓNG