Chất vấn tại QH : Chưa thể thu hồi vốn thất thoát tại PMU18

Chất vấn tại QH : Chưa thể thu hồi vốn thất thoát tại PMU18
TPO - Sáng nay, 24/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn 8 vị lãnh đạo bộ, ngành . Ông Hồ Nghĩa Dũng, tân Bộ trưởng Bộ GTVT là người đăng đàn đầu tiên với 15 câu hỏi chất vấn xung quanh nhiều vấn đề "nóng" gây bức xúc xã hội.
Chất vấn tại QH : Chưa thể thu hồi vốn thất thoát tại PMU18 ảnh 1
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh : TTXVN

Có 15 câu hỏi chất vấn dành cho Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng liên quan đến bốn nhóm vấn đề:

1. Tình trạng gia tăng các vụ tai nạn giao thông và giải pháp để giảm số vụ tai nạn; 2. Việc quản lý đầu tư xây dựng không hiệu quả và biện pháp để giải quyết vấn đề trên; 3. Việc buông lỏng quản lý cán bộ dẫn đến nhiều vụ tiêu cực lớn gây bức xúc trong xã hội; 4.Các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm quốc gia thực hiện chậm và nguyên nhân của tình trạng này.

Tai nạn giao thông tăng do hạ tầng yếu kém

Về vấn đề số vụ tai nạn giao thông, Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận trong năm 2006, số vụ tai nạn giao thông gây chết người vẫn tiếp tục gia tăng (10.000 người thiệt mạng) nhưng số người bị thương (gần 20.000 người) trong các vụ tai nạn giao thông có giảm.

Trước phần chất vấn sáng nay, ông Huỳnh Đảm, Tổng thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đọc báo cáo tổng hợp của 860 ý kiến kiến nghị của các cử tri liên quan đến những vấn đề gây bức xúc cho dư luận hiện nay. Theo đó, có tổng cộng 94 đại biểu đăng ký chất vấn 8 Bộ trưởng với 195 câu hỏi liên quan đến 31 cơ quan.

Các lãnh đạo bộ, ngành tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội gồm:

Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng; Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân; Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Hiện.

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng thì "Nguyên nhân chính dẫn đến số vụ tai nạn giao thông gia tăng là do kết cấu hạ tầng giao thông của ta hiện nay yếu kém.

Trong thời gian qua, dù đã nâng cấp làm mới 1.200km đường nhưng với sự phát triển nhanh của các phương tiện giao thông thì kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được.

Đến nay trên cả nước có 18 triệu 600 nghìn xe mô tô và 960.000 ô tô. Số liệu cho thấy hơn 40% vụ tai nạn giao thông là do ô tô, xe máy (tăng 17%/năm). Các vụ tai nạn xảy ra do ý thức của người tham gia giao thông không tốt, chưa hình thành văn hóa giao thông".

"Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương, nhiều hành lang an toàn giao thông bị xâm hại nghiêm trọng. Có rất nhiều đường đấu nối trái phép với các trục lộ giao thông chính diễn ra tràn lan.. Việc kiểm tra, kiểm sóat của Thanh tra giao thông, CSGT có những thời điểm bị buông lỏng...”- Ông Hồ Nghĩa Dũng nói tiếp.

Về vấn đề quản lý vốn đầu tư xây dựng làm sao cho hiệu quả, ông Dũng cho rằng cần phải phân cấp mạnh mẽ hơn nữa và phải bỏ 2 “ông chủ” là chủ đầu tư dự án và chủ quản lý doanh nghiệp. Nếu thực hiện được sẽ xóa được việc đầu tư khép kín như đang diễn ra hiện nay. Thời gian tới Bộ sẽ lập Cục thuộc Bộ để quản lý đầu tư.

Vụ PMU18 : Chưa thể thu hồi vốn thất thoát trong năm nay

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) đặt câu hỏi: Nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ bản bị PMU 18 rút vốn dẫn đến tình trạng chất lượng công trình thấp. Cử tri yêu cầu thu hồi lại vốn đã bị thất thóat nói trên trong năm nay vậy Bộ có ý kiến như thế nào?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Cho đến ngày hôm nay, việc kết luận thất thoát và hậu quả do PMU gây ra vẫn chưa được các cơ quan có chức năng công bố nên việc thu hồi vốn thất thoát chưa thể thực hiện được. Về cá nhân và cơ quan có liên quan, Bộ đã cho tiến hành kiểm điểm và có biện phát xử lý nghiêm khắc.

Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn: Bộ trưởng, với tư cách là “Tư lệnh” ngành giao thông phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước dân, nếu trong năm 2007 tình hình tai nạn giao thông vẫn tăng thì trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Về tình hình tai nạn giao thông gia tăng thì tôi cho rằng đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ở các địa phương. Hơn nữa, tai nạn giao thông gia tăng là có tính lịch sử không thể khắc phục ngay được.

Chúng tôi cũng đặt mục tiêu kiềm chế hướng tới giảm tai nạn giao thông nhưng điều này sẽ khó thực hiện nếu như lượng xe tham gia giao thông tiếp tục tăng nhanh nhưng chúng ta lại chưa có giải pháp kiềm chế vấn đề này.

Về trách nhiệm thì tôi sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Trách nhiệm đến đâu thì chịu đến đấy.

Công trình trọng điểm quốc gia chậm tiến độ do... chậm cấp vốn

Đại biểu Phan Thị Thu Hà đặt 4 câu hỏi: 1. Tại Đăk Nông có nhà thầu cho rải thảm đá trên mặt đường nhựa dẫn đến tình trạng làm hư mặt đường.Bộ có biết hay có chỉ đạo gì trong việc này không?

2. Có rất nhiều công trình xây dựng trọng điểm quốc gia hiện đang bị chậm tiến độ từ một đến vài năm. Đề nghị Bộ giải thích nguyên nhân?

3. Nhiều người dân phàn nàn về tình trạng bụi bẩn gây ô nhiễm trong xây dựng. Bộ có biện pháp gì để bảo vệ sức khỏe của người dân? Người dân có được bồi thường nếu bị ảnh hưởng sức khỏe do bụi bẩn xây dựng?

4. Nâng cấp, làm mới công trình giao thông thường buộc người dân phải tôn nền, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, Bộ giải quyết thế nào?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Về việc rải đá trên đường Bộ không có chỉ đạo gì. Không có giải pháp kỹ thuật làm đường nào cho phép rải đá lên mặt đường như vậy. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xem xét trường hợp này.

Chúng tôi cũng xin nhận có thiếu sót do có một số công trình trọng điểm bị chậm tiến độ. Nguyên nhân dự án chậm tiến độ là do thời gian qua vốn cấp cho các dự án chậm kể cả vốn ngân sách và trái phiếu. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu có có biến động dẫn đến việc các dự án trên phải điều chỉnh lại tổng dự tóan và phải qua các cấp phê duyệt lại.

Thêm nữa công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn tại các địa phương. Có trường hợp giải phóng mặt bằng xong, chuẩn bị xây dựng nhưng do giá tăng cao nên nhà thầu bỏ dự án vì nếu làm sẽ bị lỗ nặng.

Năng lực của các nhà thầu yếu kém, tài chính, nợ đọng của doanh nghiệp lớn dẫn đến việc cân đối vốn cho các công trình gặp khó khăn. Bộ GTVT cũng có buông lỏng, chưa có biện pháp quyết liệt. Tôi xin nhận trách nhiệm đó.

Theo quy định, trong các dự án phải có nội dung về bảo vệ môi trường thì mới được thông qua. Trong luật môi trường và đầu tư xây dựng cũng có quy định vấn đề này nhưng trong quá trình thực hiện việc tuỳ tiện là rất phổ biến. Còn nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm trong xây dựng thì trách nhiệm thuộc về nhà thầu. Chúng tôi cũng xin tiếp thu các ý kiến và hứa sẽ điều chỉnh cũng như có biện pháp đối với các trường hợp vi phạm.

Về việc tôn cao mặt đường thì phải nói là ngay bản thân chủ đầu tư, nhà thầu cũng không muốn mặt đường quá cao vì điều này làm tăng thêm mức đầu tư. Nhưng giao thông nông thôn mùa mưa thường ngập lụt nên chính người dân cũng muốn tôn nền để tránh ngập, như đoạn quốc lộ 14B đi qua Đà Nẵng.

 Tuyến đường đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên người dân cũng có ý kiến do đường cao hơn nền nhà của dân, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Chúng tôi đã xử lý bằng hệ thống cống rãnh, nhưng nhiều nơi chưa có hiệu quả. Tôi xin ghi nhận, cho kiểm tra cụ thể và rút kinh nghiệm.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) đặt câu hỏi: Trách nhiệm của Bộ đến đâu khi để xảy ra việc đã gần 4 năm mà dự án cải tạo khôi phục Quốc lộ 70 vẫn chưa thực hiện được

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Việc chậm trễ trong dự án cải tạo Quốc lộ 70 là do khách quan. Chủ trương đầu tư dự án thay đổi nhiều lần nên công tác chuẩn bị, thực hiện dự án phải thay đổi. Bộ đã làm tốt chức năng của mình và đang hoàn thành việc chuẩn bị đầu tư, để dự án sớm được triển khai xây dựng. 

