Chết cháy trong nhà “chuồng cọp”

Lực lượng PCCC rất khó tiếp cận các tầng ngôi nhà để dập lửa do chuồng cọp​. Ảnh: CTV.
Lực lượng PCCC rất khó tiếp cận các tầng ngôi nhà để dập lửa do chuồng cọp​. Ảnh: CTV.
TP - Gần đây, Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy nhà dân dẫn đến chết người, trong đó có một số vụ cháy nhà ống phía ngoài lắp lưới sắt kiểu “chuồng cọp”.

Chết thảm

Khoảng 1h5 ngày 19/7, một đám cháy lớn xảy ra tại ngôi nhà 4 tầng số 48 ngõ 41 phố Vọng (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).  Lực lượng PCCC huy động 8 xe chữa cháy, xe cứu hộ cùng 40 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường. Lúc này, lửa đã bùng phát dữ dội từ tầng 1 lên tới tầng 4 của ngôi nhà, nhiệt độ cao, tỏa ra nhiều khói độc.

Khi phát hiện 3 người mắc kẹt bên trong tầng 3 của ngôi nhà bao bọc bằng lưới sắt kiểu “chuồng cọp”, lực lượng PCCC chia làm 3 hướng tiếp cận cứu người bên trong. Một mũi tiếp cận tầng 3 dùng kìm thủy lực cắt lưới sắt đồng thời phun nước làm mát để chiến sĩ cứu hộ sử dụng mặt nạ phòng độc và bình oxy tiếp cận bên trong và cứu được cháu Lê Thanh Ngân (SN 2000).

Lực lượng chức năng cũng phát hiện thi thể của mẹ con bà Bùi Thị Thanh Thủy (SN 1968) và Nguyễn Thị Ngọc (SN 1936) ở khu vực ban công tầng nhà. Hai mũi còn lại chữa cháy tại tầng 1 và từ phía nhà đối diện phun nước lên các tầng 2, 3, 4. Đến 3h30, đám cháy được khống chế.

Ông Nguyễn Anh Học, nhân chứng cho biết, vào thời điểm xảy ra cháy, nhiều người thấy gia đình bà Ngọc kêu cứu trên tầng 3 nhưng do phía ngoài lan can được quây kín bằng lưới sắt nên không ai có thể thoát ra. “Lúc này, mọi người hô hoán nhau dùng búa, gậy sắt phá cửa tầng 1 để vào bên trong nhưng bất thành. Trong căn nhà có bà Ngọc tuổi đã cao lại đau ốm mới đi viện về, chị Thủy có thể đã cố gắng giúp đỡ mẹ thoát ra ngoài lan can phía trước căn nhà” – ông Học cho biết.

Trước đó, ngày 13/7, một vụ cháy tương tự đã xảy ra tại ngôi nhà 4 tầng ngõ 205 đường Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) làm 4 người trong gia đình tử vong khi đang ngủ trên tầng 3. Căn nhà này cũng được xây kín không lối thoát hiểm, cửa chính ở tầng 1 bị khóa và các cửa sổ đều lắp song sắt. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân vụ cháy do chập điện tủ lạnh.

Hiểm họa

Theo đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng Phòng cảnh sát PCCC số 1, vụ cháy xảy ra tại căn nhà ống cao 4 tầng trong ngõ phố Vọng có diện tích sàn khoảng 60m2. Tầng 1 được chủ nhà kinh doanh hàng tạp hóa, các tầng trên được tận dụng làm nơi ở.

“Theo ghi nhận của lực lượng PCCC, rất nhiều chất cháy được chất ở trong tầng 1 và cầu thang lên các tầng, khi đám cháy bùng lên, lửa và khói lan lên toàn bộ các tầng trên cao. Phía trước tòa nhà từ tầng 2 lên tới tầng 4 được hàn lồng sắt nên rất khó khăn trong công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ” – đại tá Vụ cho hay.

Trước vụ cháy trên, đại tá Vụ cũng khuyến cáo tất cả các hộ gia đình không nên vừa ở vừa kinh doanh và bố trí quá nhiều chất cháy như hàng hóa ở tầng 1 và cầu thang để đảm bảo cho việc thoát nạn thoát hiểm.

“Để hạn chế cháy, trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà người dân nên kiểm tra tất cả các thiết bị tiêu thụ điện, nơi có nguồn lửa, nguồn điện như khu vực đun nấu, thắp hương thờ cúng để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra cháy nổ. Tất cả các hộ nên đầu tư các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy để khi cháy xảy ra có thể dập tắt được ngay” – đại tá Vụ nói.

“Đám cháy không lớn nhưng lại gây chết người, chúng tôi rất đau xót và chia buồn với gia đình. Từ vụ này, mỗi người dân cần nêu cao ý thức trách nhiệm của mình về công tác an toàn PCCC trước hết cho gia đình mình và cho các hộ dân xung quanh” – đại tá Vụ chia sẻ.

“Theo ghi nhận của lực lượng PCCC, rất nhiều chất cháy được chất ở trong tầng 1 và cầu thang lên các tầng, khi đám cháy bùng lên, lửa và khói lan lên toàn bộ các tầng trên cao. Phía trước tòa nhà từ tầng 2 lên tới tầng 4 được hàn lồng sắt nên rất khó khăn trong công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ”.        

Đại tá Trần Văn Vụ

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.