Chỉ đạo của Thủ tướng về vụ hải sản chết bất thường ở miền Trung

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an thủ thập tài liệu chứng cứ vụ hải sản chết bất thường
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an thủ thập tài liệu chứng cứ vụ hải sản chết bất thường
TPO - Ngày 28/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về xử lý các vấn đề liên quan đến việc hải sản chết bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung. Tại buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo cụ thể về vấn đề này.

Việc hải sản chết tại một số tỉnh miền Trung vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, ảnh hưởng vệ sinh môi trường và du lịch. Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương (đến nay đã có 7 văn bản chỉ đạo: các công văn số 2757/VPCP-KTN ngày 22/4/2016, 2760/VPCP-KTN ngày 22/4/2016, 2815/VPCP-KTN ngày 25/4/2016, các Công điện số: 688/CĐ-TTg ngày 27/4/2016, 54/ĐM-TTg ngày 27/4/2016, các Thông báo số 67/TB-VPCP ngày 28/4/2016, 68/TB-VPCP ngày 29/4/2016).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và một số Bộ trưởng đã đến làm việc, kiểm tra trực tiếp vùng bị ảnh hưởng. Tình trạng hải sản chết bất thường vừa qua ở một số tỉnh miền Trung là sự cố môi trường biển trên diện rộng, phức tạp, lần đầu tiên xảy ra ở nước ta, mặc dù các cơ quan chức năng đã khẩn trương vào cuộc nhưng đến nay vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân, chưa đáp ứng được yêu cầu. Chiều qua (28/4/2016), Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì họp và tiếp tục chỉ đạo về việc này (68/TB-VPCP ngày 29/4/2016).

Các chỉ đạo vừa qua tập trung vào những nội dung sau:

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hải sản chết.

Đồng thời, do đây là vấn đề khoa học chuyên sâu, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng huy động các nhà khoa học, trường hợp cần thiết mời chuyên gia quốc tế khẩn trương, kịp thời làm rõ nguyên nhân gây chết hải sản, bảo đảm khách quan, khoa học.

2. Rà soát, thống kê, kịp thời hỗ trợ người dân bị thiệt hại, bảo đảm ổn định cuộc sống, không để thiếu đói do phải ngừng nuôi trồng, khai thác hải sản, đặc biệt là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, trường hợp bị thiệt hại nặng.

3. Tập trung thu thập tài liệu chứng cứ, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật hình sự thì kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, chủ động nắm chắc tình hình, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước tiến hành rà soát công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển tại các Dự án đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp nặng. Tăng cường hệ thống quan trắc, giảm sát môi trường, kịp thời xử lý khi có sự cố.

5. Thu gom, xử lý hải sản chết, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thủy hải sản, bảo đảm an toàn thực phẩm; nghiêm cấm vận chuyển, tiêu thụ, kinh doanh, sử dụng hải sản chết làm thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dưới mọi hình thức.

6. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn người dân trong việc tiếp tục nuôi trồng, khai thác và tiêu thụ hải sản an toàn; bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện việc đưa thông tin trung thực, chính xác, khách quan, đúng định hướng, có cơ sở khoa học, nhằm ổn định tình hình, không tạo tâm lý hoang mang trong dư luận. Tăng cường truyền thông về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

8. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối cung cấp thông tin chính thức cho các cơ quan báo chí về vụ việc này. Ngay trưa hôm nay (29/4), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan vào Quảng Bình làm việc trực tiếp với các địa phương để thống nhất những cơ chế hỗ trợ ngư dân về thu mua, tạm trữ hải sản đánh bắt xa bờ; hỗ trợ về tín dụng…

MỚI - NÓNG