Có tồn tại việc mua giấy phép lưu hành đường bộ

Đại biểu Lê Thị Nga (Thanh Hoá) cũng đặt các câu hỏi: Hiện nay nhiều ý kiến về tình trạng mua “bùa” (giấy phép lưu hành đường bộ) đối với các loại xe. Có thứ “bùa” này các lái xe có thể chở quá tải, đi bất chấp luật lệ. Hiện Bộ đã có biện pháp gì đề xử lý các sai phạm tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA)? Bộ có cách nào để hạn chế thất thoát tại các Tổng công ty 91?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Việc cấp tuỳ tiện giấy phép lưu hành đường bộ là có. Bộ có phát hiện được một số trường hợp và đã có biện pháp kiểm điểm, kỷ luật. Bộ đang khắc phục tình trạng cấp phép này bằng cách hiện đại hoá trong các khâu đào tạo sát hạch lái xe kiểm định phương tiện theo hướng tự động hoá. Do trước đây làm thủ công nên mới  xảy ra nhiều tiêu cực như vậy.

Về tiêu cực tại của VNA và một số tổng công ty khác thì tôi cũng giải thích: VNA là tổng công ty đặc biệt (Tổng công ty 91) thuộc sở hữu trực tiếp của Chính phủ. Nhiệm vụ của Bộ GTVT chỉ là quản lý về chuyên ngành đối với các Tổng công ty 91. Hiện vụ việc đã được Thanh tra Nhà nước thanh tra nhưng chưa có kết luận cuối cùng.

Tương tự, với 3 Tổng công ty 91 khác như Hàng hải, Vinashin và đường săt thuộc ngành giao thông thì Bộ cũng chỉ quản lý một số chức năng tại các Tổng công ty này còn lại là Chính phủ chỉ đạo toàn diện. Tất nhiên những vụ việc xảy ra ở các Tổng công ty trên chúng sẽ cùng chịu trách nhiệm chung với Chính phủ.

Đại biểu Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên): Tôi muốn hỏi về hiệu quả đầu tư của tuyến đường Hồ Chí Minh. Tuyến đường đã hoàn thành nhưng hiệu quả sử dụng còn thấp. Sắp tới Bộ có biện pháp gì để nâng cao hiệu quả của việc sử dụng tuyến đường này?

Thứ hai, có cần duy trì mô hình các Ban quản lý dự án như hiện nay. Theo quy định mỗi Ban quản lý chỉ được quản một dự án trong khi Bộ đang giao cho Ban quản lý nhiều dự án thì tránh sao không thất thoát. Trong thời gian tới Bộ có chủ trưong thay đổi gì không? 

Bộ trường Hồ Nghĩa Dũng: Đường Hồ Chí Minh là dự án lớn được chính phủ và Quốc hội ra nghị quyết thực hiện. Khi bàn đến  hiệu quả, trong quyết định của Quốc hội đã phân tích rõ, là tổng hợp hiệu quả  kinh tế, xã hội chính trị, an ninh . Đây là con đường thứ hai xuyên quốc gia, trọng yếu tương đương quốc lộ 1, tạo điều kiện cho đồng bào miền núi vốn đã chịu nhiều thiệt thòi trong chiến tranh.

Chúng tôi hiện chưa có đánh giá cụ thể về hiệu quả nhưng có thể nói về hệ thống vẫn chưa đồng bộ. Khi xây đường, đi qua rừng núi, nhiều địa hình khác nhau nên đã làm phá vỡ kết cấu địa chất, gây ra nhiều sạt lở....Hệ thống đường nối với các quốc lộ khác cũng chưa đồng bộ nên chưa phát huy hết hiệu quả tổng thể. 

Việc duy trì các ban quản lý dự án là mô hình được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Chủ đầu tư có thể áp dụng hình thực quản lý trực tiếp hoặc thuê,  ở Việt Nam, các công ty chuyên nghiệp chưa nhiều, chất lượng chưa cao nên chủ đầu tư phải lập ban quản lý. Chúng tôi cũng đang xây dựng quy chế mẫu về trách nhiệm, quyền hạn của chủ đầu tư.

Việc duy trì các ban quản lý dự án là cần thiết. Các ban quản lý được lập ra để quản lý dự án.Khi dự án hoàn thành sẽ tự giải tán. Với ngành giao thông do có hàng trăm dự án khác nhau thì không thể lập ra số ban quản lý tương ứngVấn đề là phải tổ chức ban quản lý phải hiệu quả: Có ban cứng, có ban cơ động. Chúng tôi cũng tính tới việc thay đổi mô hình ban quản lý để nâng cao hiệu quả họat động.

Đại biểu Hà Sơn Nhin (Gia Lai) nêu ý kiến: Chúng ta đều biết đường 25 (Gia Lai) khi khảo sát đã làm không kỹ mà vẫn thiết kế theo khảo sát dẫn đến việc chất lượng đường kém gây thất  thoát hàng chục tỷ đồng của Nhà nước. Tại sao đã biết việc khảo sát  không tốt mà vẫn cho đầu tư? Bộ có thống kê được bao dự án có cách làm tương tự như đường 25?

