Chết yểu vì quyết định thu hồi thủy điện trái luật?

Dự án Thủy điện Đackrông 4 bị thu hồi trái luật?
Dự án Thủy điện Đackrông 4 bị thu hồi trái luật?
TPO - Chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện Đakrông 4 (Quảng Trị) có nguy cơ phá sản khi UBND tỉnh Quảng Trị “tự đẻ” ra giấy phép con quyết thu hồi dự án thủy điện.

Ông Nguyễn Quang Chước, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thượng Hải, chủ đầu tư dự án thủy điện Đakrông 4 cho biết, UBND tỉnh Quảng Trị thu hồi dự án với lý do chậm tiến độ và không có hợp đồng tín dụng. Bức xúc trước việc này, ông Chước làm đơn kiếu nại lên Thủ tướng. Được biết, thanh tra Bộ Xây dựng sẽ làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị để giải quyết việc này.

Đại diện công ty lý giải rằng, trong giấy chứng nhận đầu tư dự án có ghi: quý II/2008 – quý II/2010 khởi công xây dựng. Quý III hoàn thành đưa vào hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế, ngày 4/10/2009, UBND tỉnh mới có cho phép khởi công công trình. Đến ngày 10/9/2010 Bộ Công thương có văn bản 9051 về việc điều chỉnh quy hoạch thủy điện nhỏ Quảng Trị.

 Ngày 6/10/2010, UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định số 189 điều chỉnh một số thông số dự án thủy điện Đakrông 4. Như vậy, thời gian tiến độ so với chứng nhận đầu tư mới bắt đầu thực hiện từ khi UBND tỉnh Quảng Trị bổ sung thông số dự án. Lúc đó, chủ đầu tư mới bắt đầu thiết kế bản vẽ thi công để thực hiện. Trong thời gian từ 2011 - 2013, ngân hàng khó khăn nên không có vốn cho vay.

 “Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, các dự án thủy điện nhỏ đều chậm tiến độ là điều khách quan. Mặc dù các dự án đã hoàn thành nhưng tại cùng một thời điểm có 4 dự án chậm tiến độ được gia hạn, nhưng dự án thủy điện Đakrông 4 bị thu hồi là không công bằng”, ông Chước nói. 

Theo ông Chước, UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, phải có hợp đồng tín dụng là điều kiện xem xét lựa chọn nhà đầu tư thủy điện. Tuy nhiên, tại khoản 2 điều 13 Thông tư 43 (ngày 27/12/2012) của Bộ Công thương quy định về quản lý quy hoạch đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thuy điện chỉ cần có “cam kết tín dụng”. Hợp đồng tín dụng phải theo quy trình của Ngân hàng Nhà nước chứ không phải “giấy phép” do UBND tỉnh ban hành.

Ông Chước cho biết thêm, hiện công trình đã đầu tư gần 100 tỷ đồng vào dự án. “Chúng tôi đã triển khai tập kết máy móc, thiết bị để thi công nhưng bị dừng, tạo ra sự thiệt hại cho công ty. Trong lúc chúng tôi đã thực hiện đầu tư vào công trình nhiều hơn những dự án khác cùng một thời điểm. 

Cụ thể, doanh nghiệp đã đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, thông báo an toàn 38,5 ha; làm đường thi công vận hành 3km; san ủi mặt bằng khu nhà điều hành 5,7ha; làm nhà điều hành và đang thu dọn để làm đập đầu mối và đường hầm. Hiện, chúng tôi có nhà thầu cam kết bỏ vốn thi công, có đơn vị mua điện. Tất cả đều chứng minh năng lực thi công của chủ đầu tư nhưng chúng tôi không biết vì lý do gì mà tỉnh quyết thu hồi dự án?”, ông Chước cho hay.

Chính Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Trịnh Quốc Hồ Hiệp Nghĩa có văn bản đóng góp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị cho tỉnh chỉ ra rằng: “Việc dự án thủy điện Đakông 4 được Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (PVbank) có văn bản chấp thuận cấp tín dụng có điều kiện cùng với việc hợp tác đầu tư, kiện toàn tổ chức bộ máy điều hành quản lý dự án thể hiện sự cố gắng và quyết tâm lớn của chủ đầu tư. Tuy vậy, chủ đầu tư thủy điện Đackrông 4 vẫn chưa đáp ứng điều kiện yêu cầu của UBND tỉnh (chưa ký kết được hợp đồng tín dụng)”.

Trao đổi với  Tiền Phong, ông Mai Thức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (người ký Quyết định thu hồi dự án) cho rằng: “Bây giờ tôi không phụ trách nên không nắm rõ”. Còn ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng trị (phụ trách mảng công nghiệp) cho rằng: “Doanh nghiệp đang khiếu kiện lần 2 trên Bộ Xây dựng. Mọi thông tin sẽ công bố sau khi Bộ Xây dựng kết luận”.

Theo một thanh tra ngành xây dựng cho biết: “UBND buộc doanh nghiệp phải có hợp đồng tín dụng là không thoả đáng. Theo quy định của Bộ Công Thương về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thuỷ điện và vận hành khai thác công trình thuỷ điện: Nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu đạt tối thiểu 30% tổng mức đầu tư dự án và được các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, ngân hàng cam kết bằng văn bản cho vay phần vốn đầu tư còn lại. Rõ ràng, UBND tỉnh Quảng Trị làm trái Luật và tự đẻ ra quy định Vị này cho biết thêm, chủ đầu tư chậm tiến độ nhưng do nhiều lý do cả khách quan và chủ quan. Trong nhiều năm, doanh nghiệp không xin gia hạn nhưng chính Sở Công thương địa phương tự xin gia hạn cho dự án nên tỉnh không thể căn cứ vào đó để thu hồi dự án.

 “Theo tôi ở đây có sự oan sai. Hiện, bản thân doanh nghiệp có đầy đủ căn cứ chứng minh năng lực triển khai tiếp dự án nhưng tỉnh vẫn bỏ qua. Một doanh nghiệp bỏ gần 100 tỷ đồng có nguy cơ phá sản nếu tỉnh vẫn ép vào bước đường cùng”, vị này nói.

MỚI - NÓNG