Cháy tàu - ngư dân thành “chúa Chổm”

Ngư dân trắng tay sau các vụ cháy. Ảnh: Nguyễn Thành
Ngư dân trắng tay sau các vụ cháy. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Các vụ cháy tàu cá công suất lớn liên tiếp xảy ra tại Quảng Nam, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, nhiều chủ tàu, ngư dân lâm cảnh nợ nần.

Khuya 4/3, người dân ở cảng cá Tam Giang (Núi Thành, Quảng Nam) bị đánh thức vì tiếng la hét, kêu gọi chữa cháy tàu cá neo đậu trên sông. Tàu QNa 90947 có công suất 870 CV bơm đầy dầu, chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cho hải trình câu mực đầu năm bỗng nhiên bốc cháy. Tàu bị thiêu rụi trước sự bất lực của lực lượng PCCC, của chủ tàu và 41 lao động  cùng hàng trăm người dân.

“Cơ quan chức năng cần có khuyến cáo, cảnh báo ngư dân về nguy cơ chập điện dẫn đến cháy nổ trên tàu. Việc đóng tàu cần có đội ngũ thợ điện được đào tạo bài bản, lành nghề tham gia thiết kế, hướng dẫn cho ngư dân và chủ tàu sử dụng thiết bị điện an toàn. Việc đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cần có nội dung an toàn hệ thống điện trên tàu giúp họ biết cách đấu nối điện an toàn và xử lý tình huống điện trên tàu”.

Ông Phan Văn Châu 

Phó Chủ tịch UBND 

xã Tam Giang

Tàu Qna-90947 được chủ tàu Huỳnh Văn Trí và Nguyễn Thanh (cùng trú thôn Đông Xuân, Tam Giang, Núi Thành) góp vốn đóng mới năm 2011 với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Con tàu chuyên đi câu mực ở Hoàng Sa và Trường Sa là nguồn thu nhập chính của gia đình 2 chủ tàu và 41 lao động. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn, ông Trí đang ngủ trên tàu để chuẩn bị ra khơi vào sáng hôm sau. Ông Trí may mắn thoát chết.

“Tiền tỷ bị thiêu rụi, gia đình lâm vào cảnh nợ nần, anh em bạn câu cũng khốn khó. Bao giờ mới đóng được tàu mới đây”, ông Trí buồn rầu nói.

Tàu QNa 90947 chỉ là 1 trong số 7 tàu câu mực bị cháy trong khoảng 3 năm trở lại đây ở xã Tam Giang, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Do các vụ cháy tàu thường xảy ra vào ban đêm, trên tàu thường có nhiều dầu và vật dụng dễ cháy nên cả 7 tàu cá đều bị thiêu rụi, chủ tàu trắng tay.

Anh Phạm Cường (43 tuổi, trú tại thôn Đông Xuân) và vợ ngồi thất thần trước xác con tàu bị cháy cách đây 8 tháng. Anh Cường kể, sau một thời gian dài đi biển làm công cho các chủ tàu, đến năm 2011, gia đình anh vay mượn gần 4 tỷ đồng để đóng tàu 700CV. Đêm 28/6/2014, đang neo đậu ở khu vực cảng cá An Hòa, tàu bất ngờ bốc cháy và bị thiêu rụi.

Tàu cháy, anh Cường phát bệnh phải ra Bệnh viện Trung ương Huế điều trị hơn một tháng. Con trai anh Cường đang học đại học năm thứ 3 ở Đà Nẵng phải bỏ học về nhà đi biển mưu sinh.

Đến nay, số nợ gần 4 tỷ đồng của gia đình vẫn chưa trả được. Sau 8 tháng thất nghiệp, vừa rồi anh Cường may mắn được nhận làm tài công cho một chủ tàu khác. 43 thuyền viên trước đây làm việc trên tàu hiện phần lớn đang thất nghiệp, ở nhà chờ chủ tàu khác gọi đi biển.

Cần cảnh báo nguy cơ cháy tàu

Ông Phan Văn Châu, Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang, cho biết, hầu hết các vụ cháy đều xảy ra khi tàu đang neo đậu nhưng thường vào lúc nửa đêm nên khi phát hiện thì ngọn lửa đã bùng phát dữ dội. Đến nay, một số vụ cháy vẫn chưa rõ nguyên nhân, có thể là do chập điện.

Sau nhiều vụ cháy, các chủ tàu đều lâm vào cảnh nợ nần vì nợ tiền ngân hàng, tiền chủ mối cung ứng xăng dầu, nhu yếu phẩm... Riêng đội ngũ lao động trên các tàu cá đều lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc phải đi vào Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên xin làm thuê.

Theo ông Châu, tàu cá công suất lớn của ngư dân thường có hệ thống điện rất phức tạp và chịu tải nhiều thiết bị cùng lúc. Trên tàu luôn chứa nhiều dầu, bình gas và vật liệu dễ cháy.

Thế nhưng, hệ thống điện trên tàu cá đều do các ngư dân hoặc thợ tay ngang tại địa phương tự thiết kế và thi công nên rất sơ sài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ chập điện, gây cháy nổ.

Các chủ tàu có tàu bị cháy đều cho biết, ngoài thiết kế ban đầu, sau khi đưa vào sử dụng hệ thống điện trên tàu, anh em đấu nối thêm để phục vụ các nhu cầu về điện khi đi trên biển, nên nguy cơ cháy nổ càng tăng.  

MỚI - NÓNG