Bộ trường Hồ Nghĩa Dũng: Dự án ở Gia Lai, do Bộ GTVT quyết định đầu tư và giao cho Ban quản lý dự án làm chủ đầu tư sau đó Ban quản lý tiếp tục giao lại cho Sở GTVT. Phải nói rõ là đường 25 là đường có từ trước và bị hư hại nhiều. Bộ quyết dịnh đại tu sửa chữa mặt đường chứ không phải làm lại. Có 12 cây số trên tuyến này, sau khi được sửa và đưa vào sử dụng thì tiếp tục bị hư hỏng nghiêm trọng.

Nguyên nhân là do đặc điểm địa chất thủy văn phức tạp nên việc sửa chữa mặt đường không còn ý nghĩa. Hơn nữa trong khảo sát không có chi phí khảo sát nền đường.

Sau khi đánh giá, chúng tôi chưa tìm được ngay nguồn vốn, nhưng giao Cục Đường bộ bố trí ngay vốn để đảm bảo làm cho dân. Chúng tôi cũng tính phải cân đối dự án để năm 2007 có thể thực hiện được toàn bộ về đoạn đường này.

Trách nhiệm của chúng tôi là quyết định đầu tư chưa chính xác. Chúng tôi chưa thống kê có bao nhiêu dự án làm như đường 25. Chúng tôi xin rút kinh nghiệm.

Thất thoát, lãng phí đất đai : trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương

 Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Mai Ái trực đã trả lời 6 câu hỏi chất vấn chia làm 3 nhóm vấn đề của các đại biểu liên quan đến thất thóat, lãng phí trong lĩnh vực đất đai và ô nhiễm môi trường.

Bộ trưởng Mai Ái Trực cho rằng để xảy ra thất thóat, lãng phí trong lĩnh vực đất đai thì trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương do đã giao đất, cho thuê đất không sát thực tế cũng như đã buông lỏng việc quản lý các cán bộ, công chức trực tiếp hoặc có liên quan đến quản lý đất đai dẫn đến thất thoát, lãng phí đất đai.

Về phía T.Ư, thì cơ quan quản lý đất đai ở Trung ương cũng phải chịu trách nhiệm do chưa làm tốt công tác đề xuất xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai. Việc kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai cũng bị buông lỏng. Quốc hội, Chính phủ cũng có một phần trách nhiệm.

Khó quy trách nhiệm để bồi thường cho các nạn nhân ở những "làng ung thư"

Đại biểu Trần Luân Kim (Phú Yên) và đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đặt vấn đề: Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương đã ở mức báo động vậy là cơ quan có chức năng quản lý thì Bộ Tài nguyên Môi trường cũng như Bộ trưởng có trách nhiệm như thế nào? Việc bồi thường cho các nạn nhân ở những “làng ung thư” được tiến hành ra sao?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Chúng tôi đã có nhiều cố gắng trong việc xoay chuyển tình hình bảo vệ môi trường nhưng thực tế hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Ở nhiều nơi, nhiều địa phương, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra phổ biến, có nơi nghiêm trọng.

Là người đứng đầu cơ quan của Chính phủ về bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường xin chịu trách nhiệm về việc đã chưa có những biện pháp có hiệu lực và hiệu quả hơn để ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm.

Các “làng ung thư” mà báo chí nêu trong thời gian gần đây đều là những khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do chất thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp không được xử lý đúng quy định như ở Thạch Sơn (Phú Thọ), Minh Đức (Hải Phòng). Có nơi sử dụng nguồn nước ngầm có thành phần asen cao do nguyên nhân địa chất như ở xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây.

Việc xác định mức độ gây ô nhiễm để buộc cơ sở gây ô nhiễm phải bồi thường cho các nạn nhân bị ung thư gặp một số khó khăn mà chủ yếu là do có nhiều cơ sở sản xuất cùng gây ra ô nhiễm trên một địa bàn nên việc xác định là rất khó.

Bên cạnh đó, bệnh ung thư do ô nhiễm môi trường xuất hiện sau một thời gian tích tụ, nhuốm bệnh khá dài. Nhiều nhà máy trước đây gây ô nhiễm nghiêm trọng nhưng nay đã được cải tạo, nâng cấp nên mức độ ô nhiễm không đáng kể và không còn đủ căn cứ để xác định ung thư là do nhà máy gây ra.

Trong sáng nay, Bộ trưởng Mai Ái Trực cũng trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Kim Cúc (Long An) và đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) về thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn cũng như việc cải cách thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn hiện nay.

Chiều nay Quốc hội tiếp tục làm việc với phần chất vấn các Bộ trưởng khác.

Tiếp tục cập nhật...

Phạm Tuyên ghi

MỚI - NÓNG