Trả lời chất vấn Quốc hội, bộ trưởng GD-ĐT:

Chậm nhất năm 2009 bỏ thi vào đại học

Chậm nhất năm 2009 bỏ thi vào đại học
TP - Trong buổi trả lời chất vấn Quốc hội chiều qua, 30/3, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Theo lộ trình về đổi mới giáo dục đại học, dự kiến chậm nhất 2009 sẽ không còn kỳ thi vào đại học, chỉ tổ chức một kỳ thi gắn với thi tốt nghiệp phổ thông".

Chiều qua (30/3), mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội (QH), các đại biểu đã nêu lên với Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân những câu hỏi đang được hàng triệu học sinh, sinh viên trong cả nước quan tâm.

Thi tốt nghiệp thật nghiêm để bỏ kỳ thi vào đại học

“Gần đây trên các phương tiện thông tin có đưa tin sẽ bỏ thi đại học vào năm 2008. Đây là vấn đề rất nhiều phụ huynh, đặc biệt là các em học sinh cuối cấp rất quan tâm và băn khoăn. Xin Bộ trưởng cho biết quyết định chính thức về vấn đề này như thế nào?

Giải pháp nào để thực hiện việc bỏ thi và tổ chức xét tuyển đảm bảo được công bằng hợp lý, không có tiêu cực?”- Đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh (TPHCM) chất vấn.

Chậm nhất năm 2009 bỏ thi vào đại học ảnh 1

ĐB Đặng Thị Ngọc Thịnh (TPHCM) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân - Ảnh: Phạm Yên - Tiến Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trả lời: “Theo lộ trình về đổi mới giáo dục đại học, dự kiến chậm nhất 2009 sẽ không còn kỳ thi vào đại học, chỉ tổ chức một kỳ thi gắn với thi tốt nghiệp phổ thông. Lý do thi đại học thời gian qua là do các trường đại học không tin cậy kết quả thi phổ thông.

Thực ra, hai cuộc thi này đều kiểm tra kiến thức phổ thông, nhưng cách nhau 1 tháng có 1 triệu em đi thi, nên hết sức tốn kém. Chúng tôi thấy rằng, nếu xác định chống tiêu cực trong thi cử, phấn đấu thi tốt nghiệp phổ thông năm 2007 cho thực sự nghiêm, nếu được thì hãy dùng kết quả đó cho cuộc thi sau.

Năm 2008 tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp thật nghiêm túc để nghiên cứu bỏ thi đại học. Thi phổ thông có 6-8 môn, các trường đại học chỉ xét 3-4 môn của khối thi đầu vào ở trường mình, các trường đại học có thể xem học bạ cả cấp III. Ngoài ra các trường đại học có thể tổ chức kiểm tra thêm hoặc thi (bài luận để xét tư cách, tư duy) thêm tuỳ nhu cầu. Với các em đã có bằng phổ thông từ mấy năm trước, có thể thi trở lại lấy kết quả phổ thông để vào đại học”.

Chương trình học nặng vì giáo sư viết sách cho học sinh phổ thông!

Phát biểu về sách giáo khoa, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông và thay sách giáo khoa đã được thực hiện từ năm học 2002-2003. Trong 2 năm học tới, sẽ tiếp tục thay sách giáo khoa các lớp 11 và 12. Đến năm 2008, sẽ đổi mới xong toàn bộ sách giáo khoa phổ thông”.

Đại biểu Nguyễn Kim Cúc (Long An) nêu băn khoăn: “Bộ trưởng nói về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và thay sách giáo khoa, nhưng khi tiếp xúc với học sinh và giáo viên đang dạy ở các lớp phổ thông, các giáo viên này cho rằng chương trình vẫn còn quá tải”.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân giải đáp: “Khoảng 80% số người viết giáo trình mới, lúc viết không dạy phổ thông, mà là giảng viên đại học, hoặc giáo viên phổ thông nhưng đã thôi dạy mà làm công tác quản lý. Các giáo sư thường rất quý trọng kiến thức khoa học, có xu hướng đưa vào nhiều quá, mỗi môn đưa vào một chút, nhưng 7, 8 môn sẽ nhiều.

Qua nghiên cứu ở lớp 6 và lớp 7 ở một số môn, thấy rằng chương trình học có khi quá sức học sinh đến 40%-50%... Chỗ này chúng tôi đã quyết định từ hè năm 2007, Bộ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc hàng năm về sách giáo khoa và đồ dùng dạy học để liên tục hoàn thiện sách và đồ dùng dạy học qua thực tiễn triển khai”. 

Hoan nghênh Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân

Phát biểu kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian để hoan nghênh “phong cách Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân”. Chủ tịch QH nói:

Hoan nghênh Bộ trưởng khi nghe thông tin qua kênh chất vấn đã có hành động cụ thể, ví dụ như trường hợp Giáo sư Vũ Văn Chuyên, sáng nay Bộ trưởng đích thân xuống tận nơi xem xét để có báo cáo với Quốc hội và đề xuất hướng xử lý, tôi nghĩ đây là một phong cách rất cần thiết đối với một vị tư “lệnh của ngành”.

Có lẽ lần đầu tiên, một đồng chí Bộ trưởng của chúng ta đã có 3 báo cáo sau một kỳ lên trả lời chất vấn tại QH, đó là:

Thực hiện kết luận của Chủ tịch QH tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội kỳ họp thứ 10, QH khoá XI; Báo cáo kết quả thực hiện trả lời chất vấn của các ĐBQH và các kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XI; và báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XI. Mặc dù đã có kế hoạch đi công tác, nhưng đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã thu xếp lại và xin được trả lời chất vấn đầu tiên, để ngày mai (31/3) có thể đi công tác được.

Đêm hôm qua, Bộ trưởng cùng với các cộng sự của mình đã thức đến hơn 2 giờ sáng để chuẩn bị tất cả các câu trả lời này, bởi vì câu hỏi gửi đến rất muộn. Đây là tinh thần làm việc rất nghiêm túc.  

MỚI - NÓNG